Điền kinh Việt Nam 'lấy đại bác bắn chim sẻ'

Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về mặt thành tích đang diễn ra với điền kinh Việt Nam, khi nguồn lực được tập trung để giành thành tích cao tại sân chơi SEA Games và giải vô địch quốc gia, còn ASIAD và Olympic lại không có kết quả như kỳ vọng.

Thiếu và thừa

ASIAD 2018 được xem là sân chơi đỉnh cao của điền kinh Việt Nam trong lịch sử. Đây là kỳ Á vận hội đầu tiên chứng kiến Việt Nam có nhà vô địch trong môn thể thao nữ hoàng. Đáng chú ý hơn, Việt Nam giành được không chỉ 1, mà tới 2 HCV Điền kinh ở kỳ ASIAD diễn ra tại Indonesia.

Điền kinh Việt Nam ngày càng tụt lại ở sân chơi ASIAD và Olympic.

Điền kinh Việt Nam ngày càng tụt lại ở sân chơi ASIAD và Olympic.

Trước thời điểm Bùi Thị Thu Thảo giành HCV tại nội dung Nhảy xa, điền kinh Việt Nam cũng có thành tích ấn tượng tại sân chơi ASIAD những năm trước đó. 5 HCB, 2 HCĐ qua 2 kỳ Á vận hội là thành tích rất ấn tượng trong môn điền kinh với bất kỳ quốc gia nào. Kết quả này đáng ngưỡng mộ hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia Trung Đông nhập tịch vận động viên (VĐV) gốc Phi.

Bên cạnh sân chơi ASIAD, điền kinh Việt Nam cũng chứng kiến nhiều VĐV đạt thành tích tốt, đủ chuẩn tham dự Olympic. Trong quá khứ, việc sở hữu VĐV đạt chuẩn Olympic là điều không quá hiếm gặp với điền kinh Việt Nam. Từ đó, môn thể thao nữ hoàng luôn có số VĐV và vé Olympic đáng nể.

Điều đáng tiếc là trong những năm gần đây, điền kinh Việt Nam đã không thể giữ vững phong độ như trước. Sau kỳ Á vận hội giành tới 2 HCV, điền kinh Việt Nam trải qua chuỗi ngày thi đấu trắng tay ở Hàng Châu. Kết quả này thực sự là cú sốc lớn, bởi trước đó điền kinh có thời điểm sẵn sàng nhận chỉ tiêu giành 1 HCV về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Nội dung điền kinh Việt Nam kỳ vọng tranh huy chương vàng ASIAD là 4x400m tiếp sức đồng đội nữ. Nhưng cuối cùng, các chân chạy Việt Nam chỉ đứng thứ 4 chung cuộc. Kết quả này giống như một đứa con trong nhà từng khẳng định sẽ tranh vị trí thủ khoa, nhưng cuối cùng lại thi trượt đại học.

Đến giai đoạn tranh vé tham dự Olympic Paris, thực trạng yếu kém của điền kinh Việt Nam một lần nữa được phơi bày. Nội dung 4x400m tiếp sức đồng đội nữ một lần nữa không thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Suất tham dự Thế vận hội duy nhất của điền kinh Việt Nam là tấm vé mời dành cho Trần Thị Nhi Yến, chuyên gia chạy cự ly ngắn.

Nhi Yến là vận động viên tốt, có nhiều tiềm năng phát triển của điền kinh Việt Nam. Việc được tạo điều kiện tham dự Olympic có thể trở thành động lực giúp chân chạy trẻ tuổi thiết lập những cột mốc mới trong sự nghiệp. Nhưng sự thực là thông số hiện tại của Nhi Yến vẫn chưa thể giúp cô đạt chuẩn để giành vé trực tiếp tham dự Olympic.

Ở chiều ngược lại, thành tích của điền kinh Việt Nam tại các kỳ SEA Games luôn rất ổn định. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn cạnh tranh sòng phẳng vị trí nhất toàn đoàn với Thái Lan ở môn thể thao nữ hoàng. Nhưng vì một lý do nào đó, điền kinh Việt Nam lại hụt hơi khi bước ra những sân chơi lớn hơn.

Thua kém đối thủ cùng khu vực

Nếu không có bất ngờ nào diễn ra, điền kinh Việt Nam vẫn sẽ đứng chắc vị trí nhì toàn đoàn ở SEA Games 2025. Thái Lan vẫn đào tạo ra nhiều VĐV điền kinh giỏi. Minh chứng là họ đã giành lại vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 2023, sau 2 lần liên tiếp đứng dưới Việt Nam. Ngoài ra, Thái Lan còn có lợi thế sân nhà ở kỳ SEA Games tới.

