Đường thêu nét nhuộm kể vàng son
Từ những tấm lụa, sợi tơ nhuộm sắc màu tự nhiên, từng đường kim như nét vẽ tinh tế, tạo nên bức tranh sống động mang đậm hồn Việt. Qua thời gian với những thăng trầm, di sản nghề thêu đang được khôi phục và kết nối mạnh mẽ trong thực hành nghệ thuật đương đại.
Tơ óng chỉ màu thêu sắc Việt
Trong không gian trầm mặc của đình Tú Thị, số 2 Yên Thái, Hoàn Kiếm, Hà Nội, kỳ lưu trú sáng tác kết hợp mở xưởng “Tơ óng - màu cây, đường thêu nét nhuộm xưa - nay” mang tới công chúng cơ hội chiêm ngưỡng những bức tranh thêu cổ, bảng màu nhuộm tự nhiên và trực tiếp theo dõi nghệ sĩ làm việc. Với những sợi chỉ màu và vật liệu truyền thống như giấy dó, sợi bông gạo... họa sĩ Phạm Ngọc Trâm khéo léo làm nổi bật hình hài hai chú gà chọi, với đường nét, màu sắc mang vẻ đẹp xưa, sống động trên nền vải.
![Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm (mặc áo dài) chia sẻ về di sản thêu Việt Nam với các chuyên gia quốc tế](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51435962/323b371b0c55e50bbc44.jpg)
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm (mặc áo dài) chia sẻ về di sản thêu Việt Nam với các chuyên gia quốc tế
Chương trình nghệ sĩ lưu trú tại nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - thuộc dự án “Chuyện đình trong phố” (giám tuyển Nguyễn Thế Sơn) - được thực hiện như cách để nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại kết nối với truyền thống và kể câu chuyện về những vàng son của nghề thêu nước Việt, mà đến nay đã phủ mờ bụi thời gian, rất ít người biết tới.
Không sinh ra ở làng thêu truyền thống, nhưng được bà và mẹ truyền dạy từ nhỏ, Ngọc Trâm có nhiều năm tìm hiểu, thực hành nghệ thuật thêu tay, lấy cảm hứng từ kỹ thuật, chất liệu truyền thống và thiên nhiên bản địa. Vẻ đẹp tinh xảo và câu chuyện được kể qua các bức thêu cổ đã cuốn hút, thôi thúc chị khám phá sâu hơn kỹ thuật thêu truyền thống. Chuyến đi đến các làng nghề thêu một thời vang bóng cũng để lại trăn trở, khi kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên chỉ thêu dần đi vào quên lãng, nhiều mẫu thêu tinh xảo nằm im trong kho...
Năm 2023, Ngọc Trâm tình cờ phát hiện ra các mẫu thêu và dụng cụ của nghệ nhân Vũ Thanh Long - người đã thành lập một xưởng thêu nổi tiếng tại Sài Gòn - Gia Định. Năm 1954, do biến động lịch sử, ông đã trở về miền Bắc, để lại các lưu trữ về dụng cụ, mẫu thêu và tài liệu xưởng thêu nguyên vẹn ở Sài Gòn, sau này được đưa về quê Ninh Bình.
![Họa sĩ Phạm Ngọc Trâm chép mẫu thêu cổ với chỉ màu nhuộm tự nhiên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51435962/0b1f0f3f3471dd2f8460.jpg)
Họa sĩ Phạm Ngọc Trâm chép mẫu thêu cổ với chỉ màu nhuộm tự nhiên
“Khi tôi kể về hành trình nghiên cứu vốn cổ nghề thêu, con trai nghệ nhân Vũ Thanh Long, chú Vũ Thanh Luân rưng rưng mang đồ trong kho xuống, giở ra những mẫu thêu - trong đó có mẫu rồng mà tôi đang lấy cảm hứng để vẽ và thêu lại, cùng công cụ từ ngày trước… Tôi may mắn được gia đình chú Luân cho phép sao chụp, lưu trữ tài liệu đó để nghiên cứu. Khi tìm về cội nguồn thêu thời xưa, rất tình cờ, quyển sách cổ in năm 1939 tại Sài Gòn - “Le Broderie Annamite” (Nghề thêu Annam) của tác giả Gabrielle Dain có những dòng nhắn nhủ dịch ý như sau: Các cô gái Annam học ở trường tây, được học thêu ren, thêu rua kiểu tây các cô lấy làm thích thú. Nhưng tôi cũng xin được nhắc là “nghề thêu Annam của chị em là rất mỹ lệ và rất thú vị đủ hết mọi bề: đường kim mũi chỉ tinh tế, bỏ màu tuyệt diệu, chế hóa biệt cách” và “phận sự chị em chẳng nên để cho khuất lấp”, nếu các cô không giữ được cách thêu cực kỳ tuyệt vời của cha ông, thì một ngày sẽ mất đi. Và đúng là đến nay, di sản ấy đã mai một theo năm tháng” - họa sĩ Phạm Ngọc Trâm kể.
Nghề thêu vốn có truyền thống lâu đời ở Việt Nam và hiện vẫn khá phát triển, nhưng lại ít được nghiên cứu và bảo tồn dưới góc độ di sản. Nhiều tài liệu, hiện vật tản mát, hư hỏng theo thời gian. Cuộc trò chuyện với bà Young Yang Chung, chuyên gia hàng đầu về lịch sử vải sợi, thêu tơ tằm Á Đông và có Bảo tàng Thêu Chung Young Yang, cũng nghiên cứu về thêu và từng có các ấn phẩm The Art of Oriental Embroidery (1979), Silken Threads: A History of Embroidery in China, Korea, Japan, and Vietnam (2005) đã để lại cho Ngọc Trâm nhiều ấn tượng sâu sắc.
