Duy trì HĐT đại học thành viên là điều tiên quyết để phát triển, tăng tự chủ
Theo TS.Đỗ Tuấn Minh, mô hình quản trị có sự tham gia của hội đồng trường đã phát huy tích cực, thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học thành viên.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học và thực hiện chủ trương tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, việc xây dựng và vận hành mô hình quản trị tại các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là ở các đại học quốc gia và đại học vùng cần được tiến hành một cách thận trọng, khoa học và phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết, một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi là đề xuất không thành lập hội đồng trường tại các trường đại học thành viên, mà chỉ duy trì một hội đồng cấp đại học vùng hoặc đại học quốc gia. Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Tầm quan trọng của hội đồng trường đại học thành viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phần lớn các trường đại học trên cả nước hiện nay đã hoàn tất việc thành lập và kiện toàn hội đồng trường.
Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vai trò, hiệu quả hoạt động và cách thức phối hợp giữa các thành tố trong bộ máy quản trị đại học, nhưng nhìn chung, mô hình quản trị có sự tham gia của hội đồng trường đã phát huy nhiều mặt tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.
“Là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể khẳng định rằng Trường Đại học Ngoại ngữ là đơn vị vận hành hiệu quả mô hình quản trị có hội đồng trường. Cơ chế này đã hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp và ngày càng phát huy vai trò trong quá trình phát triển nhà trường.
Thực tiễn tại nhà trường cho thấy, hội đồng trường đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp rõ nét của mô hình quản trị này, khẳng định vai trò quan trọng của hội đồng trường trong quá trình phát triển”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho hay.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thúy Hiền.
Theo thầy Minh, mấu chốt của thành công trong quản trị trường đại học là việc vận dụng nghiêm túc và khoa học cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu trong mọi hoạt động của trường, góp phần xây dựng cơ chế phối hợp minh bạch, dân chủ và hiệu quả.
Cơ chế phối hợp này được thiết kế dựa trên ba yếu tố cốt lõi gồm: nguyên tắc phối hợp, phương thức phối hợp và nội dung phối hợp. Trong đó, vai trò của từng thành tố được phân định rõ ràng: Đảng ủy giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, tập trung và thống nhất; hội đồng trường thực hiện chức năng chỉ đạo, quản trị và giám sát theo đúng chủ trương của Đảng ủy; ban giám hiệu chịu trách nhiệm quản lý, triển khai nhiệm vụ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của Đảng ủy và quyết nghị của hội đồng trường.
Từ việc quyết định chiến lược phát triển, nhân sự chủ chốt đến giám sát hoạt động tài chính, tổ chức bộ máy và đào tạo, nghiên cứu, hội đồng trường tạo ra một hệ thống giám sát chéo, tránh tình trạng tập trung quyền lực, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho biết, hội đồng trường đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa quyền tự chủ đại học một cách thực chất.
Không chỉ dừng lại ở các nội dung như phê duyệt quy hoạch, kế hoạch công tác hay giám sát hoạt động của ban giám hiệu, hội đồng trường ở các trường đại học thành viên còn tham gia vào quá trình quyết định nhiều vấn đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển của nhà trường.
Hội đồng trường có quyền thông qua đề án mở ngành, dừng tuyển sinh hoặc chấm dứt đào tạo đối với những ngành không còn phù hợp với nhu cầu xã hội; định hướng xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, hội đồng trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết nghị các chủ trương liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự chủ chốt như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng...
Hội đồng trường có trách nhiệm thông qua các đề án tài chính, kế hoạch đầu tư, sử dụng tài sản công và các nguồn thu chi của trường theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với cơ chế tự chủ.
Đặc biệt, hội đồng trường là nơi tổng hợp và cân đối lợi ích của nhiều bên liên quan, từ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cho đến người học và các đối tác xã hội. Với vai trò này, hội đồng trường không chỉ định hướng hoạt động chuyên môn mà còn tham gia định hình văn hóa tổ chức, xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học.
Nói cách khác, tại các trường đại học thành viên, hội đồng trường chính là "trục xoay quản trị", nơi kết nối giữa chủ trương của đại học cấp trên, thực tiễn triển khai của nhà trường và yêu cầu ngày càng cao từ xã hội. Việc hội đồng trường hoạt động hiệu quả sẽ quyết định trực tiếp đến tốc độ đổi mới, mức độ tự chủ và chất lượng phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo.
Hội đồng trường tại mỗi nhà trường là thiết chế giúp hiện thực hóa quyền tự chủ
Nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nhiều thầy cô cho hay một điểm đáng lưu ý là không thành lập hội đồng trường tại các trường đại học thành viên, mà chỉ duy trì một hội đồng cấp đại học vùng hoặc quốc gia.
Theo Tiến sĩ Phan Lê Chung, việc điều chỉnh mô hình quản trị đại học, đặc biệt tại các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng, đại học quốc gia là vấn đề lớn, cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện theo lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn hệ thống.