Việt Nam hiện có nhiều Vận động viên điền kinh đủ khả năng vô địch SEA Games, nhưng không còn ai cạnh tranh ở sân chơi châu Á và thế giới.

Việt Nam hiện có nhiều Vận động viên điền kinh đủ khả năng vô địch SEA Games, nhưng không còn ai cạnh tranh ở sân chơi châu Á và thế giới.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa điền kinh Thái Lan, cũng như Malaysia, Philippines và Singapore so với Việt Nam. Những VĐV không chỉ đủ khả năng chinh phục đấu trường SEA Games, họ còn có thông số, phong độ đủ để giành huy chương ASIAD, cũng như cạnh tranh suất tham dự Olympic. Điền kinh Việt Nam lại không làm được điều đó.

Tại ASIAD 2023, giải đấu điền kinh Việt Nam trắng tay, Singapore và Philippines đều có VĐV giành HCV. Điền kinh Thái Lan "kém" hơn một chút, nhưng họ cũng có 2 HCB. Trong khi đó, Malaysia khép lại kỳ Á vận hội ở Hàng Châu, Trung Quốc với 3 HCĐ, một thành tích không quá tồi với họ.

Dàn VĐV điền kinh của những quốc gia Đông Nam Á kể trên thậm chí đủ khả năng tiếp tục chinh phục ASIAD 2026. Họ có thể không "mạnh đều" với thành tích "sàn sàn" ở nhiều nội dung thi đấu như Việt Nam. Nhưng tại một vài hạng mục nhất định, những quốc gia kể trên luôn có một hoặc nhiều VĐV đủ mạnh để liên tục giữ thành tích trong nhiều năm liền.

Với điền kinh Thái Lan, họ luôn rất mạnh ở các nội dung chạy cự ly ngắn của nam và nữ. 3 năm trước, cậu bé 16 tuổi Puripol Boonson từng gây bất ngờ khi giành 3 HCV SEA Games. Chân chạy sinh năm 2006 hiện là đương kim Á quân ASIAD, và Boonson hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu đổi màu huy chương trong tương lai.

Cũng trên đường chạy cự ly ngắn của nam, điền kinh Malaysia mới đây đã trình làng một gương mặt xuất sắc. Đó là Muhd Azeem Fahmi, người bất ngờ giành HCĐ Á vận hội Hàng Châu. Muhd Azeem Fahmi hiện học và tập luyện tại Mỹ. Anh chỉ về nước mỗi khi có giải đấu lớn diễn ra để quá trình chuẩn bị suôn sẻ nhất có thể.

Ở hạng mục chạy cự ly ngắn dành cho nữ, Veronica Shanti Pereira (Singapore) vẫn đang thể hiện phong độ tốt. Cựu binh này đã giành 1 HCV, 1 HCB ở ASIAD 2023. Trong trường hợp hoàn toàn bình phục chấn thương, cô đủ khả năng tiếp tục cạnh tranh ngôi vô địch với các đối thủ ở nội dung chạy 100m và 200m nữ.

Những gương mặt kể trên của điền kinh Đông Nam Á có thể gánh vác thành tích đội tuyển quốc gia tại sân chơi SEA Games, ASIAD cũng như Olympic. Trong khi đó, các VĐV điền kinh Việt Nam hiện tại chỉ có thể nhắm đến sân chơi SEA Games. Đâu là lý do đằng sau sự tụt hậu đó?

Bắn chim sẻ bằng đại bác

Ngay sau khi ASIAD 2023 khép lại, ông Dương Đức Thủy, nguyên HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ về những vấn đề hiện tại của tuyển quốc gia. Một trong số đó là tình trạng VĐV có thể tập trung vào 1-2 nội dung để hướng đến ASIAD, nhưng lại thi đấu tràn lan, khiến thành tích các nội dung trọng điểm dưới mức kỳ vọng.

Bahrain có dàn vận động viên nhập tịch gốc Phi giúp họ vươn đến đẳng cấp thế giới.

Bahrain có dàn vận động viên nhập tịch gốc Phi giúp họ vươn đến đẳng cấp thế giới.

Một chi tiết đáng lưu ý khác là thành tích, thông số của VĐV Việt Nam ở các giải như SEA Games và vô địch quốc gia còn tốt hơn tại ASIAD. Hiện tượng này có thể được lý giải khách quan ở những nội dung chạy cự ly trung bình và dài. Nhưng chạy cự ly ngắn, cũng như nhảy cao, nhảy xa... lại là một hạng mục khác, nơi thông số kém hơn là điều bất thường.

