Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Kết nối 'siêu', giá vé sẽ 'yêu'

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Giấc mộng nối liền hai miền Nam - Bắc 'siêu nhanh' đã sắp thành hiện thực.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến hoàn thành năm 2035

Chính phủ vừa có tờ trình dự thảo gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đường đôi, khổ 1.435 mm.

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035

Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035

Tuyến đường sắt tốc độ cao được bố trí 23 ga hành khách với khoảng cách 67km/ga, đặt tại gần khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sẽ phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035.

Về công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bộ kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.

Luật Đường sắt 2017 cho biết, đường sắt tốc độ cao (còn gọi là đường sắt cao tốc) là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.
Đường sắt tốc độ cao đang là một xu thế phát triển giao thông trên thế giới. Liên minh đường sắt quốc tế (UIC) nhận xét đường sắt tốc độ cao tiêu thụ năng lượng ít hơn, xả thải ít hơn so với máy bay hay ô tô khi chuyên chở cùng một lượng hàng hóa hoặc lượng hành khách trên cùng một quãng đường. Bài viết sẽ tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao và một số công nghệ đặc trưng về đoàn tàu đang được áp dụng.

Về lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Ngoài ra, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h; chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.

Như vậy, với những tính toán khả thi trong việc triển khai, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội cả nước.

Đây cũng là ước mơ lâu dài của rất nhiều người dân, đặc biệt là những người dân ở hai miền đất nước, nơi cách xa nhau hơn 1.500 km. Giờ đây, với một tấm vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sáng có thể ăn phở Hà Nội, chiều đã thảnh thơi "cafe" ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Vậy dự kiến giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ thế nào?

Đây cũng là một trong những vấn đề quan tâm của người dân, theo Tiền phong đưa tin, các cơ quan soạn thảo đang tính toán, dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay giá rẻ trong điều kiện bình thường. Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau.

Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt tốc độ cao có chiều dài lớn, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi để khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ đường sắt tốc độ cao” - theo nội dung đề cập.

Liên quan tới vấn đề chi phí vốn, dự án dự kiến được tính toán đến hết năm 2035 sẽ mất khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD) cho toàn bộ các hạng mục.

Bộ Tài chính cho biết, khi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, giai đoạn đến năm 2030 cả 3 tiêu chí: Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn thấp hơn mức cho phép. Theo đó, nợ công lớn nhất là 44% so với mức cho phép 60%; nợ Chính phủ lớn nhất là 43% so với cho phép 50%; nợ nước ngoài lớn nhất là 45% so với mức cho phép 50%.

Theo Chính phủ, việc khai thác thương mại dự kiến thu được khoảng 22 tỷ USD và chưa tính đến phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ. Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ các chỉ tiêu tài chính vĩ mô.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-ket-noi-sieu-gia-ve-se-yeu-179240929171253098.htm
Zalo