Đuối nước ở trẻ em - Nỗi đau còn đó

Vừa qua, trên địa bàn huyện Than Uyên xảy ra vụ trẻ em bị tai nạn đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau khôn nguôi không thể bù đắp cho gia đình, người thân. Điều này, không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo mà còn đặt ra vấn đề cấp thiết đối với các cấp, các ngành, địa phương trong việc phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em phải thật sự hiệu quả, nhất là khi kỳ nghỉ hè đang cận kề.

Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng chị Hoàng Thị Nan và vợ chồng anh Hoàng Văn Ụi ở bản Thẳm Phé (xã Mường Kim) vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau khi mất đi 2 con gái do tai nạn đuối nước. Trong buổi chiều định mệnh ngày 26/4, con gái chị Nan là cháu H.T.L (11 tuổi) và cháu H.N.N (cùng tuổi) con của vợ chồng anh Ụi cùng 3 người bạn rủ nhau đi tắm; không may 2 cháu bị đuối nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trời nắng nóng, các cháu rủ nhau xuống bến thuyền Thẳm Phé tắm. Do sơ suất và chủ quan, 2 cháu là L. và N. không biết bơi, lại tắm ở khu vực nước sâu dẫn đến đuối nước. Dù được các bạn gọi người đến cứu, nhưng khi đưa lên bờ thì hai cháu đã bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên. Dù đã được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa, do tình trạng quá nặng, 2 cháu đã không qua khỏi.
Hay vào đầu tháng 4/2024, cháu L.P.T (12 tuổi) ở bản Sân Bay (xã Phúc Than) đi chăn trâu, chẳng may trượt chân rơi xuống hồ nước. Khi được người lớn vớt lên thì cháu đã tử vong.
Theo thống kê của huyện Than Uyên, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn có 12 trẻ tử vong do đuối nước và tai nạn thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là không biết bơi; bố mẹ mải làm việc, buông lỏng quản lý, để các em tự do vui chơi; xảy ra tai nạn đuối nước thường không nhận được sự ứng cứu kịp thời từ phía người lớn. Kỹ năng sơ cứu ban đầu cho trẻ bị đuối nước chưa được triển khai phổ biến. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Một số trẻ em trên địa bàn huyện Than Uyên vẫn tắm tại suối, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước, thương tích.

Một số trẻ em trên địa bàn huyện Than Uyên vẫn tắm tại suối, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước, thương tích.

Những năm qua, huyện đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình của Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn triển khai các hoạt động nhằm từng bước nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền kỹ năng sống, nhất là kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ tại các trường học và bản, khu dân cư. Tạo điều kiện cho một số hộ kinh doanh xây dựng bể bơi để trẻ có chỗ tắm, học bơi trong những ngày hè. Song, thực trạng thiếu sân chơi, bể bơi, bãi tắm an toàn cho trẻ vẫn đang là nút thắt cần được tháo gỡ. Nhất là khi mùa hè đến, thời tiết nóng nực khiến nhiều trẻ chủ quan tìm xuống ao hồ, sông, suối để tắm, tiềm ẩn nguy cơ cao bị tai nạn đuối nước.
Bác sỹ chuyên khoa I Cao Thị Thúy Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho biết: Khi trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời đặc biệt quan trọng, bởi có thể cứu sống nạn nhân và hạn chế tổn thương não do thiếu ôxy. Vì vậy, để phòng, tránh đuối nước ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần có phương án thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em hiệu quả. Trong đó, quan tâm tập huấn kỹ năng cứu người bị đuối nước, nhất là hộ dân sống ở khu vực gần hồ, sông, suối. Mỗi gia đình cần nâng cao ý thức giám sát và giáo dục con em về an toàn, không nên để trẻ ra các ao, hồ, sông, suối tắm, bơi mà không có sự giám sát của người lớn. Nhà trường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng sống với các hoạt động như: tuyên truyền phòng, chống đuối nước; phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em… Đồng thời, trang bị kỹ năng bơi cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Trong quá trình học bơi, nếu được dạy những thao tác cứu đuối bài bản, đúng kỹ thuật, trẻ biết bơi còn có thể tự xử lý tình huống trong những trường hợp khẩn cấp. Huy động các nguồn lực xây dựng khu, điểm vui chơi cho trẻ em, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa nhằm kiểm soát tình hình tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em.
Kỳ nghỉ hè đang đến gần, việc trang bị kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em rất cần thiết, quan trọng và đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Than Uyên mà của toàn xã hội. Từ đó, mới tạo được môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ được vui chơi và phát triển.

Ánh Hồng Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/van-de-hom-nay/duoi-nuoc-o-tre-em-noi-dau-con-do-1260381
Zalo