Một trong những lý do khiến điền kinh Việt Nam tụt lại ở ASIAD, hay Olympic trong thời gian qua là việc đánh giá sai đối thủ. Trước ASIAD, điền kinh Việt Nam giành HCV tại giải vô địch châu Á, qua đó đặt mục tiêu tranh ngôi vô địch Á vận hội. Nhưng giải vô địch châu Á lại không có các VĐV Bahrain, ứng viên số 1 cho tấm HCV Á vận hội tham dự.

Quả thực, khi bước vào ASIAD, những VĐV Bahrain đã về nhất với thông số bỏ xa các đội tuyển còn lại. Trong khi đó, Ấn Độ và Sri Lanka cũng mang đội hình khác đến thi đấu. Họ đánh bại đội tuyển Việt Nam, biến kỳ ASIAD kỳ vọng có HCV trở thành một giải đấu trắng tay.

Một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, khiến điền kinh Việt Nam tụt hậu là tình trạng "bắn chim sẻ bằng đại bác". Nguồn lực phát triển điền kinh, lẽ ra phải được ưu tiên từ Olympic đến ASIAD, rồi SEA Games, sau đó đến các giải vô địch quốc gia; nhưng giờ được thực hiện ngược lại. Ở đó, các địa phương đổ không ít tiền để có HCV toàn quốc.

Dồn nguồn lực theo mô hình ngược khiến các địa phương công khai "giành quân", bất chấp việc VĐV có thể bị cấm thi đấu trong nước đến 2 năm. Một số địa phương từng làm rất tốt công tác đào tạo trẻ, nay không còn mặn mà với việc tuyển mộ, huấn luyện nữa. Bởi họ biết, mỗi VĐV mình mất công đào tạo ra sẽ dễ dàng bị lấy mất bởi đãi ngộ lớn so với đóng góp thực tế, khiến VĐV thỏa mãn, mất động lực thi đấu.

Điền kinh châu Á tràn ngập vận động viên nhập tịch

Bên cạnh bóng đá, điền kinh cũng là một trong những môn thể thao có số lượng VĐV nhập tịch đông đảo thời gian gần đây. Dòng VĐV nhập tịch thường đi từ châu Phi đến Mỹ, châu Âu và châu Á. 2 quốc gia Trung Đông là Bahrain và Qatar đã trở thành điểm đến nổi bật của VĐV điền kinh gốc Phi trong 20 năm qua, nơi họ thống trị tại các kỳ ASIAD.

Bahrain được xem là quốc gia thành công nhất trong việc nhập tịch VĐV điền kinh. Họ đã giành 3 HCV, 3 HCB Olympic ở môn thể thao nữ hoàng, cũng như cạnh tranh sòng phẳng vị trí nhất toàn đoàn với điền kinh Trung Quốc ở các kỳ ASIAD. Bahrain tự hào nói họ không nhập tịch VĐV theo kiểu "xây nhà từ nóc", mà tuyển mộ tài năng từ châu Phi đến đào tạo.

Bên cạnh Bahrain, Qatar cũng là quốc gia gặt hái thành công vang dội trong môn điền kinh nhờ nhập tịch VĐV gốc Phi. Họ không ngại sử dụng thủ thuật để giành VĐV từ những quốc gia khác. Một trong số đó là trường hợp của Abderrahman Samba, chân chạy giành 3 HCV, 1 HCB tại ASIAD 2018 và 2023.

Abderrahman Samba sinh ra và lớn lên ở Saudi Arabia, trong một gia đình nhập cư gốc Mauritania, một quốc gia châu Phi. Thay vì thi đấu cho Saudi Arabia, Abderrahman Samba quyết định đầu quân cho đội tuyển Mauritania khi bước sang tuổi trưởng thành. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, anh bất ngờ chuyển đến Doha, Qatar sinh sống và trở thành tuyển thủ Qatar.

Việc VĐV nhập tịch gốc Phi xuất hiện nhiều tại các đội tuyển như Bahrain, Qatar hay Saudi Arabia khiến cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch ASIAD của VĐV châu Á "chính gốc" giảm đi. Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi tiếp tục giữ vị thế thống trị giữa dòng VĐV nhập tịch gốc Phi, khi họ giành 31 HCV ở 2 kỳ Á vận hội gần nhất.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dien-kinh-viet-nam-lay-dai-bac-ban-chim-se-i756610/
Zalo