Dựng lại những giấc mơ bị 'vùi lấp' bởi bão số 3
'Đó là một thảm cảnh chưa từng có ở mảnh đất này, công cuộc tái thiết vẫn đang tiếp tục bởi những thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra với người dân xã là quá lớn', ông Quàng Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, Điện Biên chia sẻ với đoàn công tác của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Mới đây, đoàn công tác của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, đại diện cho các mạnh thường quân, đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ trao tặng nhà ở, học bổng và trang thiết bị trường học tại 3 tỉnh Điện Biên, Yên Bái và Tuyên Quang.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát động vào tháng 9/2024, nhằm góp phần xoa dịu những mất mát, tiếp thêm nghị lực để người dân và học sinh vùng bị thiên tai từng bước ổn định cuộc sống, vững bước đến trường.
Những con số của niềm tin trao gửi
Hơn nửa năm sau cơn bão số 3, ký ức về trận lũ lịch sử vẫn in hằn trong tâm trí người dân nơi địa đầu Tây Bắc. Mưa lũ không chỉ tàn phá nhà cửa, cuốn trôi tài sản mà còn lấy đi cả những giấc mơ và hy vọng vốn đã mong manh của nhiều gia đình nghèo sống dựa vào ruộng nương.

Sau lũ chỉ còn lại bùn đất và đống đổ nát. Ảnh: Văn Tiến
Trong bối cảnh ấy, hành trình tái thiết cuộc sống đã được khởi động với sự chung tay của các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương và sự đồng hành đầy nghĩa tình từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên khắp cả nước.
Trong đợt hỗ trợ này, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã thay mặt các mạnh thường quân trao tặng 17 căn nhà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc. Song song đó, nhiều thiết bị trường học đã được lắp đặt hoàn chỉnh, cùng 134 suất học bổng được trao tận tay những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp thêm động lực để các em vững vàng trên con đường học tập.

Mỗi suất học bổng được trao đã gieo thêm hạt mầm hy vọng cho các em nhỏ vùng cao hiếu học.
Đáng chú ý, phần lớn các hộ dân và học sinh được hỗ trợ trong dịp này tại cả 3 địa phương đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình còn đang sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu an toàn khi mùa mưa lũ về. Riêng các trang thiết bị trường học được lựa chọn dựa trên khảo sát thực tế từ nhu cầu cụ thể của từng đơn vị, bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả sử dụng cao.

Gia đình chị Lường Thị Thiêm, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn hân hoan trong ngôi nhà mới. Biết đoàn công tác đến thăm, 2 vợ chồng đi chợ chuẩn bị sẵn nước mát cho đoàn. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ngôi nhà sàn của gia đình chị bị hư hỏng nặng phải phá dỡ, di dời đến nơi ở mới, cả gia đình 6 nhân khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào 2000m2 ruộng để sản xuất, nuôi 4 con nhỏ đang đi học
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vào ngày 18/4, ông Quàng Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, tỉnh Điện Biên không giấu được nỗi đau xót khi nhắc lại thời khắc lũ quét tàn phá bản làng và những thiệt hại nghiêm trọng mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
“Đó là một thảm cảnh chưa từng có ở mảnh đất này, công cuộc tái thiết vẫn đang tiếp tục bởi những thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra với người dân xã là quá lớn. 7 người chết, trong đó đến nay 3 người mất tích chưa thể tìm thấy”, ông Tiến nghẹn ngào chia sẻ.

Ngôi nhà mới vẫn còn vương mùi vôi vữa của gia đình chị Lường Thị Thiêm, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn nhìn từ xa. Từ nay, họ đã có một mái nhà kiên cố che mưa nắng.
Không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, cơn bão số 3 còn tàn phá nghiêm trọng hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp, cuốn trôi vật nuôi, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng và nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn. Hơn 100 hộ gia đình buộc phải di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, trong khi 333 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái đang cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực do ảnh hưởng kéo dài của thiên tai.
“Mỗi mái nhà mới không chỉ là chốn đi về, mà còn tiếp thêm nghị lực để bà con yên tâm bám đất, bám bản, dựng xây cuộc sống mới. Không chỉ là giá trị vật chất mà còn đây còn là động lực để người dân Mường Pồn vươn lên từ những khó khăn, bắt đầu lại cuộc sống”, ông Quàng Văn Tiến chia sẻ.
Những chiếc cầu nối dài hy vọng
Một trong những yếu tố quan trọng giúp chương trình thành công chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, Hiệp hội và các đầu mối tại địa phương.

