'Nữ hoàng phòng gym': Đừng mở phòng tập gym chỉ vì khát khao làm chủ

Quan trọng nhất khi khởi nghiệp là cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng cũng phải linh hoạt trước những thay đổi. Với vốn ít, nếu đầu tư dàn trải sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và không mang lại hiệu quả thực sự - nữ chủ nhân phòng gym cho hay.

Nữ gymmer làm việc 17 giờ mỗi ngày

Từ một nhân viên văn phòng có thân hình mảnh khảnh, Bùi Thị Huyền (SN 1990) lột xác trở thành một nữ gymmer rồi trở thành một huấn luyện viên phòng tập được nhiều người biết đến với biệt danh “Huyền Dior”, “Nữ hoàng phòng gym”. Gym đã thay đổi cuộc đời cô.

Sau 4 năm làm nghề huấn luyện viên, tháng 2/2022, Bùi Thị Huyền quyết định khởi nghiệp bằng việc mở phòng tập gym theo phương thức huấn luyện kèm 1-1. Đến nay, cô sở hữu hệ thống chuỗi phòng tập Live Fit với 4 cơ sở tại Hà Nội.

Live Fit đang phát triển nền tảng app cho riêng mình và dự định đưa vào thử nghiệm trong năm 2025. Đây sẽ là bước thay đổi rất lớn trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng. Qua đó, hành trình của khách hàng từ khi biết, tiếp cận, mua hàng và sử dụng dịch vụ tại đây đều được cập nhật để giúp khách có trải nghiệm tốt nhất.

Chị Bùi Thị Huyền - nhà sáng lập Live Fit.

Chị Bùi Thị Huyền - nhà sáng lập Live Fit.

Chia sẻ với VietNamNet, Bùi Thị Huyền cho biết, hành trang khởi nghiệp của chị chỉ có đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng chị nhanh chóng nhận ra đam mê thôi là chưa đủ.

“Để xây dựng được 4 phòng tập như hôm nay, mình đã từng làm việc 15-17 tiếng mỗi ngày trong suốt 2 năm đầu làm huấn luyện viên, có những ngày dạy từ 12-15 ca. Nhà ở Võng Thị (Tây Hồ), phòng tập ở Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm), có ngày khách tập từ 6h sáng thì 5h mình phải ra khỏi nhà. 22h về đến nơi nhưng làm việc online với khách quá 0h vẫn chưa đi ngủ", Bùi Thị Huyền kể.

Huyền cho hay, chị được giao trọng trách điều hành một phòng tập khi trong tay chẳng có gì ngoài đam mê. Doanh số kém, nhân sự chống đối, cổ đông gây áp lực, có những lúc Huyền chỉ muốn nổ tung, nửa đêm ôm gối khóc mà không biết chia sẻ cùng ai.

"Bao nghi ngờ về khả năng quản lý vận hành, nghi ngờ đổ dồn từ cấp trên và cấp dưới khiến mình như phát điên. Nhưng chưa một lần mình có ý định bỏ cuộc. Bản thân đã va vấp quá nhiều, thất bại cũng nhiều nên không cho phép mình bỏ cuộc quá sớm”, cô chia sẻ.

Quan trọng là tầm nhìn dài hạn

Thất bại đáng kể nhất đối với Huyền là chị đã phải chấm dứt hoạt động một cơ sở do thỏa thuận thuê nhà không chặt chẽ. Vụ việc này khiến chị tổn thất khoảng 600 triệu đồng, nhưng cũng là bài học cho việc đàm phán hợp đồng sau này.

Live Fit vận hành được 6 tháng cũng là lúc chị nhận ra, làm một huấn luyện viên giỏi và kinh doanh phòng tập là hai việc hoàn toàn khác nhau. Những kỹ năng học được khi làm huấn luyện viên hầu như không giúp giải quyết được những khó khăn khi làm chủ.

Ngay khi nhận ra năng lực còn yếu của bản thân, cô chủ Live Fit đã tham gia các khóa học phù hợp, đồng thời liên tục đào tạo đội ngũ nhân sự để nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Với mình, việc đi học không phải để bê tất cả về áp dụng nhằm đạt kết quả tốt hơn. Mình muốn thay đổi tư duy, có góc nhìn đúng đắn về những việc đã, đang và sắp tới sẽ làm”, cô nói.

