'Đường dây NÓNG phòng chống dịch Covid-19 để làm gì?' - Tâm sự đầy cảm xúc của các nhân viên y tế Hà Nội khiến bao người xúc động
'Đường dây nóng luôn nóng đến mức quy định là các cán bộ y tế luôn phải để chế độ điện thoại thông suốt, có thể liên lạc được bất cứ lúc nào', những chia sẻ của cán bộ Trung tâm y tế Hai Bà Trưng - đã cho thấy phần nào những vất vả, gian nan của các cán bộ Y tế trực đường dây nóng đợt dịch Covid-19.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã diễn ra vô cùng quyết liệt trong hơn 3 tháng qua. Chứng kiến những công việc bộn bề của “người lính áo trắng”, nhiều người mới thấu hiểu được phần nào nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn túc trực 24/24, lao vào tâm dịch bất kể ngày đêm.
Họ - đội ngũ y tế luôn trong tâm thế sẵn sàng đi vào “tâm dịch”, nhận thông tin về những ca nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần... rồi hướng dẫn cách ly, lấy mẫu, khử khuẩn... với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch cùng đất nước; góp phần chia sẻ bớt những vất vả với các đồng nghiệp của chính mình.
Mới đây, dòng chia sẻ được cô Vân Anh - Cán bộ Trung tâm y tế (TTYT) Hai Bà Trưng đăng tải đã cho thấy phần nào về công việc của những nhân viên y tế trực đường dây nóng trong suốt đợt dịch Covid-19. Chúng tôi xin được trích nguyên văn những dòng tâm sự này để mọi người có thể thấu hiểu, đồng cảm hơn với những vất vả của người trong nghề.
Đường dây nóng liên tục nhận được vô vàn các cuộc gọi, cuộc gọi này chưa kết thúc đã có cuộc gọi chờ
Có ai hiểu Đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19 để làm gì không nhỉ ?
Đường dây nóng hoạt động thế nào: Đường dây nóng là một hệ thống điện thoại xuyên suốt từ Bộ Y tế, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và đến chúng tôi Trung tâm y tế Hai Bà Trưng, cuối cùng là đến các trạm y tế phường.
Đường dây nóng luôn nóng đến mức quy định là các cán bộ y tế luôn phải để chế độ điện thoại thông suốt, có thể liên lạc được bất cứ lúc nào. Điện thoại luôn để gần người, kể cả lúc ngủ bất chấp cảnh báo sóng điện thoại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đặc biệt lúc gần đêm, sau khi Bộ Y tế tuyên bố các ca dương tính mới (F0), đó là lúc y tế cơ sở của chúng tôi nhận tin về các ca F0, F1, F2,.. Và thông tin vừa nhận được phải được chuyển tải đến ngay Đội phản ứng nhanh và vị trí trực của các trạm y tế phường. Các TYT sẽ ngay lập tức gọi điện và đi xác minh thông tin ca mắc, hướng dẫn cách ly, lấy mẫu, khử khuẩn, chuyển bệnh viện cách ly đối với F1 và cách ly tại nhà với F2.
Đường dây đặc biệt nóng khi chúng tôi nghe thông báo có 1 ca F0. Báo động đỏ rung lên các đường dây, trang bị bảo hộ được mặc và ngay lập tức chúng tôi lên đường. Đêm 18/3 đó, ca F0 đó là của đồng nghiệp chúng tôi, một điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai.
Các cuộc điện thoại từ trên chỉ đạo xuống, từ Trung tâm chỉ đạo đi, từ UBND phường đề nghị phối hợp, từ TYT báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, rồi cả từ người dân lo lắng hỏi thông tin, rồi điện thoại gọi xe cấp cứu 115. Thật là náo loạn, nếu không bình tĩnh, trả lời ngắn gọn thì thật là rối. Và hiệu quả của cả một hệ thống báo động đỏ là đến gần 5 giờ sáng, bạn điều dưỡng đã được đưa đi điều trị cách ly tại Bệnh viện Lâm sàng nhiệt đới bằng xe 115, 13 người trong gia đình bạn (F1) cũng đã được lấy mẫu và đưa đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Gia đình bệnh nhân đã được khử khuẩn toàn bộ cùng 6 gia đình trong xóm.
