Đứng lên sau thất bại

Có một sự thật hiển nhiên mà ai cũng từng đối mặt, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng thừa nhận: Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống.

Với người trẻ, thất bại giống như cơn bão đầu đời, có thể quật ngã những giấc mơ rực rỡ nhất hoặc trui rèn tâm hồn để trở nên mạnh mẽ hơn. Cái cách mỗi người đứng lên sau những lần gục ngã mới là thứ quyết định giá trị thật sự của họ.

Thất bại, dưới ánh nhìn vội vàng của xã hội hiện đại, thường bị xem như một sự mất mặt, dấu hiệu của yếu kém. Nhưng chính những người đạt được đỉnh cao lại thường nói nhiều về lần họ bị kéo xuống vực sâu. Nhà phát minh người Mỹ Thomas Alva Edison, sau hàng nghìn lần thử nghiệm thất bại, đã nói: "Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không hiệu quả". Phải chăng, vấn đề không nằm ở thất bại, mà ở cách chúng ta chọn đối diện với nó thế nào?!

Ảnh minh họa: Alt

Ảnh minh họa: Alt

Không ít người trẻ hôm nay đang sống theo cách mà mọi thành công được phô diễn rực rỡ, còn thất bại thì che giấu đi như một điều xấu hổ khó coi. Họ bị vây quanh bởi những tấm ảnh đẹp, câu chuyện thành công "trong mơ" trên mạng xã hội, để rồi một cú vấp ngã nhỏ cũng trở thành nỗi ám ảnh. Nhưng liệu có công bằng không, khi chỉ nhìn vào kết quả mà bỏ qua cả một hành trình đầy nước mắt và những lần đứng lên không ai chứng kiến?

Thất bại, suy cho cùng, không làm tổn thương chúng ta nhiều như nỗi sợ thất bại, sợ rằng người khác sẽ cười nhạo, sợ bản thân sẽ mãi mãi không làm được. Chính nỗi sợ ấy là thứ làm đông cứng đôi chân và bóp nghẹt trái tim tràn trề sức trẻ. Thử nghĩ xem, nếu chỉ vì một lần gục ngã mà từ bỏ, bạn có thể sống tiếp thế nào với những giấc mơ còn dang dở?

Người trẻ cần học cách yêu thương bản thân ngay cả trong những khoảnh khắc yếu đuối nhất. Biết đứng lên sau thất bại, thậm chí chấp nhận mình đã sai, là một hành động dũng cảm. Nó giống như việc đứng trước tấm gương, nhìn vào những vết sẹo và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, vẫn còn cơ hội để viết tiếp câu chuyện của riêng mình.

Đứng lên sau thất bại không phải là việc bật dậy một cách tức thời. Nó giống như quá trình chữa lành một vết thương, đầu tiên là đau đớn, sau đó là những ngày dài lặng lẽ tự vá lại niềm tin. Nhưng cũng từ chính quá trình ấy, bạn tìm thấy sức mạnh mà bản thân chưa từng biết đến.

Có những người, sau thất bại, chọn cách im lặng và rời đi. Họ tự nhủ rằng mình không đủ giỏi, không may mắn. Nhưng cũng có những người, sau phút giây chạm đáy, quyết định nhìn sâu vào chính mình, tìm ra lý do để bước tiếp. Đứng lên không phải để chứng tỏ điều gì với người khác, mà để trả lời cho chính câu hỏi trong lòng: Liệu đã sống hết mình chưa?

Mỗi thất bại đều có thể trở thành một bệ phóng, nếu ta dám sử dụng nó. Đừng sợ những ánh mắt đánh giá, cũng đừng ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Hãy để mỗi lần vấp ngã là một cơ hội để học, để lớn lên và yêu quý chính hành trình không hoàn hảo của mình. Vì sau tất cả, giá trị của một người không nằm ở việc họ ngã bao nhiêu lần, mà ở chỗ họ đã đứng lên bao nhiêu lần. Những vết sẹo có thể nhắc bạn về những thất bại, nhưng cũng là minh chứng rằng bạn đã đủ dũng cảm để bước tiếp.

TÂM AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dung-len-sau-that-bai-804241
Zalo