Đuổi học sinh gây mất trật tự ra khỏi lớp có phù hợp?

Trong môi trường giáo dục, việc duy trì trật tự lớp học là rất quan trọng để đảm bảo quá trình học tập không bị gián đoạn. Tuy nhiên, khi học sinh gây mất trật tự, việc xử lý như thế nào lại là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Môi trường học đường, việc duy trì trật tự lớp học luôn là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi giáo viên. Một lớp học trật tự sẽ giúp học sinh tập trung học tập và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào lớp học cũng không có vấn đề gây mất trật tự. Nhiều trường hợp, khi học sinh ồn ào, ảnh hưởng đến không khí học tập chung, giáo viên sẽ phải đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Trước hết, cần phải thừa nhận rằng việc đưa học sinh ra ngoài hành lang khi lớp đang trong thời khắc giáo viên kiểm tra bài từng bạn, tránh gây mất trật tự có thể là một giải pháp nhanh chóng để thiết lập lại trật tự trong lớp học. Trong những trường hợp học sinh gây ồn ào, gián đoạn quá trình học tập của cả lớp, hành động này có thể giúp giáo viên tập trung vào việc giảng dạy và giúp các học sinh còn lại tiếp tục học hoặc trả bài một cách hiệu quả.

Việc tạm thời đưa học sinh gây mất trật tự ra ngoài để làm tình hình lớp ổn định là một cách giải quyết vấn đề ngay lập tức, tránh để mất trật tự kéo dài ảnh hưởng, nhưng cách đưa học sinh ra ngoài một lúc tạm thời như thế nào cho phù hợp mới là điều quan trọng.

TS. Trần Thị Kim Yến - Chuyên gia giáo dục.

TS. Trần Thị Kim Yến - Chuyên gia giáo dục.

Mặc dù giáo viên chỉ nghĩ đơn giản đưa học sinh ra ngoài để sớm ổn định lớp vì đang kiểm tra bài từng bạn, mà không giải thích lý do hoặc không có sự trao đổi về hành vi của học sinh, điều này sẽ khiến học sinh không nhận thức được hành động của mình, hành động này có thể khiến học sinh cảm thấy cô lập và xấu hổ khi bị phân biệt đối xử khác các bạn.

Vì vậy, việc cô giáo cho học sinh ra ngoài hành lang có thể là một cách cô giáo sử dụng để chấm dứt tình trạng mất trật tự trong lớp. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không phải là cách giải quyết mức độ ưu tiên cho tất cả các trường hợp. Nếu hành động của học sinh là một vi phạm nhỏ hoặc chỉ là sự mất tập trung nhất ở thời điểm hiện tại, thì việc cho học sinh ra ngoài hành lang có thể không phải là giải pháp tối ưu.

Nếu học sinh gây mất trật tự nghiêm trọng, hành động của cô giáo có thể thúc đẩy ảnh hưởng vĩnh viễn đến các học sinh khác và tạo cơ hội cho lớp học duy trì trật tự. Tuy nhiên, cần cân nhắc rằng việc xử lý trên có thể gây ảnh hưởng tâm lý cho học sinh.

Nếu giáo viên thiếu bình tĩnh cho học sinh ra ngoài và có những hành động như "tác động vật lý" với học sinh thì tốt nhất giáo viên cần gặp phụ huynh cuối giờ học, cùng trao đổi để phụ huynh cũng như em học sinh đó hiểu và thông cảm lúc giáo viên đang không kiềm chế giữ bình tĩnh được mà có những hành động không hay.

Có nhiều giải pháp xử lý phù hợp tốt hơn thay vì chỉ trừng phạt học sinh. Đó là:

Nhắc nhở trực tiếp: Khi học sinh gây mất trật tự, giáo viên có thể nhắc trực tiếp học sinh về hành vi của mình một cách nhẹ nhàng nhưng rõ ràng. Thay vì chỉ đưa ra bài học cho học sinh, giáo viên nên giải thích lý do tại sao hành vi đó là không phù hợp, hành vi đó ảnh hưởng đến lớp học thế nào. Việc này giúp học sinh hiểu được hành vi của mình và có thể điều chỉnh ngay lập tức.

Trao đổi sau giờ học: Giáo viên cần gặp riêng học sinh sau giờ để giải thích một số việc mà học sinh đó đã làm ảnh hưởng đến lớp và đưa ra hướng khắc phục.

Kết quả kỷ luật và động viên: Nặng hơn giáo viên kết hợp giữa kỷ luật và động viên.

Xây dựng quy tắc rõ ràng trong lớp học: Lớp học đều phải xây dựng quy tắc riêng ngay từ đầu năm. Nếu hành vi mất trật tự của học sinh luôn diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lớp học, giáo viên nên thảo luận với phụ huynh để cùng nhau có biện pháp giáo dục con em phù hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về mặt tâm lý, học sinh tiểu học thường rất nhạy cảm về mặt cảm xúc và đặc biệt quan tâm đến cách mà người lớn (đặc biệt là giáo viên) nhìn nhận mình. Việc đuổi học sinh tiểu học ra khỏi lớp khi gây mất trật tự trong lớp có thể có những tác động sâu sắc đến tâm lý của học sinh. Các em có thể cảm thấy xấu hổ, cảm giác bị bỏ rơi và thiếu an toàn. Chưa nói đến học sinh đó có cảm giác tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý, các em lo sợ bị đánh giá thấp và khó khăn để hòa nhập lại với lớp.

Do đó, giáo viên cần phải kết hợp giữa tâm lý và giáo dục, giúp học sinh hiểu được hành vi của mình và cảm nhận được sự yêu thương, tôn trọng. Chỉ khi học sinh cảm thấy an toàn và được xử lý nhẹ nhàng nhưng rõ ràng thì các em mới có thể thay đổi hành vi và phát triển một cách tích cực hơn.

TS. Trần Thị Kim Yến - Chuyên gia Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duoi-hoc-sinh-gay-mat-trat-tu-ra-khoi-lop-co-phu-hop-169241229232915304.htm
Zalo