Toàn bộ 7 gia đình trong con ngõ nhỏ đã bị cách ly hoàn toàn. Cuộc phong tỏa tạm thời kết thúc lúc gần 5 giờ sáng. Đội phản ứng nhanh của TTYT quận và TYT phường tạm nghỉ để sáng mai lại tiếp tục xuống địa bàn điều tra tiếp và theo dõi sức khỏe của từng người trong các hộ gia đình đó. Đêm trời thì mưa rét nhưng điện thoại thì nóng rừng rực.
Hàng ngày cứ vào tầm 7- 8 giờ tối, khi Bộ Y tế công bố các ca dương tính mới, đường dây nóng lại làm việc xuyên đêm, một cú điện thoại với giọng run run của một người đàn ông: "Chị ơi em là lái xe cấp cứu, em đã chở bệnh nhân số 133 từ Bệnh viện Bạch Mai về Lai Châu". Ngay lập tức đường dây nóng đề nghị các thông tin ngắn gọn, hướng dẫn phòng hộ, cách ly tạm thời ngay tại chỗ để chờ cán bộ TYT phường đến.
Thông tin của F1 này ngay lập tức được truyền đến đội phản ứng nhanh, đến đường dây trực của TYT, đến điện thoại Chủ tịch quận, phường để thực hiện ngay việc điều tra. Và kíp xe cấp cứu 3 người F1 đó được lấy mẫu, chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn ngay lập tức, toàn bộ 18 người trong văn phòng đội xe đó (F2) được cách ly tại chỗ, khử khuẩn toàn bộ khu vực đội xe và thực hiện phong tỏa ngay. Lại 1 đêm làm việc đến sáng.
Và đường dây nóng đặc biệt nóng hơn bao giờ hết khi thông tin Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Trường Sinh trở thành ổ dịch. Thông báo của UBND TP được đưa ra, ngay hôm ấy đường dây nóng bắt đầu nhận được thông tin: "Con tôi đã từng làm lao công ở khoa có BN 133", "người nhà tôi đã tùng nằm ở Bệnh viện Bạch Mai". Bệnh viện nọ gửi cho 1 danh sách các bệnh nhân vừa được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang. Đường dây nóng liên tục nhận được vô vàn các cuộc gọi, cuộc gọi này chưa kết thúc đã có cuộc gọi chờ. Đường dây nóng vừa mệt, vừa đau đầu, vừa lo lắng.
Tại phường Đồng Tâm có xóm chạy thận, bệnh nhân thường xuyên vào bệnh viện để chạy thận tuần mấy buổi, đặc biệt có 2 người có liên quan đến bệnh nhân số 133. Lo đến thắt ruột, các bệnh nhân này mà lây nhiễm thì không biết sẽ ra sao, UBND phường trao đổi, phương án đưa ra ngay và khẩn trương: cách ly ngay 2 bệnh nhân này khỏi xóm chạy thận, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Và sáng 27/3, Công văn của UBND TP yêu cầu điều tra các bệnh nhân đã khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện và người nhà đến thăm bệnh nhân tại bệnh viện. Lệnh rằng trong 3 ngày thứ 6, 7 và chủ nhật phải điều tra xong, chống dịch như chống giặc không được phép chần chừ. Thế là ngày đêm, cán bộ y tế và công an lại liên tục điều tra. Vì tinh thần chống dịch như chống giặc, vì sức khỏe của nhân dân, danh sách dài dằng dặng các bệnh nhân đã được điều tra xong, chuẩn bị cho việc xét nghiệm toàn bộ.
