Phổ điểm Toán đẹp, sao thí sinh kêu khó?
Khác với 3 năm trước, phổ điểm môn Toán năm 2025 không còn lệch phải mà có hình chuông, thoải đều ở hai bên.

Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT 2025. Điều đáng chú là phổ điểm môn Toán có sự thay đổi rõ rệt so với 3 năm trước (2022-2024).
Trong khi 3 năm trước, phổ điểm môn này có chiều hướng lệch phải, phổ điểm năm 2025 lại có hình dáng cân đối hơn.
Dấu hiệu tích cực
Bàn về hiện tượng này, ThS Hà Minh Sơn, giáo viên Toán trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nhận định việc phổ điểm môn Toán năm 2025 không còn lệch phải như 3 năm trước là một hiện tượng tốt, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách xây dựng đề thi. Đây cũng là kết quả của một đề thi được điều chỉnh theo hướng nâng cao tính phân hóa và tiệm cận hơn với mục tiêu xét tốt nghiệp, kết hợp tuyển sinh đại học.
Những năm 2022-2024, đề thi Toán thường có phần lớn câu hỏi ở mức độ nhận biết - thông hiểu, học sinh trung bình khá có thể đạt điểm 7-8 khá dễ dàng. ThS Sơn cho rằng điều đó dẫn đến phổ điểm lệch phải rõ rệt, gây khó khăn cho việc phân loại thí sinh trong xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, đến năm 2025, đề thi đã có sự dịch chuyển khi số lượng câu hỏi thực tế và vận dụng tăng lên, nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải nắm chắc lý thuyết và biết phân tích vấn đề thực tế, tư duy sâu, đặc biệt ở các chuyên đề như hàm số, hình học không gian, xác suất, tích phân...
Ngoài ra, ThS Sơn cũng chỉ ra đề thi năm nay bám sát nội dung chương trình giáo dục 2018, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào máy móc, tăng yêu cầu hiểu bản chất. Đây là điều cần thiết để đánh giá đúng năng lực Toán học thực sự của học sinh.
“Tóm lại, phổ điểm năm nay không lệch phải là dấu hiệu cho thấy đề thi đã đạt được mục tiêu phân hóa tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu mới với dạy học và ôn thi ở trường phổ thông. Giáo viên và học sinh cần thay đổi phương pháp học, tập trung phát triển tư duy và năng lực giải quyết vấn đề, thay vì chỉ luyện đề theo mô típ cũ”, thầy Sơn nhấn mạnh.

Phổ điểm môn Toán năm 2025 không còn lệch phải như 3 năm trước. Ảnh: Moet.
Tương tự, thầy Lê Văn Cường, nguyên giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng nói rằng sự thay đổi rõ rệt của phổ điểm môn Toán năm 2025 chủ yếu đến từ sự thay đổi trong cấu trúc đề thi.
Những năm trước, đề gồm 50 câu trắc nghiệm, trong đó học sinh trung bình có thể làm 23-27 câu, tương đương 4,6-5,4 điểm. Phần còn lại, dù không chắc chắn, các em vẫn có thể chọn đáp án ngẫu nhiên và đạt thêm 1,2-1,6 điểm, nâng tổng điểm lên khoảng 6,5. Với học sinh khá, việc làm chắc 30-35 câu cộng thêm phần “chọn bừa” cũng giúp đạt trên dưới 7,8 điểm.
Tuy nhiên, đề thi năm 2025 đã được chia thành ba phần, trong đó phần cuối không còn là trắc nghiệm mà chuyển sang dạng tự luận hoặc dạng mở. Ở phần đầu, học sinh trung bình yếu chỉ đạt khoảng 2 điểm; phần giữa có thể thêm 0,5-1,25 điểm. Còn phần cuối - vốn yêu cầu tư duy vận dụng cao - gần như là phần không thể làm đối với các em không đủ vững kiến thức.
Thầy Cường tổng lại học sinh trung bình năm nay chỉ đạt khoảng 4,5 điểm, thấp hơn đáng kể so với những năm trước. Chính điều này khiến phổ điểm năm nay không còn lệch phải như thường thấy.
Vì sao học sinh vẫn kêu?
Tiếp tục bàn về phổ điểm môn Toán, hai giáo viên bộ môn đều nhận định phổ điểm năm nay khá đẹp. Theo ThS Hà Minh Sơn, phổ điểm chuẩn và đẹp cần có hình chuông cân đối, tập trung ở mức trung bình - khá (tức khoảng từ 5 đến 7 điểm). Đồng thời, hai đầu phổ điểm phải có sự phân hóa rõ, cụ thể là ít thí sinh đạt điểm tuyệt đối và cũng ít thí sinh bị điểm liệt.
Nhìn chung, phổ điểm 2025 không bị "lệch phải" (quá nhiều điểm cao) hay "lệch trái" (quá nhiều điểm thấp), mà phản ánh đúng mặt bằng chất lượng học sinh trên cả nước.
Với đề thi Toán năm 2025, thầy Sơn cho rằng phổ điểm năm nay đã tiệm cận với một phổ điểm “đúng chuẩn”. Điểm trung bình ở mức 5-6 điểm là hợp lý, phản ánh đúng năng lực của phần lớn học sinh phổ thông.
Bên cạnh đó, số lượng điểm 9-10 giảm rõ rệt so với các năm trước cũng cho thấy đề thi đã làm tốt chức năng phân loại - nhất là ở nhóm vận dụng cao. Việc có ít điểm liệt cũng chứng tỏ đề thi vẫn đảm bảo tính nhân văn, không đánh đố học sinh yếu.
Tuy nhiên, để đạt đến một phổ điểm thực sự "đẹp" theo nghĩa lý tưởng, giáo viên Toán trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng đề thi cần giữ được sự ổn định qua các năm, đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ thí sinh. Ngoài ra, các dạng câu hỏi phân hóa cũng nên gắn với thực tiễn, định hướng phát triển năng lực, tránh rơi vào kỹ thuật hóa hay đố mẹo.
Phổ điểm Toán được đánh giá đẹp, phân bổ đều, nhưng trong kỳ thi, học sinh vẫn kêu đề dài và khó. Lý giải vấn đề này, thầy Lê Văn Cường nói rằng sự thay đổi trong cấu trúc đề thi Toán năm 2025 không chỉ đặt ra yêu cầu mới đối với học sinh mà còn buộc giáo viên phải điều chỉnh lại toàn bộ giáo án và tài liệu giảng dạy cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều học sinh lớp 12 ở các trường phổ thông chỉ được tiếp cận hình thức thi mới qua 4-6 lần thi thử trong năm học, gồm các kỳ thi học kỳ và một số đợt thi thử do trường hoặc Sở GD&ĐT tổ chức. Vì vậy, việc thiếu cọ xát khiến các em dễ mắc sai sót, không thể phát huy năng lực như mong đợi.
Bên cạnh đó, việc đề thi năm nay bị đánh giá khó một phần cũng xuất phát từ tâm lý của học sinh đã quen với việc đạt điểm cao trong các năm trước. Sự thay đổi trong cách tính điểm và cấu trúc đề khiến điểm thi năm nay thấp hơn mặt bằng cũ, dẫn đến phản ứng chưa tích cực. Tuy vậy, thầy Cường tin rằng cả giáo viên và học sinh sẽ dần thích nghi với hình thức thi mới, và kết quả các năm tới chắc chắn sẽ khả quan hơn năm 2025.

