Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình biểu tượng của kỷ nguyên vươn mình

Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao là một trong những tiền đề, động lực quan trọng, là tất yếu khách quan đối với các quốc gia để trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiều 30-11, với 92,48% đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Với quyết định này, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ là công trình biểu tượng của kỷ nguyên vươn mình.

92,48% đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: chinhphu.vn

92,48% đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: chinhphu.vn

Bài 1: Đường sắt tốc độ cao: Hành lang phát triển mới

Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao là một trong những tiền đề, động lực quan trọng, là tất yếu khách quan đối với các quốc gia để trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cấp thiết đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Hệ thống giao thông hiện đại là nền tảng cơ sở vật chất đầu tiên của một nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao. Phương thức vận tải đường sắt, với ưu thế khối lượng lớn, tin cậy, an toàn, thuận tiện, thân thiện với môi trường, là phương thức vận tải chủ đạo trên các hành lang có lưu lượng lớn.

Do đó, đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao là một trong những tiền đề, động lực quan trọng, là tất yếu khách quan đối với các quốc gia đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: chinhphu.vn

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: chinhphu.vn

Chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Đảng, Nhà nước đề ra trong các văn kiện, nghị quyết, kết luận… Trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ yêu cầu nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Kết luận số 49-KL/TƯ của Bộ Chính trị xác định quan điểm “đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống” và yêu cầu “xây dựng tuyến đường sắt quốc gia tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”…

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hành lang kinh tế Bắc - Nam là hành lang quan trọng nhất của cả nước, kết nối 20 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến khoảng 49% dân số cả nước, khoảng 40% khu công nghiệp.

Khoảng 55% cảng biển lớn, khoảng 67% khu kinh tế ven biển, 3/6 vùng kinh tế - xã hội, đóng góp hơn 50% GDP cả nước có liên quan đến hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quan điểm phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam để kết nối các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nhanh, hiệu quả và bền vững.

Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, thời gian ngắn, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, kết nối các thị trường, tạo ra một hành lang phát triển mới.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, tuyến đường sắt này sẽ góp phần tái cấu trúc đô thị, phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển đường sắt tốc độ cao còn là phát triển một phương thức vận tải bền vững, hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Với tính chất "đi trước mở đường", giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nên giao thông đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là khâu đột phá, tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế, tạo nền tảng về hạ tầng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời điểm chín muồi để đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Xác định tầm quan trọng của hành lang kinh tế Bắc - Nam trong phát triển kinh tế đất nước, từ năm 2010, Bộ Chính trị đã tán thành chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục này. Tuy nhiên, do còn quan ngại về tốc độ thiết kế, nguồn lực đầu tư, nên dự án chưa thể triển khai.

Hệ thống hạ tầng đường sắt hiện không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ảnh: Hoàng Anh

Hệ thống hạ tầng đường sắt hiện không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ảnh: Hoàng Anh

Hơn 18 năm qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dự án tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đang khai thác đường sắt tốc độ cao; tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm của 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ để đúc rút bài học kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước.

“Từ tháng 10-2023 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến của 24 bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội. Đa số các ý kiến đánh giá việc chuẩn bị nghiên cứu dự án nghiêm túc, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển đường sắt và cơ bản thống nhất với phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải” - ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết.

Thời điểm chín muồi đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, thời điểm năm 2010, quy mô nền kinh tế chỉ khoảng 47 tỷ USD, nợ công ở mức cao (56,6% GDP)… Còn hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP. Dự kiến, thời điểm triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại.

Đồng quan điểm, đây là thời điểm chín muồi để đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, đã có đầy đủ cơ sở để triển khai. Đó là mong muốn của người dân, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, tiềm lực, vị thế về kinh tế, cũng như đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

(Còn nữa)

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-cong-trinh-bieu-tuong-cua-ky-nguyen-vuon-minh-686447.html
Zalo