Và chỉ đạo của Thủ tướng về giãn cách xã hội, đường dây nóng lại nhận vô vàn các thông tin: khu chợ nọ vẫn tập trung đông người, nhiều người không đeo khẩu trang, nơi nọ, nhà kia có người đi nước ngoài về không hiểu đã khai báo chưa, chỗ kia cư dân có hiện tượng kỳ thị người nước ngoài, Điện thoại từ UBND các phường đề nghị tư vấn chuyên môn các trường hợp cụ thể: lấy mẫu không, cách ly không, làm gì nữa, họ không chịu đi bệnh viện, họ lại đòi đi bệnh viện, chúng tôi phải làm gì đây? Đúng là muôn hình vạn trạng các thông tin.
Đường dây nóng lại liên tiếp nhận thông tin khi người dân lo lắng quá gọi điện hỏi tất cả mọi thứ có thể hỏi như: làm gì, ăn gì, kiến nghị rằng vẫn nhìn thấy một "ông tây" trong tòa nhà; hoặc người dân lại chủ quan, coi thường quá: "Tôi chả làm sao, tôi chả phải xét nghiệm, tôi chả phải cách ly. Thậm chí hôm nay mùng 1, mai cho tôi lấy xét nghiệm được không".
Mỗi một kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính làm chúng tôi vui như chính mình âm tính vậy
Nhưng tất cả đội ngũ trực đường dây nóng chúng tôi cũng thật nhẹ lòng khi nhận được thông báo kết quả xét nghiệm âm tính. Mỗi một kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính làm chúng tôi vui như chính mình âm tính vậy, mừng cho dân, mừng cho cộng đồng và cũng mừng cho cả y tế mình nữa.
Tin nhắn như những cánh chim hòa bình bay về "Em cám ơn chị, cán bộ y tế phường đã đến gặp, tư vấn và hướng dẫn em cụ thể rồi ạ"; "Em cám ơn chị, mừng quá em âm tính rồi", "Chị ơi em hết 14 ngày cách ly rồi, sức khỏe tốt chị ạ". "Chị ơi toàn bộ phòng khám em, F1, F2 đã được xử lý xong, phun khử khuẩn rồi, và hôm qua kết quả đã âm tính rồi chị ạ", "Chị ơi cán bộ 115 của em đã âm tính, chúng em cám ơn chị nhiều", "có gì đâu em cùng là trong ngành, giúp gì được cho nhau thì giúp mà", "Chị ơi xét nghiệm cho đối tượng trại tạm giam để chúng em đưa đi giam nhé".
Những cú điện thoại ấy làm cho chúng tôi mềm lòng và lại tiếp tục công việc của mình. Chúng tôi cũng vô cùng cảm động khi nhận được những cú điện thoại yêu thương: "Chị ơi bọn em muốn hỗ trợ cán bộ y tế, chúng em gửi các bạn đội phản ứng nhanh sữa, gạo và một ít đồ ăn nhé"; "Chị ơi bọn em đang làm mặt nạ để bảo vệ các chị khi đi điều tra, các chị cần bao nhiêu để cư dân Times City làm; Bọn chị đang cần gấp khoảng 400 - 500 cái để đi điều tra, lập tức không gian mạng Facebook được kích hoạt khẩn trương.
Đấy đường dây nóng thế đấy, có yêu, có ghét, có vui, có buồn, có những lúc đau đầu, mệt mỏi chỉ muốn buông, rồi lại nghĩ lại, lại được động viên, lại xốc lại tinh thần, chắc sau vụ dịch não thành thép đã tôi."
Chúng tôi cũng chỉ mong muốn người dân hãy tuân thủ những quy định thông điệp mà Chính phủ đã đưa ra trong thời gian này:
- Hãy ở nhà nhiều nhất có thể, không tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra đường
- Khai báo trung thực nhất những thông tin nghi liên quan đến dịch
- Hãy thực hiện cách ly đủ thời gian, nghiêm túc
... Và chỉ gọi đến đường dây nóng khi có thông tin cần thiết, chính đáng thôi cả nhà nhé. Đường dây nóng cũng biết mệt, cũng biết đau đầu cả nhà ạ!".