Học chữ để làm lại cuộc đời

Ở một nơi tưởng chừng không có chỗ cho phấn trắng, bảng đen, thế nhưng hiện vẫn đang có lớp học đặc biệt dành cho những học viên đặc biệt. Họ là những người lầm lỡ, đang cai nghiện ma túy, hiện đang bắt đầu viết lại cuộc đời mình bằng những con chữ đầu tiên.

Lớp học xóa mù chữ tại cơ sở cai nghiện ma túy, ở bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, nay là phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu không giống bất kỳ lớp học nào, bởi không có bảng điện tử, không giáo cụ trực quan, chỉ có bảng đen, phấn trắng và ánh mắt toát lên khát khao của những người đang cố hiểu nghĩa từng con số, dãy chữ.

Tẩn Cù Dao - học viên của lớp, trú ở xã Sìn Hồ, năm nay hơn 30 tuổi không nghĩ có ngày mình được học chữ như thế này. Thời niên thiếu, vì ham chơi, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Dao đã dở dang việc học. Sau nhiều năm không tiếp xúc với sách vở, Dao đã quên hẳn con chữ. Cũng do không biết chữ, không hiểu biết pháp luật nên Dao đã sai lầm vướng vào ma túy. Thứ bột màu trắng ấy đã khiến Dao mất đi nhiều thứ, trong đó có thứ quan trọng là niềm tin của gia đình và sự xa lánh của người thân, bà con trong bản.

Học viên Tẩn Cù Dao hăng say học chữ

Học viên Tẩn Cù Dao hăng say học chữ

"Tôi đến đây cai nghiện đã được gần 4 tháng và được cán bộ cho đi học chữ. Tôi rất cảm ơn cán bộ, cảm ơn Đảng và Nhà nước. Gia đình tôi rất khó khăn, có 4 con nhỏ. Trước kia chồng tôi cũng nghiện, nhưng đã cai được rồi. Bây giờ tôi quyết tâm cai nghiện, chấp hành tốt nội quy của cơ sở để sau này về với gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc con cái thật tốt, cho con đi học để hiểu biết pháp luật và không nghiện như chúng tôi nữa", Tẩn Cù Dao chia sẻ.

Lớp học xóa mù tại Cơ sở cai nghiện ma túy được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Lai Châu) phối hợp với UBND phường Tân Phong và Hội cựu giáo chức địa phương tổ chức. Đều đặn 3 buổi mỗi tuần, 35 học viên được các thầy, cô giáo là các cựu giáo chức thay phiên nhau lên lớp. Âm thanh đánh vần ê a thường chỉ dành cho trẻ nhỏ, giờ đây được phát ra từ giọng của những người đã ở tuổi trung niên.

Lớp học xóa mù chữ tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu hiện có 35 học viên tham gia

Lớp học xóa mù chữ tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu hiện có 35 học viên tham gia

Cô giáo Đỗ Thị Oanh, hội viên Hội Cựu giáo chức phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu - giáo viên thường xuyên lên lớp tại lớp học đặc biệt này chia sẻ: Mỗi lớp học thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng và được hơn 10 cựu giáo chức thay phiên nhau đứng lớp. Mục tiêu của lớp là giúp học viên biết đọc, biết viết, nâng cao hiểu biết, cải thiện kỹ năng sống và quan trọng nhất là lấy lại lòng tin và ý chí vượt lên chính mình sau khi đã lầm đường, lạc lối.

"Sau nghỉ hưu tôi được trở lại bục giảng để tham gia lớp xóa mù chữ của Cơ sở cai nghiện ma túy. Tôi thấy đây là việc làm rất nhân văn và có ý nghĩa. Tôi mong muốn các học viên sau này nắm được con chữ và cách tính toán đơn giản để về hòa nhập với cộng đồng và không mắc lại các sai lầm nữa", cô Oanh cho biết.

Từ hơn 200 học viên ban đầu khi chuyển giao chức năng nhiệm vụ từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, đến nay Cơ sở cai nghiện ma túy (Công an tỉnh Lai Châu) đã có gần 300 học viên, trong đó có 35 học viên đang theo học lớp xóa mù chữ. Mỗi học viên, mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai, nhưng khi lên lớp họ đều có chung một ý chí, khát khao là sớm biết đọc, biết viết để làm lại cuộc đời.

Lớp học nhằm làm thay đổi nhận thức, trang bị kỹ năng đọc, viết, tính toán đơn giản cho học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Lớp học nhằm làm thay đổi nhận thức, trang bị kỹ năng đọc, viết, tính toán đơn giản cho học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Thiếu tá Bùi Văn Tường, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Chúng tôi cũng xác định là việc mở lớp xóa mù chữ, dạy chữ cho học viên trong Cơ sở cai nghiện là việc làm hết sức nhân văn. Mọi cái đều đặc biệt, học sinh là người nghiện và giáo viên cũng rất đặc biệt, chủ yếu là các thầy, cô đã nghỉ hưu. Tất cả sự cố gắng cũng nhằm mục đích làm sao cho học viên nhận thức được khi vào đây không những được cai nghiện mà còn đổi mới tư duy, nhận thức để sau này ra tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn".

Những con chữ trong lớp học đặc biệt ấy không chỉ mở ra kho tàng kiến thức, mà còn xóa đi mặc cảm, khơi lại lòng tự trọng để mỗi học viên tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Hành trình làm lại cuộc đời chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm, hy vọng cuộc sống mới sẽ lại được thắp sáng và sẽ trở thành hiện thực cho những người biết đứng lên sau những lỗi lầm.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoc-chu-de-lam-lai-cuoc-doi-post1215190.vov
Zalo