![Tranh thêu "Hội làng", 2019](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51435962/83279807a3494a171358.jpg)
Tranh thêu "Hội làng", 2019
“Bà thúc giục tôi nghiên cứu, lưu trữ về di sản thêu của đất nước Việt Nam, nếu không sẽ quá muộn. Câu nói của bà 3 - 4 năm trước làm tôi xúc động, và muốn đóng góp vào việc lưu trữ, nghiên cứu di sản thêu của Việt Nam. Đi nhiều quốc gia, tôi thấy mình thực sự là “con nhà giàu” khi được sinh ra trên mảnh đất có nhiều di sản, nhưng lại chưa biết khai thác kho tàng ấy. Từ cái gốc đi tiếp đến đương đại như thế nào thực sự là câu chuyện hay mà tôi quan sát được ở Hàn Quốc”. Đó là nghiên cứu bài bản, tôn vinh nghề thêu như di sản và là một phần của nghệ thuật tạo hình dân tộc; có các hội chợ nghệ thuật về thêu thùa may vá, nhiều nghệ sĩ đương đại đi sâu vào lĩnh vực này nhằm xoay chuyển góc nhìn về thủ công truyền thống và nâng lên tầm cao mới.
Cánh cửa cho sáng tạo không giới hạn
“Tôi còn nhớ thời điểm bắt gặp những bức tranh thêu xưa của Việt Nam, có đắt có rẻ, mình mua bức rẻ, thậm chí rách rời vì nó cho phép nhìn được mặt sau tấm vải thêu, phân tích được kỹ thuật, vật liệu, đường kim của thợ thêu thời kỳ trước” - Phạm Ngọc Trâm nói và giới thiệu bức tranh thêu tứ quý treo ở phía trái đình Tú Thị, một góc tranh được vén lên để mọi người nhìn được đường chỉ phía sau.
![Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tại đình Tú Thị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_592_51435962/262a3c0a0744ee1ab755.jpg)
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tại đình Tú Thị
Qua nghiên cứu tư liệu và tranh thêu thời kỳ Đông Dương, Phạm Ngọc Trâm nhận thấy đây là một bước ngoặt trong sự phát triển của nghề thêu Việt Nam, khi người Pháp sớm nhìn thấy sự khéo léo, giá trị của nghề thêu và có đơn đặt hàng. Nếu trước đó, làng nghề thêu chủ yếu phục vụ sản phẩm thủ công truyền thống như y môn, cửa võng, cờ quạt… và thêu trên trang phục cung đình vốn nghiêm cẩn theo khuôn mẫu, thì sự giao thoa với nghệ thuật phương Tây đã mở ra chân trời sáng tạo vô tận. Tranh thêu mỹ thuật với chủ đề đa dạng, phong cách phóng khoáng, đã trở thành một hiện tượng độc đáo, khẳng định vị thế của nghề thêu Việt Nam.
Điều làm nên sự độc đáo của tranh thêu thời Đông Dương chính là chất liệu thuần Việt. Từ những tấm lụa mềm mại, chỉ thêu được nhuộm màu từ cây cỏ, những người thợ đã khéo léo tạo nên tác phẩm sống động, khắc họa chân thực cuộc sống làng quê Việt Nam, tái hiện tích cổ, hay hình ảnh hội làng, đám cưới, thiên nhiên dân dã với chú gà, chú vịt, bụi tre, hoa sen…
“Ở thời kỳ giao thoa văn hóa, nghệ thuật thêu truyền thống có sự va đập và phát huy được những tinh tế ẩn giấu. Tôi bị mê hoặc và nhận ra cả một mảng di sản mà mình có thể học hỏi, thời Đông Dương có đủ mẫu vật, bằng chứng, tư liệu lịch sử khá chắc chắn để nghiên cứu. Soi từ di sản thêu, có thể ra nhiều góc độ của văn hóa, lịch sử, con người, xã hội, về giới nữ… Hy vọng sẽ có những nhà sưu tầm tranh thêu cho phép tôi tiếp cận để nghiên cứu thêm về sợi và cách thêu thời kỳ này”.
Với mong muốn tạo ra một bảng màu độc đáo, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và thực hành nhuộm màu sợi tơ tằm, dựa trên một số kỹ thuật nhuộm tự nhiên của cha ông; học cách se chỉ để tạo ra các sợi tơ thêu với độ dày và kết cấu khác nhau. Năm 2023, chị hoàn thiện bảng màu nhuộm tự nhiên, từ đó loạt tranh thêu dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian đã được thực hiện.
Không chỉ thực hành như nghệ sĩ thêu, nữ nghệ sĩ còn ấp ủ dự định nghiên cứu, khám phá kho tàng thêu của Việt Nam, cũng như của khu vực và thế giới, làm nền tảng xuất bản sách về di sản thêu Việt Nam, thành lập bảo tàng về thêu và thủ công kim chỉ Việt Nam trong thời gian không xa. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn di sản thêu nước nhà mà còn là nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật đương đại, nơi truyền thống được tiếp nối, hòa quyện tinh tế với sáng tạo mới.