Giáo viên nhận định việc học sinh kêu đề khó là tâm lý bình thường. Ảnh: Phương Lâm.
Thầy Hà Minh Sơn cũng đưa ra lý giải tương tự. Thầy giáo nhận định phản ứng “đề khó” của học sinh sau khi thi phần nhiều đến từ tâm lý chưa quen với kiểu câu hỏi thực tế, vận dụng, lắt léo hoặc cần tư duy nhiều bước. Trong khi đó, phổ điểm lại cho thấy với những câu hỏi cơ bản - trung bình, học sinh vẫn làm tốt.
Điều này chứng minh đề thi đã có sự phân tầng rõ ràng: Học sinh trung bình có thể vượt qua mốc 5 điểm, học sinh khá có thể đạt 6-7, còn muốn đạt 9-10 thì phải có tư duy nhạy bén và sự rèn luyện bài bản.
“Tóm lại, phản ứng của học sinh và phổ điểm không mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho nhau. Học sinh thấy đề khó vì không quen với tư duy mới, trong khi phổ điểm vẫn phân bố ổn định, cho thấy đề đã ‘gạn lọc’ được năng lực thật. Đây là dấu hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cho nhà trường và giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học sao cho sát với định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT”, thầy Sơn nói thêm.
Điểm chuẩn có thể phân hóa
Từ những phân tích phổ điểm môn Toán 2025, ThS Hà Minh Sơn dự đoán việc xét tuyển đại học sẽ có sự phân hóa rõ rệt hơn, đặc biệt là ở nhóm trường tốp trên. Những thí sinh đạt 8-9 điểm môn Toán năm nay sẽ trở nên “hiếm” và có giá trị cao hơn so với các năm phổ điểm lệch phải.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cơ hội vào đại học của các thí sinh điểm thấp hơn sẽ bị thu hẹp. Bởi vì hiện nay, các trường đại học không chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, mà còn sử dụng đa dạng phương thức như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Do đó, học sinh có phổ điểm trung bình - khá hoàn toàn vẫn có nhiều lựa chọn phù hợp nếu chủ động nắm bắt và tìm hiểu kỹ.
Thầy Sơn nói thêm rằng học sinh không nên bi quan nếu điểm thi không đạt như kỳ vọng. Thay vào đó, các em nên xem kết quả này như một bước đánh giá năng lực thực tế, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp với khả năng, sở thích và hoàn cảnh cá nhân.
Theo thầy, thành công không nhất thiết phải gắn liền với những trường đại học tốp đầu. Điều quan trọng hơn là chọn đúng ngành, đúng môi trường để có thể phát huy sở trường và xây dựng tương lai lâu dài.
“Sự điều chỉnh trong đề thi năm nay là cơ hội để học sinh thay đổi cách tiếp cận môn Toán, từ bỏ lối học đối phó, luyện mẹo, chuyển sang học theo hướng hiểu bản chất, rèn tư duy và năng lực giải quyết vấn đề. Đó mới là nền tảng bền vững giúp học sinh phát triển lâu dài trong hành trình học tập”, thầy nói.