Dược sĩ chỉ xếp vào trình độ đại học là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo lãnh đạo trường ĐH, nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định dược sĩ ngang với trình độ sau đại học, trong khi ở Việt Nam lại chưa rõ ràng về vấn đề này.

Thực tế hiện nay, Luật Giáo dục đại học năm 2018 chỉ quy định 3 trình độ đào tạo là đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Tuy nhiên, bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ đã được đào tạo từ nhiều năm nay và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới chưa được quy định các trình độ đào tạo tương ứng, mà chỉ xếp vào văn bằng của các “ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”. Điều này dẫn tới, người tốt nghiệp có bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ với thời gian đào tạo và khối lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn chỉ được xếp vào trình độ đại học.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo dược sĩ, vấn đề các văn bằng ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù chưa có vị trí rõ ràng trong hệ thống văn bằng và trình độ đào tạo, do chưa được quy định về trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đang gây ra một số khó khăn, bất cập.

Các chương trình đào tạo dược sĩ trên thế giới khác biệt ra sao?

Trường Đại học Công nghệ Miền Đông là một trong những cơ sở đang đào tạo ngành Dược học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, chương trình đào tạo dược ở các trường đại học có đào tạo y dược hiện nay thường dao động khoảng 155 tín chỉ, tuy nhiên việc xếp ngang trình độ của người tốt nghiệp có bằng dược sĩ với trình độ đại học đang gây ra một số hạn chế, khó khăn.

Thứ nhất là, chưa tương xứng với thời gian và kiến thức. Chương trình đào tạo dược sĩ kéo dài khoảng 155 tín chỉ nên tất yếu đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về hóa học, sinh học và dược phẩm. Việc xếp ngang trình độ đại học có thể không phản ánh đúng khối lượng kiến thức và kỹ năng mà dược sĩ được trang bị.

Thứ hai là, ảnh hưởng đến vị thế nghề nghiệp. Việc không có sự phân biệt rõ ràng về trình độ có thể ảnh hưởng đến vị thế của dược sĩ trong hệ thống y tế và xã hội, gây khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện tại, dược sĩ trong hệ thống nhà nước Việt Nam được xếp lương theo các chức danh nghề nghiệp dược sĩ cao cấp, dược sĩ chính, dược sĩ và dược hạng IV. Trình độ đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) có ảnh hưởng đến bậc lương khởi điểm.

 Sinh viên ngành Dược học của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: Website Nhà trường.

Sinh viên ngành Dược học của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: Website Nhà trường.

Thứ ba là, khó khăn trong hội nhập quốc tế. Tại nhiều quốc gia, trình độ của dược sĩ được công nhận tương đương với trình độ sau đại học. Trong khi đó, một số quốc gia công nhận trình độ dược sĩ tương đương sau đại học. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, dược sĩ thường có bằng Doctor of Pharmacy (PharmD), được coi là bằng cấp chuyên nghiệp tương đương với trình độ sau đại học. Tại Canada, bằng PharmD là tiêu chuẩn cho dược sĩ hành nghề.

Một số nước châu Âu như Vương quốc Anh lại có yêu cầu dược sĩ phải có trình độ thạc sĩ (Master of Pharmacy) hay tại Nga, theo hiệp định giữa Việt Nam và Nga, bằng dược sĩ được cấp tại Việt Nam cho phép người sở hữu được vào học chương trình nghiên cứu sinh (tương đương tiến sĩ) tại Nga.

Do đó, việc xếp ngang trình độ đại học như hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và có thể gây khó khăn cho dược sĩ Việt Nam khi muốn làm việc hoặc học tập ở nước ngoài.

Thứ tư là, việc xếp ngang trình độ đại học như hiện nay làm giảm tính cạnh tranh khi tuyển sinh vào các trường y dược.

Cụ thể, làm giảm sức hút của ngành dược đối với những học sinh giỏi, những người có năng lực và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế. Ví dụ, nếu một học sinh giỏi, với điểm số xuất sắc ở các môn khoa học tự nhiên, đang cân nhắc lựa chọn con đường sự nghiệp, họ tất yếu có nhiều lựa chọn hấp dẫn như bác sĩ, kỹ sư công nghệ cao, nhà nghiên cứu khoa học, hay dược sĩ.

Nếu họ nhận thấy rằng, dù phải trải qua 5 năm học tập chuyên sâu và tích lũy kiến thức đồ sộ về dược phẩm, hóa học, sinh học, dược lý..., bằng cấp của họ sau khi ra trường lại được xếp ngang với một cử nhân đại học 4 năm ở một số ngành khác, họ có thể cảm thấy nỗ lực và thời gian họ bỏ ra dường như không được hệ thống công nhận một cách tương xứng.

Ngay tại Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, thầy Song cũng nhận thấy sinh viên các ngành Dược hầu như không có cơ hội đi làm thêm hay tham gia nhiều hoạt động giải trí do chương trình học nặng. Vì vậy, sự chưa được coi trọng đúng mức tạo ra cảm giác hụt hẫng và giảm động lực theo đuổi ngành.

