Đừng vội chạy theo những cây trồng có giá

Gần đây, giá hồ tiêu trên thị trường có nhiều biến động, vào vụ thu hoạch giá dưới 100 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó liên tục tăng, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/kg. Vì thế, nhà vườn trữ hạt tiêu qua vụ thu hoạch sẽ bán được giá cao. Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng cao là do thiên tai, hạn hán khiến nguồn cung trên thế giới giảm mạnh.

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, giá hạt tiêu vẫn còn ở mức cao, vì năm 2024, thị trường thế giới sẽ thiếu hơn 60 ngàn tấn hạt tiêu. Là một trong 4 nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng bị giảm nhiều diện tích, sản lượng. Ngoài thiên tai, hạn hán ảnh hưởng đến cây tiêu, còn do trong 4 năm qua giá hạt tiêu luôn biến động, có lúc xuống chỉ còn 80-90 ngàn đồng/kg nên các nhà vườn chuyển sang những cây trồng đang có giá trị cao.

Riêng tại Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, diện tích cây tiêu đã giảm hàng ngàn hécta và năng suất cũng giảm một nửa so với thời hoàng kim của cây tiêu. Giai đoạn 2010-2016, nhiều vườn tiêu ở Đồng Nai đạt năng suất từ 7-8 tấn/hécta/năm, cá biệt có vườn tiêu cho năng suất hơn 10 tấn/hécta/năm. Vì thế, lợi nhuận từ trồng tiêu đạt 400-800 triệu đồng/hécta. Sau này, giá tiêu giảm dần, có năm nông dân bị thua lỗ nên đầu tư chăm sóc ít, khiến vườn tiêu già cỗi, năng suất kém. Hiện Đồng Nai chỉ còn 10,8 ngàn hécta tiêu, năng suất dao động 3-4 tấn/hécta/năm. Với năng suất đó, giá tiêu dưới 100 ngàn đồng/kg, lợi nhuận rất thấp. Các nhà vườn trồng tiêu thường thu hoạch xong sẽ bán để chi trả tiền nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, gần đây, khi giá hạt tiêu lên đến 160-200 ngàn đồng/kg, số nông dân được hưởng lợi không nhiều.

Theo dõi thị trường nông sản thế giới thời gian qua cho thấy, nếu nông dân cứ chạy theo những cây trồng đang có giá, đến khi được thu hoạch, sản lượng nhiều thì cung sẽ vượt cầu, giá sẽ lao dốc. Vì vậy, các chuyên gia ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên phát triển cây trồng theo quy hoạch của tỉnh, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, đạt tiêu chuẩn sạch, xanh để xuất khẩu. Giá các loại nông sản sẽ theo chu kỳ hình sin nên trụ lại được qua giai đoạn khó khăn, nông dân sẽ thu được “quả ngọt”.

Đơn cử như cây cà phê, mấy năm trước giá xuống dưới 40 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân trong tỉnh chặt bỏ hàng ngàn hécta. Từ đầu 2024 đến nay, giá cà phê lên đến 120-130 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân không được hưởng lợi vì đã chuyển qua cây trồng khác.

Đầu tư sản xuất xanh, có năng suất cao sẽ giúp nông dân gắn bó với cây trồng và có lợi nhuận cao.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/dung-voi-chay-theo-nhung-cay-trong-co-gia-b4d61f7/
Zalo