Dưới bóng thời gian
Trong quyển 40 năm ứng xử với di sản kiến trúc TPHCM, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Quang Ninh viết: 'Một Sài Gòn xưa cũ còn đặc trưng bởi chợ và phố chợ, cùng cảnh trí trên bến dưới thuyền là dấu ấn đặc trưng ở các thành phố Á Đông và rất tiêu biểu cho các đô thị di sản của Việt Nam như Hội An, Phố Hiến hay Cù Lao Phố. Mảng kiến trúc di sản kiểu Chợ Lớn xưa với phố thương mại và ẩm thực cùng các hội quán của người Việt gốc Hoa đã vượt ngưỡng phố Tàu của những đô thị lừng danh thế giới ngày nay'.
Chữ đỏ trên cửa xanh
Tới Hào Sĩ Phường một ngày cuối năm, chúng tôi gặp anh Hà Sán Thìn đang thay cát cho bát nhang trên bàn thờ. Trong căn nhà số 22, lầu 1 của khu chung cư cổ nổi tiếng Hào Sĩ Phường (hẻm 206 Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM), anh vui vẻ kể chuyện nhà chuyện cửa cho chúng tôi nghe. Nhà anh Thìn và bà con Hào Sĩ Phường giống hầu hết các căn nhà người Hoa truyền thống: cửa gỗ xanh lá, bàn thờ Thiên nhỏ xinh bên ngoài, bàn thờ tổ tiên rộng choán không gian phòng khách. Ở những nơi quan trọng như cửa, bàn thờ thì dán chữ giấy đỏ. Tôi dùng Google dịch đọc được nội dung như: Ngũ Phúc Lâm Môn (5 niềm hạnh phúc vào nhà) trên lối ra vào các hộ.
Hành lang chung cư khá hẹp, anh Thìn treo cái lồng chim nhỏ. Tiếng chim hót líu lo hòa tiếng gà gáy râm ran từ dưới các hộ tầng trệt khiến khung cảnh Hào Sĩ Phường như ở thời nào, nơi nào xa lắm. Gõ lên khung cửa gỗ, anh Thìn nói: “Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ dùng then bằng gỗ gạt ngang để đóng cửa, giống trong phim cổ trang đó. Nhưng sau này phải dùng ổ khóa. Tôi đặt thêm cả cửa kéo sắt bên ngoài để đảm bảo an ninh. Không giữ được như cũ”. “Không giữ được” là cụm từ tiếc nuối tôi nghe từ khá nhiều người ở Chợ Lớn.
Hào Sĩ Phường mang trong mình sự phối trộn nhiều màu sắc cho bức tranh cuộc sống đời thường tại đây. Có rất nhiều cách lý giải tên gọi của con hẻm này, có người nói rằng hào nghĩa là hào hiệp, sĩ nghĩa là văn sĩ, phường nghĩa là phường buôn bán. Cũng có cách lý giải khác cho rằng ở con hẻm này có những người Tiều làm công cho ông chủ có tên Hào Sĩ nên đặt tên là Hào Sĩ Phường. Dù là lý giải theo cách nào thì con hẻm này cũng mang trong mình những câu chuyện độc đáo của trăm năm.
“Xin đừng quay phim, chụp ảnh tại đây”, chúng tôi gặp vài tấm giấy A4 mang nội dung này trong hẻm, như đối chọi với tấm bảng của ngành du lịch TPHCM xác nhận đây là 1 trong 10 điểm check-in thú vị thuộc danh sách 100 điều thú vị của TPHCM. Một chi tiết nhỏ, nhưng đủ nói lên mâu thuẫn giữa việc gìn giữ không gian sống và phát triển du lịch, cũng chính là câu chuyện bảo tồn gìn giữ hay thuận theo dòng phát triển, tôn trọng nhu cầu sống của con người.
Sở dĩ chúng tôi có chuyến thăm phố cổ này là vì cô bạn Trương Muội của tôi là người gốc Hoa, vừa từ hải ngoại về TPHCM. Hai ngày trước, cô đã trải nghiệm tuyến xe buýt 2 tầng tham quan Sài Gòn - Chợ Lớn và “thấy mê”.
Tuyến buýt du lịch này mới khai trương hồi tháng 4-2023, đón khách ở quận 1, đi qua các cung đường chính của Chợ Lớn như An Dương Vương, Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…. Từ tầng trên không mái che của xe buýt, khách được ngắm phù điêu, mái ngói âm dương của các mái chùa như chùa Bà Thiên Hậu (hội quán Tuệ Thành), vũ trường Lệ Thanh, nhà hàng Ái Huê, khách sạn Bát Đạt, chợ Xã Tây, chợ Bình Tây, phố thuốc Bắc… Sau khi ngắm Chợ Lớn từ xe buýt, cô Trương gọi tôi, bày tỏ nỗi mong mỏi nhìn nó ở cự ly gần hơn để chạm vào đời sống của cộng đồng dân cư đã gìn giữ những di tích trăm năm tuổi.
