Đừng nghĩ rằng 'phông bạt' cho vui

Theo luật sư Phùng Huyền, những cá nhân 'phông bạt' gây ảnh hưởng xấu thì cơ quan chức năng phải có sự xử lý rõ ràng để răn đe với những người khác.

Thời gian qua, nhiều người chung tay quyên góp, chuyển tiền để ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (bão số 3). Có một số cá nhân lợi dùng điều này để "phông bạt" bằng cách chỉnh sửa biên lai chuyển tiền, từ vài chục nghìn, vài trăm nghìn, vài triệu đồng lên vài chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+.

Mới đây, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp nhận, giải quyết khi có cá nhân, tổ chức gửi tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi này. Bộ Công an cho rằng các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội.

Liên quan nội dung trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ để làm rõ thêm thông tin.

*Phóng viên: Luật sư nhận định về vấn đề trên như thế nào? Căn cứ vào đâu để xử lý?

+ Luật sư Phùng Huyền: "Phông bạt" là từ được sử dụng để chỉ những người khai gian so với biên lai đã chuyển tiền nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân. Đây là hành vi có thể vi phạm pháp luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, biên lai chuyển tiền là của ngân hàng nhưng việc chỉnh sửa có thể phạm tội làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức khác. Nếu sử dụng cho mục đích bất hợp pháp thì phạm tội làm giả tài liệu, con dấu.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, trao đổi về hành vi "phông bạt".

Đồng thời, việc "đánh bóng" tên tuổi theo cách này đã gây ồn ào dư luận, ảnh hưởng đến việc phân phát, thống kê của cơ quan chức nặng, thậm chí gây ra dư luận xấu. Với trường hợp gây ra dư luận xấu có thể phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nhẹ hơn, nếu chưa ảnh hưởng đến an toàn xã hội, họ cũng có thể bị xử lý hành chính với mức phạt đến 20 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Rõ ràng đừng nghĩ rằng "phông bạt" cho vui, bởi điều này là vi phạm pháp luật

Trường hợp được điều tra kĩ, việc chỉnh sửa tài liệu mà tiền lấy từ của người khác thì có thể xem xét mục đích là có chiếm đoạt tiền hay không. Nếu có thì có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

*Phóng viên: Theo luật sư, làm sao để ngăn ngừa các hành vi "phông bạt" tiếp diễn?

+ Luật sư Phùng Huyền: Những cá nhân vi phạm gây ảnh hưởng xấu thì cơ quan chức năng phải có sự xử lý rõ ràng để răn đe người khác. Đồng thời phổ biến kiến thức pháp luật để người dân hiểu.

Ngoài ra, một số người "phông bạt" có thể bị ảnh hưởng bởi sự hơn thua. Nên, ngoài sự phổ biến, hãy để họ ý thức rằng từ thiện là thứ không phải để khoe khoang, hơn thua. Nếu chúng ta kết hợp được những điều này sẽ không ồn ào trong việc "phông bạt" nữa.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-nghi-rang-phong-bat-cho-vui-196241003153109701.htm
Zalo