Gỡ vướng 'Pre-funding': Khối ngoại có thể chỉ cần trả tiền mua chứng khoán vào sáng ngày T+2

Dự thảo sửa đổi Thông tư 120/2020/TT-BTC đề xuất nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch không ký quỹ 100% tiền dự kiến được lấy ý kiến lần cuối ở đầu tháng 7 này trước khi trình ban hành.

Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều ngày 2/7

Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều ngày 2/7

Chia sẻ tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” chiều ngày 2/7, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã có dự thảo cuối cùng của Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (Thông tư 120/2020/TT-BTC), trình Bộ Tài chính. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hoàn thành 95%. Trong tuần này hoặc đầu tuần sau, bản dự thảo trên sẽ được công bố để lấy ý kiến trước khi trình ban hành.

Nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này là đề xuất cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền. Theo đó, các công ty chứng khoán đánh giá năng lực khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận... Nếu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh.

Tiết lộ về bản dự thảo sắp công bố, ông Hải cho biết cơ quan quản lý đã xây dựng lưu đồ thanh toán mới để áp dụng quy định Thông tư.

Trong khi Dự thảo đầu tiên vẫn còn khoảng cách tương đối xa giữa thời gian phải có tiền và thời gian chứng khoán về tài khoản, lưu đồ thanh toán mới yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có tiền trong tài khoản vào khoảng 9h-9h30 của ngày T+2. Khoảng cách chỉ còn vài tiếng đồng hồ so với thời điểm chứng khoán về tài khoản (chiều ngày T+2). Điều này đáp ứng được tiêu chí Chu kỳ thanh toán - DVP theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư lớn, các đơn vị quốc tế. Ngoài sự chấp thuận chung của thành viên thị trường, đánh giá của các nhà đầu tư lớn nước ngoài có ảnh hưởng đến quyết định nâng hạng khá tích cực khi cho rằng giải pháp đưa ra có thể thực hiện”, ông Hải cho hay.

Theo quy trình ở dự thảo cũ, tại ngày T+1, trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không đủ tiền, giao dịch mua sẽ chuyển sang tài khoản tự doanh của CTCK. Tiếp đó, tại ngày T+2, VSDC hoàn tất thanh toán và ghi có trên tài khoản nhà đầu tư nếu nhà đầu tư đã nộp đủ tiền với thời gian thực hiện thanh toán từ 11h00 – 11h30 ngày T+2. Còn nếu nhà đầu tư không nộp đủ tiền trong ngày T+2, VSDC hoàn tất thanh toán, ghi có vào tài khoản tự doanh CTCK.

Một trong hai vướng mắc lớn nhất trong quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi của FTSE Russell liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).

Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP dự kiến sẽ mất thêm một khoảng thời gian do sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định có liên quan, bao gồm cả các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng lưu ký.

Do vậy, giải pháp được đưa ra hiện nay là các công ty chứng khoán sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution - NPS).

Từ góc độ công ty chứng khoán thành viên, ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho biết cả trong mô hình CCP hay dịch vụ NPS, trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về CTCK, do đó, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Thứ hai, hệ thống quản trị rủi ro của các CTCK phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm day trading hay short sell được vận hành.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI

Cùng đó, một giải pháp được ông Hải nhấn mạnh là việc phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài. Một điểm trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới.

Các CTCK hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo Nghiên cứu phân tích bằng tiếng Anh và dịch vụ corporate access. Tại SSI, chúng tôi cũng đang thường xuyên cung cấp các sản phẩm dịch vụ này tới các quỹ đầu tư nước ngoài. Các CTCK cũng sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-vuong-pre-funding-khoi-ngoai-co-the-chi-can-tra-tien-mua-chung-khoan-vao-sang-ngay-t2-d219132.html
Zalo