Duy trì thói quen phân loại rác thải tại nguồn

Thời gian qua, các cấp hội LHPN Hà Tĩnh đã tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại gồm: tái chế, thực phẩm và khác. Nếu không phân loại sẽ bị xử phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, theo Nghị định 45/2022. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

 Phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh phân loại rác tái chế để bán gây quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn.

Phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh phân loại rác tái chế để bán gây quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn.

Tại Hà Tĩnh, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn đã được các cấp hội LHPN tích cực triển khai từ nhiều năm nay.

Gia đình bà Phạm Thị Lan (tổ dân phố Ngọc Sơn, phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh) là hộ đi đầu trong thực hiện mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Một trong những phần việc quan trọng của mô hình chính là phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.

Bà Lan chia sẻ: “Sau khi được hội LHPN các cấp hướng dẫn, tôi đã hiểu rõ quy trình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, biết cách sử dụng chế phẩm sinh học để thực hiện quy trình ủ rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng… Giờ đây, việc phân loại rác thải đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của gia đình.”

 Các cấp Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh thực hiện công tác tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, tặng thùng rác... cho hội viên.

Các cấp Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh thực hiện công tác tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, tặng thùng rác... cho hội viên.

Không chỉ bà Lan mà các hội viên của Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, diễn đàn “Hội phụ nữ với công tác phòng chống rác thải nhựa”. Các cấp hội đã xây dựng 52 mô hình “ngôi nhà xanh” để thu gom và bán phế liệu gây quỹ. Cùng đó, thực hiện mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” nhằm khuyến khích hội viên phân loại rác ngay tại nhà và ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ để bón cho cây trồng…

Tại huyện Cẩm Xuyên, hoạt động phân loại rác tại nguồn được triển khai đến từng gia đình, từng khu dân cư trên địa bàn. Với những nỗ lực của hội LHPN các cấp, số lượng hộ gia đình trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên tham gia phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã tăng lên rõ rệt theo từng năm. Riêng năm 2024, đã có 35.978/43.237 hộ thực hiện phân loại rác (đạt tỷ lệ 83,2%); xây dựng được 9 mô hình xử lý rác hữu cơ tại 9 điểm chợ và 7 mô hình điểm tại các thôn.

 Đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng được 9 mô hình xử lý rác hữu cơ tại 9 điểm chợ và 7 mô hình điểm tại các thôn.

Đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng được 9 mô hình xử lý rác hữu cơ tại 9 điểm chợ và 7 mô hình điểm tại các thôn.

Bà Phan Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được hội viên trên địa bàn duy trì tốt trong thời gian qua. Các chị em không chỉ chủ động phân loại rác thải mà còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng. Nhờ sự đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao, phụ nữ huyện Cẩm Xuyên đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, tiến tới biến rác thải thành tài nguyên”.

Hiện nay, các cấp hội LHPN trong toàn tỉnh đã thành lập 176 câu lạc bộ “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - đô thị văn minh”, “Gia đình 5 có - 3 sạch”… Từ đó, công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BVMT, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và thực hành lối sống xanh... được thực hiện đồng bộ; khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội LHPN trong việc BVMT, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh.

 Việc duy trì hoạt động phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần thực hiện tốt công tác BVMT tại Hà Tĩnh.

Việc duy trì hoạt động phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần thực hiện tốt công tác BVMT tại Hà Tĩnh.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 75% số hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (trong đó, có trên 166.000 hộ có công trình, biện pháp xử lý chất thải thực phẩm tại hộ và 30 mô hình xử lý chất thải thực phẩm tập trung).

Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động phân loại rác thải, lồng ghép với các phong trào trong xây dựng NTM, đô thị văn minh… nhằm thay đổi mạnh mẽ hơn thói quen, tập quán của hội viên và người dân trong việc gìn giữ môi trường. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức kiểm tra công tác BVMT tại các địa phương, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt…

Bà Trương Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Anh Thùy

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/duy-tri-thoi-quen-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-post280828.html
Zalo