Theo cô chủ 9X, có quá nhiều khó khăn trong startup, chẳng hạn như việc tìm kiếm khách hàng mới và quản lý nhân sự. Làm thế nào để thu hút khách hàng, đồng thời xây dựng được đội ngũ nhân sự tâm huyết là bài toán khó trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Đến nay, thành công lớn nhất là chị đã xây dựng được đội ngũ nhân sự có chung tầm nhìn và làm việc hiệu quả, cùng lượng khách hàng ổn định.

Theo Huyền, điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp là cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng cũng phải linh hoạt trước những thay đổi.

“Live Fit là doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực ít, nếu không đầu tư thông minh mà dàn trải sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền, không mang lại hiệu quả thực sự. Chúng tôi có thời gian gặp vấn đề về tài chính, nhưng may mắn là chưa từng nợ lương, chậm lương hay trừ lương nhân viên bất hợp lý.

Khi khó khăn, Live Fit luôn tối đa hóa lợi nhuận bằng việc tăng hiệu suất làm việc của nhân sự, đồng thời giảm chi phí vận hành không cần thiết”, Huyền tâm sự.

Một cơ sở của Live Fit.

Một cơ sở của Live Fit.

Với kinh nghiệm từ việc mở phòng tập gym, cô chủ Live Fit đưa ra lời khuyên cho những người đang có ý định khởi nghiệp. Đó là hãy tìm hiểu thật kỹ về mô hình mình muốn kinh doanh, đừng mở phòng tập chỉ vì khát khao làm chủ hoặc quá chán với công việc hiện tại.

Để khởi nghiệp với phòng tập gym theo mô hình Private Gym (hướng dẫn 1 kèm 1), cần chuẩn bị khoảng từ 1-2 tỷ đồng. Đó là vốn đầu tư ban đầu, vốn lưu động, quỹ dự phòng rủi ro. Nếu xác định mở rộng, nên có thêm một số quỹ như: quỹ đầu tư mở rộng, quỹ pháp lý, quỹ dự trù cá nhân...

Nếu đã có mục tiêu và kế hoạch bài bản thì có thể đi vay tối đa 60-70% số vốn ban đầu.

Với số vốn lớn, có thể đầu tư hệ thống phòng lớn. Vốn ở đây bao gồm các nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ, mối quan hệ,... Ngược lại, nếu chưa hội tụ đủ yếu tố “vốn”, nên tích lũy thêm và tìm hiểu kỹ trước khi khởi sự.

Cuối cùng, chị Bùi Thị Huyền đúc kết, kinh nghiệm có bao nhiêu cũng là không đủ, phải liên tục học hỏi mới mong đạt kết quả.

4 sai lầm khiến việc quản lý nhân sự gặp khó khăn

Thứ nhất, khi mới mở phòng tập, để bản thân bớt “ôm đồm” việc và muốn nhân bản nhanh hơn, mình bắt buộc phải tìm ra những “đầu tàu” giỏi và trao quyền cho họ. Thậm chí, mình còn tìm đến những người chưa từng có kinh nghiệm. Đây là sai lầm đầu tiên.

Thứ hai, "đầu tàu" phải là người sinh ra từ tổ chức vì sẽ làm việc tốt hơn và gắn bó lâu dài hơn. Nhưng chính bản thân quên mất rằng mình cũng không có kỹ năng quản lý đủ giỏi để đào tạo cho đội ngũ kế cận.

Thứ ba, khi bổ nhiệm nhân sự giỏi chuyên môn từ nội bộ, vô tình sẽ mất đi một nhân viên giỏi nhưng có thể thêm một quản lý tồi. Việc bắt nhân sự “chín ép” để lên cao không phải cách hay nếu người đó chưa có tố chất lãnh đạo.

Thứ tư, cất nhắc nhân sự quá dễ dàng, lộ trình thăng tiến không rõ ràng. Những vị trí quan trọng dễ dàng có được khiến nhân sự không coi trọng chức vụ. Sự nghi ngờ đến từ cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới và chính bản thân khiến áp lực này nối tiếp áp lực kia, họ luôn cảm thấy bản thân nỗ lực bao nhiêu cũng không đủ.

(Bùi Thị Huyền)

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-chuan-bi-nhung-gi-khi-khoi-nghiep-voi-mot-phong-tap-gym-2365309.html
Zalo