Luật Giáo dục đại học hiện hành cùng các văn bản như Thông tư số 03/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo hay Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đang quy định khá rõ về cơ cấu quản trị có hội đồng trường.

Tiến sĩ Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.
“Nếu hội đồng trường ở trường đại học thành viên bị loại bỏ, toàn bộ chức năng quản trị và giám sát sẽ tập trung về hội đồng đại học vùng, đại học quốc gia. Điều này dẫn đến áp lực rất lớn cho bộ máy cấp trên khi phải cùng lúc phụ trách nhiều trường thành viên có quy mô và đặc thù hoạt động khác nhau.
Thực tế cho thấy, mỗi trường đại học thành viên có thể có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn người học với hệ thống đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và bộ máy vận hành riêng biệt. Trong bối cảnh đó, hội đồng cấp trên nếu không phân quyền hợp lý sẽ khó có thể bao quát toàn diện, sâu sát các hoạt động của từng đơn vị.
Đồng thời, việc thiếu vắng hội đồng trường ở cấp cơ sở khiến cho quá trình ra quyết định tại mỗi trường đại học thành viên bị phụ thuộc, làm giảm tính chủ động, linh hoạt trong quản trị. Đặc biệt, nếu không có sự tương thích và phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, hệ thống quản trị dễ rơi vào tình trạng vận hành kém hiệu quả, chồng chéo trách nhiệm hoặc thậm chí bị đứt gãy trong điều phối và chỉ đạo.
Trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước chuyển sang mô hình tự chủ toàn diện, việc duy trì hội đồng trường ở các trường đại học thành viên của đại học vùng, đại học quốc gia không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của toàn hệ thống.
Hội đồng trường tại mỗi đơn vị sẽ là thiết chế giúp hiện thực hóa quyền tự chủ, đồng thời bảo đảm việc giám sát nội bộ một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù riêng của từng cơ sở giáo dục đại học.
Việc loại bỏ một thiết chế quan trọng như hội đồng trường không thể tiến hành một cách vội vàng, bởi điều này kéo theo hàng loạt thay đổi liên quan đến cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ chế phối hợp nội bộ trong các trường đại học”, Tiến sĩ Phan Lê Chung nêu quan điểm.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thúy Hiền.
Còn theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Các định hướng mới như nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống quản trị đại học tiên tiến; thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục; hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, khuyến khích học tập suốt đời hay tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư… đều là những nội dung đặc biệt quan trọng.
Nếu được thể chế hóa trong luật, đây sẽ là các bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đổi mới, dự thảo cũng cần hướng tới những giá trị mới, khai phóng và cần được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo không đi ngược lại tinh thần cốt lõi mà giáo dục đại học đang theo đuổi đó là tự chủ.
Tự chủ đại học không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, mà còn là xu thế chung của giáo dục toàn cầu. Bất kỳ điều chỉnh nào trong luật cũng cần thống nhất với định hướng này, đồng thời tránh mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Một hệ thống pháp luật không nhất quán sẽ dễ tạo ra những khoảng trống hoặc chồng chéo trong tổ chức thực thi, từ đó cản trở quá trình chuyển đổi và phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.
“Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các trường đại học thành viên trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội vốn đã là những trường đại học độc lập, có bề dày truyền thống và uy tín riêng. Một số trường đại học thành viên được phát triển sau này nhưng vẫn hoạt động đầy đủ chức năng như một cơ sở giáo dục đại học hoàn chỉnh. Các trường đại học thành viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, mà còn tham gia mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.
Chính vì vậy, việc các trường đại học thành viên tiếp tục vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, với hội đồng trường đóng vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách, định hướng chiến lược và giám sát hoạt động của nhà trường, là điều hoàn toàn phù hợp.
Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu đã và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò quản trị, giám sát của hội đồng trường và nâng cao hiệu lực điều hành, tổ chức thực thi nhiệm vụ của ban giám hiệu. Đây là mô hình quản trị tiên tiến đã được nhiều trường triển khai thành công, nhận được sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống và đáng lẽ là điều không cần bàn cãi”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh nhận định.
Với những lý do nêu trên, theo thầy Minh, nếu muốn điều chỉnh mô hình quản trị ở các trường đại học thành viên, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, lộ trình rõ ràng và căn cứ thực tiễn đầy đủ. Việc thay đổi một thiết chế đã vận hành ổn định và chứng minh được hiệu quả cần được cân nhắc kỹ để tránh tạo ra sự xáo trộn không cần thiết trong hệ thống giáo dục đại học vốn đang trên đà đổi mới sâu rộng.
Chỉ khi được trao đủ quyền và cơ chế phù hợp, các cơ sở giáo dục đại học mới có thể phát huy hết tiềm năng, chủ động trong phát triển và không ngừng tạo ra những thành tựu mới trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có 167/171 cơ sở giáo dục đại học công lập (không tính các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đã hoàn thành việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.