Thứ năm là, thiếu cơ hội phát triển rõ ràng. Nếu không có sự phân biệt rõ ràng về trình độ, con đường thăng tiến trong sự nghiệp và cơ hội tiếp cận các vị trí nghiên cứu, quản lý chuyên sâu có thể trở nên mờ mịt hơn so với các ngành mà trình độ sau đại học được coi trọng.

Ngoài ra khi so sánh với các ngành y tế khác như bác sĩ (mà ở nhiều quốc gia và có xu hướng ở Việt Nam cũng được nhìn nhận ở trình độ cao hơn), học sinh giỏi có thể cảm thấy ngành dược "kém hấp dẫn" hơn về mặt vị thế và sự công nhận.

Từ đó, làm mất đi tính cạnh tranh. Những học sinh giỏi thường có xu hướng tìm kiếm những ngành nghề có thử thách cao, cơ hội phát triển rõ ràng và sự công nhận xứng đáng cho năng lực của họ. Việc xếp trình độ không tương xứng có thể khiến ngành Dược mất đi tính cạnh tranh trong "cuộc đua" thu hút những thí sinh ưu tú này.

Tóm lại, việc không công nhận đúng mức trình độ của dược sĩ có thể gửi đi một thông điệp không mấy tích cực đến những học sinh giỏi, những người có tiềm năng lớn để đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng. Họ có thể chuyển hướng sang các ngành nghề khác mà họ cảm thấy năng lực và sự cống hiến của mình sẽ được đánh giá cao hơn.

Điều này về lâu dài sẽ gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dược, ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu, phát triển và cung ứng thuốc chất lượng, hiệu quả cho xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y dược, việc không tạo được sự hấp dẫn cho ngành có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các chính sách về đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ

Cũng theo thầy Song, thực tế hiện nay, mặc dù Luật Giáo dục đại học 2018 giao cho Chính phủ quy định chi tiết về ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù và văn bằng trình độ tương đương, nội dung này không được giải quyết triệt để, thấu đáo do thiếu căn cứ của Luật.

Trước thực tiễn đó, việc khẳng định rõ hơn trình độ của bác sĩ, dược sĩ trong Luật là cần thiết để đảm bảo tính công bằng, ghi nhận sự đóng góp của họ và tạo động lực phát triển nghề nghiệp.

Việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quy định các chính sách về đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ bác sĩ, dược sĩ. Đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế.

Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề trên, sẽ góp phần nâng cao vị thế, tạo động lực phát triển cho nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Cao Văn Dư – Phó Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, trên thực tế, yêu cầu về công việc (chuyên môn, năng lực,…) đối với các dược sĩ, đặc biệt là dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện là tương đối cao. Tại một số bệnh viện lớn, dược sĩ lâm sàng là người duyệt đơn thuốc mà bác sĩ đã kê đơn cho bệnh nhân.

Hơn nữa, lĩnh vực Dược nói riêng và khối ngành sức khỏe nói chung là những ngành đào tạo nhân lực liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên chương trình đào tạo tất yếu khắt khe hơn, đòi hỏi số tín chỉ đào tạo nhiều hơn các chương trình đào tạo cử nhân khác. Thông thường, chương trình đào tạo ngành Dược thường kéo dài khoảng 5 năm, trong khi đó các chương trình đào tạo cử nhân khác thường chỉ kéo dài khoảng 3,5 năm đến 4 năm.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Lạc Hồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Lạc Hồng.

Do đó, việc khẳng định rõ hơn trình độ của bác sĩ, dược sĩ trong Luật là cần thiết và hợp lý. Bởi người học phải trải qua thời gian đào tạo dài hơn, khó khăn hơn. Không những vậy, vấn đề này cũng liên quan đến việc học sau đại học của người học sau khi tốt nghiệp.

Cũng theo thầy Dư, hiện nay nước ta đang thiếu nhiều về dược sĩ có trình độ cao, số lượng dược sĩ dường như đang mất cân bằng. Vậy nên phải có chính sách thật rõ ràng đối với đội ngũ này để thu hút được nguồn người học có chất lượng cao.

Còn theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, hiện ngành Dược của nhà trường đang đào tạo khoảng 169 tín chỉ với số lượng tuyển sinh khoảng 70-80 sinh viên mỗi năm.

Thầy Tuấn cũng cho rằng, văn bằng tốt nghiệp hiện nay của những người học tốt nghiệp dược sĩ đúng là giống với trình độ đại học, chỉ khác về danh hiệu. Do đó nếu trong Luật quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trình độ của những người tốt nghiệp các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù như dược sĩ, bác sĩ hay kỹ sư. Từ đó, các trường cũng có sự thống nhất hơn về chương trình đào tạo của những ngành đặc thù này.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/duoc-si-chi-xep-vao-trinh-do-dai-hoc-la-chua-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te-post250920.gd
Zalo