Điều đặc biệt trong hiệp định thương mại Việt Nam – Israel

Khi đàm phán và ký kết hiệp định tự do thương mại với các quốc gia khác, Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến cơ hội tiếp cận thị trường. Nhưng với Israel, Việt Nam mong muốn cả chiều ngược lại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VA)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VA)

Hội thảo Giới thiệu về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel (VIFTA), diễn ra vào chiều 11/12 tại Hà Nội, để cung cấp thông tin về những lợi ích mà VIFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp của hai nước.

Việt Nam và Israel bắt đầu đàm phán VIFTA từ tháng 12/2015. Sau 12 phiên đàm phán chính thức, hai bên chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023, và hiệp định có hiệu lực từ tháng 11/2024.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cơ cấu thương mại của Việt Nam và Israel không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Đây là tiền đề quan trọng để hai bên có thể mở rộng trao đổi thương mại trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Israel trải qua quá trình đàm phán khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực và quyết tâm, hai bên cuối cùng đã ký được hiệp định và đưa vào thực thi. Kim ngạch thương mại hiện nay mới chỉ đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế giữa hai bên. Ông cho biết, VIFTA sẽ tạo ra tiền đề để hai bên triển khai nhiều hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch và các hoạt động giao lưu khác.

Phát biểu tại hội thảo, bà Aliza Bin-Noun - Tổng Vụ trưởng Chính trị và Hợp tác đa phương, Bộ Ngoại giao Israel, cho biết khi đến Hà Nội, bà rất ấn tượng với sức sống và sự năng động của Việt Nam. Bà cho biết, dù đang có xung đột, Israel vẫn phát triển quan hệ với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Tổng Vụ trưởng Chính trị và Hợp tác đa phương cho rằng VIFTA là đỉnh cao của những năm tháng thương thảo, sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều định hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (phải), bà Aliza Bin-Noun - Tổng Vụ trưởng Chính trị và Hợp tác đa phương, Bộ Ngoại giao Israel (giữa), và Đại sứ Israel Yaron Mayer tại Việt Nam tại hội thảo. (Ảnh: VA)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (phải), bà Aliza Bin-Noun - Tổng Vụ trưởng Chính trị và Hợp tác đa phương, Bộ Ngoại giao Israel (giữa), và Đại sứ Israel Yaron Mayer tại Việt Nam tại hội thảo. (Ảnh: VA)

Những công nghệ quan trọng

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, trong đó có những hiệp định thế hệ mới.

Với các đối tác khác, Việt Nam thường quan tâm nhiều hơn đến cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng với Israel có điểm đặc biệt là Việt Nam hướng đến cả chiều nhập khẩu, đặc biệt trong những lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện tử, thiết bị bán dẫn… trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng phát triển những ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ nguồn…

Ông Thái nêu ví dụ là cách đây vài năm, Việt Nam muốn nhập khẩu một số thiết bị của hãng Nvidia nhưng khó thực hiện vì Mỹ có nhiều quy định phức tạp. Tuy nhiên, vì Nvidia cũng đã có cơ sở ở Israel nên chi nhánh của họ ở Israel không phải chịu những quy định đó nếu xuất khẩu sang Việt Nam. Israel có kết nối rất tốt về công nghệ với châu Âu, Bắc Mỹ, vì thế Việt Nam có thể khai thác lợi thế này.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Israel là đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở Trung Đông, là kênh giúp Việt Nam tiến vào khu vực. Vì thế, ông Thái cho biết, việc thực thi VIFTA không chỉ thể hiện ở những con số, mà còn là cơ hội cho những ngành mà Việt Nam hướng tới trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, Israel cũng rất quan tâm đến khu vực này, trong đó Việt Nam là một đối tác đang nổi lên. Hai bên nhìn thấy ở nhau những lợi thế mang tính bổ sung cao.

VIFTA mở ra tiềm năng hợp tác mới

Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer cho biết, với việc cách xóa bỏ thuế quan đối với 85% - 92% hàng hóa giao dịch giữa hai quốc gia, VIFTA mở ra tiềm năng mới trong nhiều ngành khác nhau, với thương mại song phương dự kiến sẽ tăng 30% trong năm tới.

Đối với Việt Nam, thỏa thuận này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Israel đối với các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm hàng dệt may, giày dép, hải sản và đồ điện tử, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.

Đối với Israel, công nghệ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, quản lý nước, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo sẽ có cơ hội áp dụng nhiều hơn ở Việt Nam khi Việt Nam theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng và phát triển bền vững.

Đại sứ Israel Yaron Mayer cho biết, các công ty Israel trong lĩnh vực công nghệ y tế, năng lượng tái tạo và ô tô đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Tương tự, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích đầu tư vào Israel, đặc biệt trong các ngành công nghiệp thiên về công nghệ.

Ký kết sáng kiến Hợp tác nông nghiệp

Nhân dịp diễn ra hội thảo, Việt Nam và Israel ký kết Sáng kiến Hợp tác nông nghiệp, nhằm mở rộng áp dụng kỹ thuật tưới nước của Israel ra các tỉnh thành của Việt Nam.

Lễ ký kết Sáng kiến Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Israel. (Ảnh: VA)

Sau khi áp dụng thí điểm ở các vườn cam của tỉnh Hà Tĩnh, công nghệ tưới nước của Israel mang lại những thay đổi tích cực đáng kể, từ đó đã được nhân rộng ra 10 tỉnh, thành của Việt Nam.

Sáng kiến được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam giải quyết thách thức quan trọng về quản lý nước hiệu quả trong nông nghiệp.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-dac-biet-trong-hiep-dinh-thuong-mai-viet-nam-israel-post1699795.tpo
Zalo