Em Đào Tiến Đạt, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Nhà Đạt có hoàn cảnh khó khăn nhất xã, mẹ bị hỏng một mắt bẩm sinh nhưng luôn chăm chỉ học tập. Hai mẹ con đi hơn 10km và có mặt từ sáng sớm tại điểm trao học bổng.
Ngay sau khi phát động chương trình và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bạn đọc trong, ngoài nước. Từ tháng 11/2024, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã chủ động kết nối, phối hợp với các đầu mối tại các địa phương gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Điện Biên; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang để triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp người dân khắc phục hậu quả nặng nề sau đợt mưa lũ lịch sử.

Các em học sinh tại Yên Bái đến nhận học bổng và mặc trang phục của dân tộc mình, ánh mắt mang theo bao ước mơ nhỏ giữa miền rẻo cao.
Các đơn vị này không chỉ hỗ trợ về mặt tổ chức mà còn là những cầu nối quan trọng để triển khai, giám sát chương trình tại địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ đến tay người dân kịp thời và đúng đối tượng. Theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, khó khăn lớn nhất là việc xác định nhanh chóng, chính xác đối tượng thụ hưởng trong bối cảnh thiệt hại diện rộng và nhu cầu cấp bách.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông sau thiên tai thường bị hư hỏng, gây cản trở quá trình vận chuyển hàng hóa, vật tư hỗ trợ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong khâu tổ chức cũng đòi hỏi sự thống nhất cao để đảm bảo nguồn lực đến đúng nơi, đúng người, đúng mục tiêu.
Chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” đã khép lại tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một hành trình dài hơn.
Những ngôi nhà tình nghĩa được xây sửa không chỉ là sự hỗ trợ vật chất cấp bách giúp người dân có chỗ ở an toàn sau bão số 3 mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Đây là nền tảng để các gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, tái thiết lại sinh kế và góp phần xây dựng cộng đồng bền vững hơn. Đồng thời, những căn nhà này thể hiện sự chung tay sẻ chia của toàn xã hội, tiếp thêm niềm tin cho người dân vào một tương lai tốt đẹp hơn sau thiên tai.
“Sự đồng hành của Tạp chí, của cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp địa phương tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi nhanh chóng sau thiên tai”, ông Nguyễn Hữu Thập chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.

Tổng chi phí hỗ trợ tại 3 địa phương là 1.521.040.000. Dự kiến số tiền còn lại sẽ được Tạp chí chuyển về Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tiếp tục ủng hộ đồng bào theo chương trình chung của MTTQ
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Trương Lương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Yên Bái cho biết, ngay sau khi nhận công văn từ Tạp chí, để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí cứu trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Trấn Yên, UBND Xã Hồng Ca, UBND Xã Hưng Khánh nhằm rà soát, tổ chức và triển khai thực hiện.
“Chúng tôi đã trực tiếp theo dõi tình hình và phản ánh kịp thời các khó khăn, nhu cầu của bà con, hỗ trợ ngày công. Những chia sẻ của Tạp chí và các mạnh thường quân không chỉ giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai”, ông Lương nói.
Tiếp sức cho tương lai
Trong khoảng thời gian Tạp chí phát động chương trình, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, bạn đọc gần xa đã gửi gắm cả vật chất và tinh thần nhằm sẻ chia tới đồng bào vùng lũ phía Bắc.

