Phú Thọ: Triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu chung nhằm nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng: Phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ; phấn đấu sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 810.000 m3/năm vào năm 2025 và 970.000 m3/năm vào năm 2030; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến, phấn đấu đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Phát huy giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng, đẩy mạnh khai thác, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật; đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam tại địa phương.

Đến 2030 tỷ lệ lao động trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt khoảng 45%, khoảng 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa. Nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 1,5 lần so với năm 2020.

Về nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai: Tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 250 ha (Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 100 ha; làm giàu rừng tự nhiên 150 ha). Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Theo thống kê, diện tích rừng tỉnh Phú Thọ là 169.333 ha, trong đó, có 47.403 ha rừng tự nhiên, 121.930 rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,90 %.

Phú Thọ xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn. Đây là xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng rừng mà còn góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất…, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phu-tho-trien-khai-thuc-hien-de-an-phat-trien-gia-tri-da-dung-cua-he-sinh-thai-rung-89951.html
Zalo