Dùng đũa hàng ngày nhưng nhiều người không biết 10 điều cấm kỵ
10 điều cấm kỵ khi dùng đũa trên mâm cơm khôn gphair ai cũng biết dù đũa là vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Việt.
Trong mâm cơm hàng ngày của người Việt, đũa là vật dụng không thể thiếu. Đôi đũa không chỉ là công cụ gắp đồ ăn, nó còn là nếp sinh hoạt, mang trong đó những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, dùng thế nào để không phạm đại kỵ thì chưa chắc nhiều người đã biết.
Việc hiểu và sử dụng đũa đúng cách là một điều vô cùng quan trọng. Ngay từ trong cách dùng đũa, nó thể hiện những ý nghĩa khác nhau, và sâu xa hơn còn góp phần đánh giá một con người...

Ảnh minh họa
Đũa không đặt ngay ngắn
Khi dùng bữa, việc đặt đũa ngay ngắn, song song, thẳng hàng là phép lịch sự tối thiểu. Bạn sẽ không bao giờ thấy nhân viên phục vụ ở nhà hàng đặt đũa một cách cẩu thả, lộn xộn. Hành động này thể hiện sự tôn trọng đối với thực khách.
Dùng đũa ngược
Cách dùng đũa ngược bị người xưa gọi là "đảo lộn càn khôn", rất không thuận mắt. Hành động này thể hiện một người cẩu thả, không chú ý đến tiểu tiết, dễ mắc sai lầm trong cuộc sống. Về mặt khoa học dùng đũa ngược cũng không vệ sinh.
Dùng đũa gõ vào bát
Hình ảnh đã từng thấy của những người ăn xin cầm đũa gõ vào bát... Nếu có thói quen dùng trên mâm cơm được coi là không lịch sự, gợi liên tưởng đến sự nghèo khó, thiếu thốn. Nếu không muốn bị hiểu lầm đang "xin cơm", hãy tránh xa hành vi không hay này.
Cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm
Đây là một trong những điều kiêng kỵ phổ biến nhất. Việc cắm đôi đũa thẳng đứng vào giữa bát cơm gợi nhớ đến hình ảnh bát cơm cúng dâng cho người đã khuất, hay những bữa cơm cuối cùng dành cho tử tù. Hành động này mang ý nghĩa không may mắn, thậm chí bị coi là xúc phạm đến người đang dùng bữa cùng.
Ngậm đũa trong miệng
Việc ngậm hay mút đầu đũa khi ăn bị coi là hành động thiếu lịch sự, kém duyên. Nó không chỉ gây khó chịu cho người đối diện, còn thể hiện kém vệ sinh cá nhân.
Dùng đũa chỉ vào người khác

Ảnh minh họa
Dùng tay chỉ vào người khác là hành vi bất lịch sự, dùng đũa chỉ còn thậm tệ hơn. Hành động này bị coi là thô lỗ, thiếu tôn trọng, dễ gây mất thiện cảm và thậm chí dẫn đến những xung đột trên bàn ăn.
Dùng đũa gắp thức ăn rơi vãi khắp bàn
Việc gắp thức ăn không cẩn thận khiến đồ ăn rơi vãi xuống bàn rất mất vệ sinh, đồng thời thể hiện sự cẩu thả, thiếu ý tứ của người dùng bữa. Nếu thức ăn rơi vào người khác, tình huống sẽ càng trở nên khó xử.
Bới tung thức ăn trong đĩa chung
Hành động dùng đũa đảo, xới tung thức ăn trong đĩa chung để tìm món mình thích bị coi là thiếu văn hóa. Nó thể hiện sự ích kỷ, không quan tâm đến người khác và khiến người cùng bàn cảm thấy khó chịu, mất ngon miệng.
Một hành động xấu khác là cầm đũa "tuần tra", tức là chần chừ lướt qua hết món này đến món khác, không quyết định được ăn gì.
Xiên thức ăn bằng đũa
Quy tắc này có lẽ người lớn ít vi phạm, nhưng trẻ con thì hay mắc phải. Đũa được dùng để gắp, không phải để xiên. Việc dùng đũa xiên thức ăn được coi là thói quen của người phương Tây khi sử dụng nĩa, không phù hợp với văn hóa ẩm thực truyền thống của người Á Đông.
Rơi đũa xuống đất
Ngày xưa rơi đũa xuống đất bị xem là đại kỵ. Ngày nay hành động này ít bị mê tín hơn nhưng nếu vô tình làm rơi đũa xuống đất khi đang ăn, tiếng động phát ra có thể gây phiền cho người khác. Nó cũng thể hiện sự hậu đậu, cẩu thả của bạn.
Những quy tắc sử dụng đũa trên thực tế phản ánh những điều cấm kỵ trong giao tiếp hàng ngày. Hiểu và tôn trọng những quy tắc này giúp bạn tránh những tình huống khó xử trên bàn ăn và hiện sự tinh tế, lịch sự trong giao tiếp, như người xưa có câu nói "Đũa nhỏ, văn hóa lớn".