Trời cuối năm gió nhẹ, tôi dẫn cô Trương đi bộ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt rồi rẽ phải vào đường Hải Thượng Lãn Ông qua phố lồng đèn, xuôi đường Hồng Bàng, vòng vào chợ Xã Tây, cắt các tuyến đường ngang để sang đường Trần Hưng Đạo rồi lại về đường Nguyễn Trãi… Ở đoạn cặp kênh Bến Nghé, tôi nói rằng, nơi này xưa là bến Hàm Tử. Những người Hoa đầu tiên cập bến nơi đây để dựng dãy hàng quán bán những món họ có, dần dần hình thành nên mô hình giao thương “trên bến dưới thuyền”. Nay, việc đầu tư xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt khiến dãy cửa tiệm mặt tiền của các hãng gạo, vải, nước mắm, vật liệu xây dựng… của những năm 1990 trở về trước đã không còn dấu vết. Nhưng lùi vào phía trong vẫn còn những dãy phố ô bàn cờ theo quy hoạch của người Pháp, những công trình kiến trúc đền chùa, hội quán cổ. Nổi trội nhất là các dãy nhà thương mại liên kế mà dân bất động sản bây giờ gọi là dãy “shop house”. Màu sắc xưa cũ của các dãy phố ấy được Gen Z bây giờ mô tả là “vibe” phố Tàu (vibe tạm hiểu là sức hút, cảm xúc từ không gian phố Tàu).
Giữ “vibe” phố cổ
Người Hoa ở Chợ Lớn đề cao tính cộng đồng, tương thân tương ái, họ thích sống tập trung theo ngành nghề trong các dãy nhà liên kế. Các căn hộ chung cư thường được thiết kế rộng rãi, cho phép một gia đình 3 đời ở thoải mái. Người Hoa giỏi làm ăn, trọng chữ tín, đóng góp vào kinh tế của thành phố thời nào cũng có các tên tuổi “ông lớn” ngành nhựa, ngành thép, xây dựng, văn phòng phẩm… Ở tầng bình dân hơn, rất nhiều các ông chủ nhà hàng, quán ăn, công ty nhỏ ngày ngày tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Dù giàu hay nghèo, họ đều giản dị trong sinh hoạt, giao tế.
Trên các diễn đàn du lịch, nhiều người nhận xét: phố cổ còn giữ được “vibe trăm năm” là nhờ những con người bình dị buôn bán, làm ăn, nuôi dạy con cái và bình tĩnh dựa vào nhau. Đến Chợ Lớn, khách luôn thấy đời sống chậm rãi, người trẻ đi làm bên ngoài, người già ở nhà chợ búa cơm nước, khi rảnh thì kê ghế ra sân trò chuyện cùng hàng xóm. Một người mở tiệm kinh doanh, người khác sẵn sàng cho mượn phần trước cửa để khách dựng xe. “Chúng tôi sống… sao cũng được. Nhiều tiền thì đi ăn nhà hàng, mâm cao cỗ đầy, ít tiền thì ăn 1 tô - uống 1 ly, nghèo hơn nữa thì ở nhà pha trà, bắc cái ghế nhìn người qua lại”, ông Việt Đức Tín, một người già uống cà phê trên đường Phan Phú Tiên, quận 5, nói với chúng tôi.
“Bán vậy được rồi, làm nhiều quá nó… hết xí quách” là lời anh Huỳnh Minh, chủ quán hủ tíu mì Minh Ký, khi tôi hỏi vì sao còn khách mà anh chỉ bán đúng tới 11 giờ trưa là nghỉ. Chị Trịnh Khiết Bình, vợ anh, tiếp lời chồng: "Nghỉ sớm để chiều còn đi thể dục… Để mặt bằng buổi chiều cho con gái nó bán trà sữa. Mình đến tuổi nghỉ rồi, tới thời của đám trẻ”. Anh Minh năm nay 56 tuổi và chị Bình 55 tuổi, đã mở quán hủ tíu mì hơn 20 năm. Quán nằm khiêm tốn ở cuối hẻm Hào Sĩ Phường nhưng luôn tấp nập khách vì thanh vị, mọi nguyên liệu đều tự làm, nước dùng tự hầm. Cảnh quan và ẩm thực tạo một liên kết giữ chân du khách. Sau khi con hẻm nổi tiếng, anh Minh và chị Bình cũng trở thành một phần của nhiều tour du lịch. Kiến thức văn hóa lịch sử và câu chuyện làm ăn của anh Minh thành món quà cho ai hỏi han.
Để thúc đẩy kinh tế du lịch qua khai thác văn hóa bản địa, gần đây chính quyền quận 5 tổ chức nhiều hoặt động như Lễ hội ẩm thực Chợ Lớn - Cholon Food Story; lễ hội Nguyên tiêu... Các câu chuyện văn hóa uống trà, văn hóa kinh doanh, nghệ thuật làm tò he, làm tranh kính dân gian được phục dựng, bàn thảo trong nhiều chuyên đề văn hóa.
Tết đến, các cung đường Chợ Lớn rộn ràng sắc đỏ của các câu liễn, bức đối, decal mai đào, chữ dán tường... thu hút người dân và khách từ khắp nơi. Trong các võ đường, đội lân sư rồng miệt mài tập luyện. Tại các hội quán, người già kể chuyện xưa; người trẻ rôm rả bàn chuyện mua sắm, du lịch, chia sẻ địa chỉ thuê áo cưới kiểu truyền thống… Chợ Lớn trăm năm qua vẫn bình thường vậy thôi.