Được cấp giấy tờ, cuộc sống của những 'người vô danh' bước sang trang mới
Sau khi được cấp giấy tờ tùy thân, những phận người vô danh mà báo Pháp Luật TP.HCM từng thông tin được hưởng nhiều quyền lợi, sống một cuộc đời mới…
Năm 2024 vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp nhận thông tin về nhiều trường hợp bạn đọc không có giấy tờ tùy thân khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn.
Trên hành trình tìm lại danh tính cho những người vô danh ấy, chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nên đa số đều được cấp giấy tờ sau đó.
Từ khi có giấy tờ tùy thân, cuộc sống của họ dường như bước sang một trang mới với nhiều màu sắc hơn.
Được cắp sách đến trường
Vào khoảng tháng 4-2024, chúng tôi nhận được thông tin con gái của anh ĐĐP (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa được cấp giấy khai sinh vì anh không liên hệ được với mẹ bé để làm thủ tục.
Lý do là bởi anh P và mẹ của bé (chị G) có tổ chức đám cưới nhưng không có đăng ký kết hôn. Đến khi anh P nói chị G về quê xin giấy xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn thì chị G mới khai rằng mình chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng trước.
Chị G sau đó cũng nhiều lần về quê làm thủ tục ly hôn nhưng bất lực vì không liên hệ được với người chồng trước. Sau này, anh P và chị G xảy ra mâu thuẫn, chị G bỏ đi, để con gái lại cho anh P nuôi đến nay.
Anh P nhiều lần đến UBND phường tìm cách làm giấy khai sinh cho con nhưng không cách nào được vì muốn làm phải có mẹ của cháu. Tuy nhiên, nhiều lần liên hệ chị G chỉ hứa hẹn rồi không về nên anh P đã cắt đứt liên lạc.
Sau khi lắng nghe câu chuyện của anh P, chúng tôi đã liên hệ UBND phường Bình Trị Đông A, phường sau đó đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh của con anh. Đến ngày 5-6, UBND phường đã cấp giấy khai sinh cho con gái anh P.
“Thật sự không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn mọi người đã giúp đỡ làm giấy khai sinh cho gái tôi. Trước đây, không có giấy khai sinh nên cháu không thể đến trường, chỉ có thể gửi các cô hàng xóm để học tạm hoặc gửi bà nội trông giúp. Nay, cháu đã được đi học lớp 1 ở một trường công lập gần nhà. Cháu nó rất vui vì được mặc đồng phục, được đến trường cùng với bạn bè” - anh P nói.
Chia sẻ với chúng tôi, bà NTV, bà nội của bé cũng xúc động vì cháu mình được cấp giấy khai sinh và đến trường như bao đứa trẻ khác.
“Thấy cha cháu cứ chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách làm giấy khai sinh cháu mà không được, tôi buồn lắm. Nhưng thật may mắn nhờ được mọi người thương tình giúp đỡ nay cháu đã được đi học, đây là mong ước lớn nhất của gia đình từ trước đến nay” - bà V nói.
Có thẻ căn cước, mua được thẻ BHYT
Tương tự, gia đình ba thế hệ của ông Võ Văn Sung (gần 70 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cũng không có giấy tờ tùy thân. Ông Sung mất CMND, người vợ cũng không có giấy tờ tùy thân nên hai người con trai của ông bà đều không có giấy tờ.
“Vì không có giấy tờ nên ai kêu gì làm đó như chạy xe ôm, phục vụ quán… không có công việc ổn định. Con trai tôi cũng vậy, hai đứa nó cũng không giấy tờ nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống” - ông Sung nói.
Vòng lặp không giấy tờ ấy lại bắt đầu khi anh Quốc (con trai ông Sung) gặp được mẹ bé N (tên con gái của anh). Cả hai quen nhau rồi có mang thai cháu N. Tháng 9-2020, bé N được sinh ra tại BV Từ Dũ và cũng được cấp giấy chứng sinh. Thế nhưng sinh con được vài tháng thì mẹ bé N chuyển đi nơi khác sinh sống, mang theo cả giấy chứng sinh.
Sau khi nhận trường hợp của gia đình ba thế hệ này, chúng tôi đã liên hệ chính quyền địa phương tìm cách gỡ vướng. Thời gian sau đó, cháu N đã được cấp giấy khai sinh và đến trường đi học. Ông Sung cùng vợ và hai con trai cũng được cấp thẻ căn cước.
“Có căn cước rồi tôi và đứa con trai lớn làm được cái thẻ ngân hàng để chạy xe ôm. Tôi thì vẫn chạy xe ôm truyền thống, con trai tôi nay đã đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Ngoài ra, tôi và vợ tôi cũng mua được cái thẻ BHYT để khám chữa bệnh cho đỡ tốn tiền. Trước đây không có BHYT toàn đi BV hoặc phòng khám tư nên tốn nhiều tiền lắm” - ông Sung nói.
Bà Trần Thị Ngọc Dung (vợ ông Sung) cũng cho biết niềm vui lớn nhất của gia đình có lẽ là cháu N được cấp giấy khai sinh để đến trường. Trước đây, khi không có giấy khai sinh cháu N phải học ở một lớp học tư gần nhà, chi phí đắt đỏ mà chỉ nhận một buổi.
“Mỗi ngày tiền học của cháu ít nhất cũng phải 100.000 - 150.000 đồng. Giờ đây được đi học ở trường công, tiền học cũng đỡ hơn nhiều, mà ở trường thì được học cả ngày, không phải tốn thời gian đưa đón. Tôi nhớ ngày đầu tiên cháu được mặc đồng phục, mang cặp sách đến trường tôi đã không kìm được nước mắt vì hạnh phúc” - bà Dung nói.
"Đến khi mất đi cũng chứng minh được mình là ai"
Đối với ông Nguyễn Đức Minh (sinh năm 1959, ngụ quận 3), trước đây ông cũng được cấp CMND nhưng vì có vi phạm nên bị cắt hộ khẩu. Chính vì vậy, mấy chục năm nay dù CMND đã hết hạn mà ông vẫn không thể cấp đổi lại được thẻ căn cước.
Ngay sau đó, PV đã liên hệ công an địa phương hỗ trợ cho ông Minh làm thủ tục đăng ký thường trú lại. Đến nay, sau khi được đăng ký thường trú ông Minh cũng đã được cấp thẻ căn cước.
Ông Minh vui mừng cầm trên tay thẻ căn cước và thẻ BHYT của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ
“Có cái thẻ căn cước rồi tôi cũng yên tâm, vì khi mất đi tôi cũng chứng minh được mình là ai. Thêm nữa có căn cước rồi tôi cũng mua được cái thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Bao lâu nay cứ khám bên ngoài, dịch vụ đắt đỏ, nhiều lần tôi ngại đi khám vì sợ tiền phí quá cao, nhưng nay có bảo hiểm rồi đỡ lắm” - ông Minh vui mừng kể.