Dừng miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu trị giá thấp: Thúc đẩy người tiêu dùng chọn hàng nội địa
Từ ngày 18/2, hàng nhập khẩu có giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Quy định mới về thuế có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa.
Thay đổi tác động đến thị trường
Phó Thủ tướng Chính phủ - Hồ Đức Phớc vừa ký quyết định số 01/2025/QĐ-TTg ngày 03/01/2025 bãi bỏ toàn bộ quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị dưới một triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) kể từ ngày 18/2. Lý giải về việc ngừng miễn thuế, trước đó, Bộ Tài chính cho biết, nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Nhiều chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc bỏ quy định này. Thêm vào đó, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan thuần túy thực hiện thủ công. Lúc đó, việc miễn thuế này đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng phải khai nộp thuế. Song đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, hàng hóa giá trị nhỏ vào bằng chuyển phát nhanh chủ yếu được người tiêu dùng trong nước mua trực tiếp từ nước ngoài, qua shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu... Năm 2023, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ miễn thuế đối với hàng giá trị thấp là bước đi tất yếu, không chỉ nhằm tăng thu ngân sách mà còn bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, góp phần xây dựng một thị trường công bằng, bền vững. Việc áp thuế có thể làm tăng giá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước nhưng đó chỉ là thiệt hại nhỏ trước mắt, lợi ích lâu dài mới là quan trọng. Bởi, khi áp thuế tất cả hàng nhập khẩu sẽ góp phần nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm. Quy trình kiểm tra nhập khẩu sẽ giúp hạn chế hàng ngoại giá rẻ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng sẽ nắm bắt được đầy đủ thông tin, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo quyền lợi mua hàng của mình.

Chính sách miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị thấp không còn phù hợp do thương mại điện tử tăng trưởng nhanh qua các năm.
Cơ hội cho hàng sản xuất trong nước
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có cơ hội rà soát lại hoạt động sản xuất, tối ưu hóa chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng việc áp thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ không chỉ giúp đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước mà còn góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế, nhất là khi hàng có giá trị nhỏ nhập tương đối nhiều.
Tuy nhiên để chính sách này phát huy hiệu quả cần có những biện pháp hỗ trợ đi kèm, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bởi Trung Quốc là “công xưởng thế giới” với quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại và chi phí tối ưu.
Trong khi đó doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.
Về lý thuyết, để tồn tại và phát triển doanh nghiệp Việt phải tập trung vào cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư. Nếu không có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh công bằng, hàng hóa giá rẻ nhập khẩu sẽ tiếp tục tràn vào và gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước.
Ông Bùi Đức Thiện - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Erosska - cho rằng việc ngừng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là một động thái cần thiết bởi chính sách miễn thuế trước đây đã tạo ra “lỗ hổng cạnh tranh không lành mạnh” khi các đơn vị kinh doanh TMĐT có thể nhập số lượng lớn hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, chia nhỏ đơn hàng để được miễn thuế.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, chống thất thu ngân sách.
“Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước đối mặt với khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu giá rẻ thông qua con đường này. Quyết định mới sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế thông qua hình thức chia nhỏ lô hàng”, ông Thiện nói.
Trước quy định này, Bộ Công Thương dự báo giá bán hàng xuyên biên giới trên sàn sẽ tăng do phải chịu thêm khoản thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và khách hàng sẽ là người chi cho khoản tăng này. Song cũng có khả năng nhà bán Trung Quốc sẽ cố gắng giảm chi phí hoặc chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để giữ chân khách hàng. Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhận định: Quy định mới về thuế có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm có chất lượng tương đương. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ góc độ quản lý, quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
Xem lại và bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị thấp
Hoan nghênh việc Quốc hội và Chính phủ đã “siết” quy định đối với hàng hóa giá rẻ nhập vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều này sẽ đảm bảo công bằng cho hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ cần xem lại và bãi bỏ luôn quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống qua chuyển phát nhanh hoặc có số thuế phải nộp dưới 100.000 đồng theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Bởi, hàng hóa nhập khẩu đều phải được đánh thuế ngang bằng như nhau, không phân biệt giá trị, từ đó mới tạo ra sự công bằng cho hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. “Theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử, không chỉ có các sàn đã hoạt động tại Việt Nam mà trong tương lai còn có thể xuất hiện thêm nhiều sàn khác. Chẳng hạn như việc sàn Temu chưa đăng ký đã vào quảng bá và bán hàng rầm rộ trong nước. Từ đó, hàng giá rẻ sẽ càng tràn vào Việt Nam nếu không bỏ các quy định miễn thuế nói trên”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Xoa - Công ty luật Minh Đăng Quang cũng cho rằng, cách nay 15 năm khi Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg để phù hợp quy định quốc tế cũng như thương mại điện tử chưa phát triển, hàng hóa nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh không nhiều. Đồng thời, việc hiện đại hóa ngành hải quan, thuế chưa mạnh nên chi phí tổ chức thực hiện (hành thu) để kiểm tra, thu thuế hàng giá trị nhỏ sẽ lớn.

Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa ngày càng rẻ. Với mức 1 triệu đồng, nhiều người mua được nhiều sản phẩm khác nhau. Cùng với xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh, vận chuyển nhanh, quy định này lại bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng. Điều đó khiến Nhà nước bị thất thu thuế trong khi hàng hóa trong nước “lép vế” ngay trên sân nhà. Hơn nữa, đến nay việc kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu của cá nhân hay doanh nghiệp, làm thủ tục hải quan và thuế đều được triển khai qua mạng, không mất nhiều thời gian. Vì vậy, chi phí tổ chức hành thu đối với tất cả hàng hóa nói chung hay hàng giá trị nhỏ không lớn như trước đây. “Các bộ, ngành đã áp dụng số hóa rất mạnh, hầu hết thủ tục hành chính được thực hiện online. Chính vì vậy, chi phí hành thu ngày càng giảm. Song song đó, cần phải bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các chính sách cần thực hiện đồng bộ để thực hiện không rối và thực sự mang lại sự công bằng cho hàng hóa trong nước và gia tăng nguồn thu cho Nhà nước”, vị chuyên gia này bày tỏ.