Chấp hành tốt pháp luật thì không sợ phạt nặng hay nhẹ
Ghi nhận của PV Báo CAND tại các nút giao thông trong nội ô TP Đà Lạt và quốc lộ 20, đoạn qua các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng những ngày qua cho thấy, mọi người đều nghiêm túc chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, không còn tình trạng chen lấn, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều… Hoạt động giao thông đã đi vào nền nếp, trật tự, ngay cả vào giờ cao điểm, vốn có lượng phương tiện tham gia giao thông tăng lên đột biến.
Trong 9 ngày đầu thực hiện Nghị định 168, lực lượng CSGT-TT Công an TP Đà Lạt đã dừng kiểm soát 1.615 lượt phương tiện (597 ôtô, còn lại là môtô), lập biên bản xử phạt hành chính 163 trường hợp vi phạm với các lỗi chủ yếu là đậu đỗ không đúng quy định, vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đi vào đường cấm…
Số người vi phạm giao thông đã giảm mạnh so với một tuần trước đó. Vẫn còn một số người vi phạm pháp luật về giao thông phàn nàn về mức phạt hành chính theo Nghị định 168 quá nặng và viện ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đa số người dân tại Lâm Đồng đồng tình với việc tăng mức phạt, cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu để răn đe, ngăn chặn các vụ TNGT.
Ông Nguyễn Văn Thức, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt cho biết: “Khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn và các chế tài đối với hành vi này, không ít người tỏ ra không đồng tình. Thực tế triển khai, tới này ai cũng thấy quy định đó là đúng đắn… Nay Nghị định số 168 cũng vậy. Có thể một số người vẫn phàn nàn về nhiều hành vi vi phạm bị phạt hành chính rất nặng và tỏ ra lo ngại. Tôi thì quan niệm, mọi người chấp hành nghiêm túc pháp luật khi tham gia giao thông thì phạt nặng hay nhẹ cũng thế cả thôi. Lỗi vi phạm đều do mình tự gây ra và thuộc về sự chủ quan của người tham gia giao thông!...”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Minh, trú tại TP Bảo Lộc cho biết thêm: “Nghị định 168 với mức xử phạt rất cao buộc người dân phải quan tâm, học và tìm hiểu kỹ hơn về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật sẽ nghiêm túc hơn!...”.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, để đạt được mục tiêu kéo giảm 5% cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và bị thương trong năm 2025, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng phải tập trung thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xác định nguyên nhân dẫn tới TNGT, đẩy mạnh “phân công, phân cấp, phân quyền” gắn với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”… Đặc biệt, trong năm qua, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được bản đồ về tình hình trật tự an toàn giao thông, trong đó xác định các vị trí, địa điểm thường xuyên xảy ra TNGT, xác định khu vực theo màu xanh (vùng an toàn về giao thông), vùng vàng (vùng nguy cơ cao xảy ra TNGT) và vùng đỏ (vùng thường xuyên xảy ra TNGT). Đại tá Bùi Đức Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu cho lực lượng CSGT và các lực lượng liên quan toàn tỉnh trong năm 2025 là tăng vùng xanh, hạn chế vùng vàng và giảm vùng đỏ gắn liền với từng nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương do TNGT ở Lâm Đồng.