'Dưỡng thương' để hướng đến tương lai
Cuối năm 2024, nhiều vận động viên quyết định không tham gia tranh tài và giành huy chương. Họ lùi về hậu trường, chọn phương án lên… bàn mổ để điều trị dứt điểm chấn thương, qua đó hướng đến mục tiêu mới trong thời gian tới.
Câu chuyện mới, cách làm mới
"Nếu vận động viên ngày trước được chăm lo, quan tâm như bây giờ, có lẽ chúng tôi đến lúc này vẫn đang thi đấu". Đó là chia sẻ của một HLV giấu tên chuẩn bị bước sang tuổi 40. Đây là một trong những cựu VĐV đỉnh cao của Việt Nam, từng giành HCB SEA Games, HCB châu Á ở một môn thể thao Olympic thời còn tập luyện thường xuyên.
Theo lời HLV này, thời chị còn thi đấu, chấn thương là ác mộng với VĐV. Y học thể thao trong thời kỳ ấy vẫn chưa thực sự phát triển, và nhiều VĐV phải tự chăm sóc bản thân. Gặp một chấn thương tương đối nghiêm trọng ở tuổi 26, sau khi cân nhắc kỹ về tương lai, chị quyết định giải nghệ sớm, lập gia đình và chuyển sang công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thành tích cao.
"Trong các chấn thương VĐV thường gặp phải, tổn thương dây chằng luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất. Bởi, chấn thương dây chằng, nhất là phần đầu gối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chân. VĐV không phẫu thuật sớm có thể bị teo chân, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thu xếp, và có mổ chân cũng không thể tập phục hồi", chị nói.
Câu chuyện ác mộng quá khứ với nhiều VĐV thể thao Việt Nam đã dần đi vào quên lãng. Trong thời gian gần đây, Cục Thể dục - Thể thao đã dành riêng một khoản ngân sách hàng năm hỗ trợ VĐV phẫu thuật chấn thương. Trong số đó, chấn thương dây chằng được quan tâm, tạo điều kiện điều trị sớm.
Đây là một phần nằm trong chính sách hỗ trợ VĐV thể thao thành tích cao, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia. Ngành thể thao cam kết không có chuyện "vắt chanh bỏ vỏ" VĐV. Thay vào đó, những cán bộ đầu ngành thể thao luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ VĐV gặp chấn thương bình phục và trở lại những sân chơi lớn, dù kinh phí bỏ ra không hề nhỏ.
Việc phẫu thuật, cũng như tập phục hồi cho VĐV thể thao thành tích cao gặp chấn thương dây chằng, giờ đây cũng đơn giản hơn trước rất nhiều. Trong quá khứ, VĐV thường phải ra nước ngoài để mổ và tập phục hồi. Trong môn bóng đá, có người trở lại thi đấu đỉnh cao như Nguyễn Hồng Sơn, nhưng cũng có người phải giải nghệ sớm như Trần Minh Chiến.
Giờ đây, VĐV có thể được phẫu thuật, tập phục hồi ngay tại Việt Nam với kinh phí phải chăng. Sự xuất hiện của nhiều trung tâm chuyên về y học thể thao đã biến phẫu thuật dây chằng, từ một "món ăn quý tộc", nay trở thành "cơm bình dân". Ai cũng có thể tiếp nhận dịch vụ với nhiều lựa chọn khác nhau, và VĐV đỉnh cao cũng không phải ngoại lệ.
Niềm vui khi... hết tiền
Năm 2024, ngân sách hỗ trợ VĐV phẫu thuật chấn thương dây chằng của Cục TD-TT ghi nhận số lượng VĐV đăng ký hỗ trợ tăng đột biến. Các VĐV thậm chí đã dùng hết khoản ngân sách được phân bổ, một điều hiếm khi nào xuất hiện trong những năm trước. Và với những người làm thể thao, đây là tín hiệu vui mừng hơn bao giờ hết.
Tại sao số lượng VĐV đăng ký phẫu thuật tăng đột biến lại là tin vui? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thể thao Việt Nam. Ở đó, câu chuyện VĐV nén đau để thi đấu thường được tô hồng như một người hùng. Nhưng ở một góc độ khác, đây có thể là việc làm sai lầm của VĐV cũng như ban huấn luyện.
VĐV phải biết cách lắng nghe bản thân, khi nào nên tiếp tục hay dừng lại", một HLV thẳng thắn thừa nhận. Người này chia sẻ thêm: "Việc VĐV tập luyện, thi đấu với cường độ quá cao có thể khiến các em gặp phải chấn thương không đáng có. Trong trường hợp ấy, nén đau thi đấu chỉ mang lại thành tích không như ý muốn và vết đau nặng thêm".
