Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam: Công trình biểu tượng của kỷ nguyên vươn mìnhBài 2: Tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành Giao thông
'Làm đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành Giao thông. Phía trước là thách thức, chúng ta đã nhận diện, đề ra giải pháp và phải quyết tâm bằng mọi giá để thực hiện thành công!', Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa trong tương lai khi có nhu cầu.
Về công nghệ, tuyến áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất và thẳng nhất có thể và đáp ứng các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên và khu vực tập trung đông dân cư.
Bên cạnh đó, hướng tuyến dự án bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây và liên kết với các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hướng tuyến này đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất.
Về phương án bố trí các nhà ga, nguyên tắc lựa chọn nhà ga là phải phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương, đặc biệt tại vị trí có nhu cầu vận tải đủ lớn. Mỗi tỉnh bố trí 1 ga tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch đô thị có tiềm năng phát triển, bảo đảm khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường sắt quốc gia, giao thông công cộng.
“Phương án này sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong tương lai (khi có nhu cầu), góp phần tái cơ cấu vận tải theo hướng bền vững; phát huy tối đa lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhận định.
Đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mang lại rất to lớn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các chủ thể liên quan phải bắt tay ngay vào công việc.
Trong đó, cần nhận diện được hết khó khăn, thách thức phải đối mặt, bởi đây là dự án quy mô rất lớn, phức tạp. Việc lường trước các khó khăn, thách thức giúp chủ động hơn trong mọi tình huống.
Các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ. Do đó đề nghị, trong bước nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho dự án.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trình Quốc hội vào ngày 13-11-2024 là trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; của các bộ, ngành, Chính phủ và đặc biệt là ý kiến góp ý của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Những người làm dự án nhận thức rõ, hiện thực hóa giấc mơ đường sắt tốc độ cao sẽ còn một hành trình dài với nhiều thách thức, như trình độ công nghiệp, nguồn nhân lực trong nước hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng; tác động từ biến đổi môi trường, khí hậu… Vì vậy, việc thực hiện cần quyết tâm chính trị cao, đã quyết làm thì khó mấy cũng phải tìm cách vượt qua và phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho dự án.
“Làm đường sắt tốc độ cao là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành Giao thông. Để dự án đáp ứng được lộ trình dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035, chúng ta còn rất nhiều việc, nhiều bước phải làm, như: Lập Báo cáo khả thi (FS); thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED); thi công, mua sắm thiết bị; vận hành thử và khai thác thương mại. Mỗi giai đoạn đều có những thách thức cần phải vượt qua. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên ngành nghiên cứu ngay các bước tiếp theo. Phía trước là thách thức, chúng ta đã nhận diện, đề ra giải pháp và phải quyết tâm bằng mọi giá để thực hiện thành công”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
(Còn nữa)