Anh Vừ A Ninh ở Khe Tiến, Xã Hồng Ca, Yên Bái và vợ đều là người dân tộc Mông, chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Mông, nên mỗi cuộc trò chuyện với đoàn công tác đều cần đến sự hỗ trợ của cán bộ địa phương và trưởng bản làm "phiên dịch". Dù còn rụt rè, anh Ninh bập bẹ nói được mấy từ bằng tiếng phổ thông: “Có nhà mới rồi cán bộ, cảm ơn… không sợ trời mưa, đất lở nữa”.
Chỉ vài ngày sau khi chương trình phát động, bà Tiên Nguyễn, Giám đốc Quỹ Vì cộng đồng IPPG (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương) đã trực tiếp đến Tạp chí, ủng hộ 1 tỷ đồng tiếp sức các em học sinh tới trường sau bão số 3.
“Một cơn bão nhỏ thôi cũng có thể quét sạch nhà cửa hoặc cả gia tài của người dân cả đời dành dụm. Huống chi đây là cơn bão lịch sử. Hoàn lưu bão gây mưa to, ngập lụt và sạt lở đất ở nhiều địa phương. Biết bao người đã tử vong, mất tích, bị thương và rất nhiều mất mát đau lòng.
Vì vậy, ngay khi Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kêu gọi Tiếp sức các em học sinh đến trường sau bão số 3, tôi và tập đoàn IPPG muốn đến chung tay góp một chút sức nhỏ của mình mong đồng bào miền Bắc sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Tiên Nguyễn chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn hồi tháng 9/2024.

Với Hà Thị Bình, thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, căn nhà mới như một "giấc mơ" với cả gia đình bà. Bà nói" Tôi sống gần hết đời người rồi,mấy chục năm sống trong căn nhà dột, giờ mới dám mơ được ngủ yên giấc khi mưa gió về".
Cũng đầy trăn trở về đồng bào vùng lũ, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam quyết định quyên góp 10 căn nhà với tổng trị giá 500 triệu đồng, trích từ lợi nhuận kinh doanh năm 2024 của công ty với mong muốn mang lại chỗ ở an toàn, tiếp thêm động lực để các hộ gia đình vững vàng hơn trong phục hồi kinh tế, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Theo bà Quân, ngoài bày tỏ "tình dân tộc - nghĩa đồng bào", thì trên hết, đó là thời điểm các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội.

Chiều muộn ngày 19/4, đoàn công tác của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đến thăm gia đình ông Trần Quang Phúc tại thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, ông Phúc xúc động kể lại với đoàn công tác về những khó khăn gia đình từng trải qua trước thời điểm được hỗ trợ xây dựng nhà mới, nhất là ngày 10/9/2024 lũ quét qua, khiến hàng trăm m3 đất từ ta luy dương phía sau tràn vào vùi lấp nửa căn nhà của gia đình
Trong những ngày trao tặng nhà tại các địa phương Điện Biên, Yên Bái và Tuyên Quang, niềm xúc động và lòng biết ơn hiện rõ trên gương mặt những người dân nghèo. Mái nhà mới, kiên cố và khang trang không chỉ là nơi che nắng che mưa, mà còn là khởi đầu cho những hy vọng.
“Chưa bao giờ tôi dám mơ mình có 1 căn nhà đẹp thế này. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhà tài trợ. Mùa mưa tới, tôi sẽ không còn phải ngủ trong cảnh nước tràn vào nhà nữa”, bà Hà Thị Bình, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, nghẹn ngào chia sẻ với đoàn công tác.
Không chỉ các hộ dân nghèo được tiếp thêm hy vọng, ngành giáo dục địa phương cũng đón nhận những hỗ trợ thiết thực. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Ninh, huyện Yên Sơn xúc động chia sẻ tại chương trình tại điểm trao Tuyên Quang: “Chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường được trao học bổng và phòng học tin học điểm trường An Lạc, Trường Tiểu học Phúc Ninh được đầu tư trang thiết bị mới, thay thế hệ thống máy tính bị ngập nước, hư hỏng.
Cho phép tôi thay mặt nhà trường, cảm ơn Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, cảm ơn các mạnh thường quân. Chúng tôi cam kết sử dụng nguồn hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, góp phần tạo dựng môi trường học tập ngày càng tốt đẹp hơn cho các em học sinh”.
Chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” đã khép lại tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một hành trình dài hơn. Đó là hành trình dựng xây lại cuộc sống trên nền đổ nát của thiên tai. Có lẽ, tái thiết không chỉ là “dựng lại cái đã mất”, mà là gieo lại hy vọng, mở ra tương lai.
Những căn nhà kiên cố, những suất học bổng, thiết bị học tập trao đi không chỉ là sự trợ giúp nhất thời, mà là lời cam kết lâu dài của cộng đồng: luôn sẵn sàng sát cánh cùng đồng bào, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn.

Trân trọng cảm ơn những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào phía Bắc vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3