Thế giới không có ngoại lệ cho những nỗ lực phản khoa học trong thể thao thành tích cao. Trước thềm Olympic Tokyo, tay vợt Trung Quốc Zheng Si Wei (môn cầu lông, nội dung đôi nam nữ) liên tục tập luyện với cường độ cao dù đang gặp chấn thương. Hậu quả là đến Thế vận hội, anh hụt hơi trong trận chung kết và để thua đầy tiếc nuối.
Sau 3 năm từ ngày để hụt HCV Thế vận hội, Zheng Si Wei đến Olympic Paris với giáo án tập luyện hoàn toàn khác. Anh tập với khối lượng ít hơn, nhưng phân bổ khoa học hơn và không để bản thân vượt quá giới hạn. Tay vợt này thừa nhận khối lượng tập luyện của anh đã giảm một nửa, nhưng hiệu quả khi bước vào thi đấu lại tốt hơn bao giờ hết.
Đến Olympic Paris, Zheng Si Wei và bạn đánh cặp Huang Ya Qiong lên ngôi vô địch mà không để thua set nào. Những đối thủ chạm trán họ cũng hiếm có ai ghi được nhiều hơn 15 điểm mỗi set, cho thấy chênh lệch lớn ở từng hiệp đấu. Zheng Si Wei đã trở thành minh chứng sống cho thấy việc tập luyện cần phù hợp, và nén đau thi đấu không hề tốt.
Trở lại câu chuyện của thể thao Việt Nam từ câu chuyện của Zheng Si Wei. Trong quá khứ, nhiều VĐV thường cố nén đau để thi đấu vì không muốn "ngồi ngoài" quá lâu. Ở khoảng thời gian họ nghỉ ngơi, những VĐV khác có thể cướp vị trí của họ, đồng nghĩa với chế độ đãi ngộ thay đổi. Vì thế, nhiều người nén đau thi đấu để bảo vệ quyền lợi của mình. Mọi chuyện đã khác ở thời điểm hiện tại. Thay vì gắng sức thi đấu trong bối cảnh gặp chấn thương, nhiều VĐV chủ động đăng ký phẫu thuật sớm, đồng thời tập phục hồi theo lộ trình để sớm trở lại thi đấu. Điều đó sẽ giúp họ có sự nghiệp lâu hơn, bền hơn so với những người vẫn cố làm theo cách cũ, đồng thời tự đẩy bản thân vượt quá giới hạn.
Tính toán của 2 năm tới
Có một lý do khác khiến nhiều VĐV đỉnh cao của Việt Nam lựa chọn việc phẫu thuật điều trị dứt điểm chấn thương trong nửa cuối năm 2023. Khác với 2 kỳ SEA Games trước đó tại Việt Nam và Campuchia, vốn diễn ra vào tháng 5, SEA Games 2025 ở Thái Lan bắt đầu vào tháng 12. Vì thế, VĐV sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn để trở lại thi đấu.
Những tuyển thủ thể thao Việt Nam đăng ký phẫu thuật dây chằng trong năm 2024 rải đều ở nhiều môn như cử tạ, judo, kickboxing, wushu. Đây là tín hiệu cho thấy các VĐV đã chuẩn bị cho quá trình điều trị, nghỉ ngơi và tập phục hồi hậu chấn thương. Họ thực sự nghiêm túc hướng đến mục tiêu xa hơn trong tương lai cùng sự nghiệp lâu dài.
Những VĐV biết lo xa cũng là điều ngành thể dục thể thao mừng hơn bao giờ hết. Bởi trong 2 năm tới, thể thao Việt Nam sẽ bận rộn với kế hoạch chuẩn bị, tranh tài tại 2 giải đấu lớn là SEA Games và ASIAD. Tại kỳ Á vận hội diễn ra tại Trung Quốc năm 2023, thể thao Việt Nam đã đạt thành tích không như ý vì chấn thương của một số trụ cột.
Việt Nam khép lại ASIAD 2023 mà chỉ có 3 HCV ở các môn Bắn súng, Cầu mây và Karate. Nhưng ít ai biết, thể thao Việt Nam lẽ ra có thể cạnh tranh thêm ít nhất 2-3 HCV nếu có lực lượng mạnh nhất. Một đội hình lành lặn cùng dàn VĐV thiện chiến là điều bắt buộc với ngành thể thao, bởi những mục tiêu trong tương lai sẽ còn cao hơn rất nhiều.