Đuối nước ở trẻ em, đừng để nỗi đau thêm dài
Trong vòng 4 ngày đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 2 trẻ em tử vong. Những vụ việc này không chỉ để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình mà còn là hồi chuông cảnh báo về an toàn cho trẻ, bởi tai nạn đuối nước không phải là câu chuyện mới, nhất là vào dịp hè.

Hầu hết trẻ em ở vùng sâu, vùng xa đều tự đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn.
Đã 1 tuần trôi qua, nhưng vợ chồng anh Lầu A Tủa, bản Huổi Lích 1, xã Nậm Kè vẫn chưa thể gượng dậy sau nỗi đau mất con trai mới 8 tuổi.
Vào buổi sáng định mệnh ngày 4/7, cháu Lầu A Anh con trai anh Tủa và 2 trẻ nhỏ trong bản cùng nhau đi bè qua suối. Tuy nhiên, nước suối dâng cao và chảy xiết khiến sợi dây buộc bè bị tuột. Hai cháu lớn may mắn bơi được vào bờ an toàn, còn cháu Lầu A Anh đã bị dòng nước xiết cuốn trôi.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè thông tin: Khoảng 100 người, bao gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân đã được huy động, chia làm 5 nhóm tổ chức tìm kiếm cháu Lầu A Anh. Tuy nhiên, thời gian này đang cao điểm mưa to, nước suối dâng cao nên sau hơn 3 ngày, thi thể cháu Lầu A Anh mới được tìm thấy cách khu vực xảy ra tai nạn khoảng 15km.

Lực lượng chức năng tìm kiếm cháu Lầu A Anh bị nước lũ cuốn. Ảnh: UBND xã Nậm Kè cung cấp.
Cùng ngày 7/7, tại bản Kệt, xã Tuần Giáo, cháu Quàng Văn Việt (sinh năm 2018) đã mất tích khi đi chăn trâu cùng mẹ tại khu vực gần bản. Sau gần một ngày tìm kiếm, Quàng Văn Việt được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong do đuối nước. Nơi xảy ra vụ việc thương tâm là một vũng nước cách bản không xa.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em tử vong tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước mỗi năm và Điện Biên cũng không ngoại lệ. Thống kê của Sở Y tế cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh ghi nhận 365 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó, 116 trường hợp tử vong do đuối nước. Những trường hợp tai nạn đuối nước thương tâm tập trung ở lứa tuổi dưới 9 tuổi, với 110 trường hợp.
Qua phân tích cho thấy, các vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở khu vực công cộng như sông, suối, ao hồ... Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2024, trong tổng số 162 vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh có đến 154 vụ xảy ra ở khu vực công cộng.
Điện Biên là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, nhiều sông, suối, ao, hồ, thác nước… nên nguy cơ tai nạn thương tích với trẻ em ở mức cao, nhất là tai nạn đuối nước. Nghỉ hè là thời điểm nhu cầu vui chơi, bơi lội của trẻ em tăng cao. Và ẩn chứa đằng sau đó là nguy cơ mất an toàn tính mạng đối với trẻ em.
Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân thiếu các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước hiệu quả ở các khu vực này, thì hầu hết, các vụ đuối nước gây tử vong ở trẻ em đều xuất phát từ sự lơ là, chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn. Bên cạnh đó, nhiều trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bơi lội và xử lý các tình huống nguy hiểm dưới nước.

Với địa hình hiểm trở, nhiều sông, suối, ao, hồ, thác nước… nên nguy cơ tai nạn đuối nước ở tỉnh ta còn ở mức cao.
Để phòng, tránh những vụ tai nạn thương tâm do đuối nước, những năm qua, hoạt động dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh có gần 70 lượt tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước được triển khai; hơn 400 lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ được mở, thu hút trên 5.200 em tham gia. Số bể bơi được đầu tư xây dựng ngày một nhiều.
Không phủ nhận những nỗ lực trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ của các địa phương, đơn vị, tổ chức và ở mỗi gia đình. Thế nhưng, có thể thấy hầu hết giải pháp này mới chỉ tiếp cận chủ yếu là trẻ em ở đô thị, khu vực trung tâm và lân cận. Đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa gần như mọi kiến thức, kỹ năng đều là “tự bơi” mà có. Và trung bình mỗi năm (giai đoạn 2021 - 2024), có khoảng 30 trẻ thiệt mạng do tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn là con số quá lớn.
Thiết nghĩ, để việc phòng, tránh đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả, trước hết mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giám sát con em mình. Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các trường học tăng cường tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức về cách phòng, chống đuối nước; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho người dân… Bên cạnh đó, cần tạo ra nhiều hơn nữa sân chơi bổ ích, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ mỗi dịp hè về.