Đừng để người tiêu dùng mất niềm tin !

Những ngày gần đây, vụ thuốc giả, sữa giả đến câu chuyện về món lòng se điếu đã trở thành tâm điểm mà dư luận xã hội quan tâm. Niềm tin của người tiêu dùng đang bị đánh cắp khi vấn nạn thực phẩm giả ngày càng báo động.

Cục Quản lý thị trường Phú Thọ và Công an huyện Thanh Thủy thu giữ hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại khu 8 xã Đồng Trung.

Cục Quản lý thị trường Phú Thọ và Công an huyện Thanh Thủy thu giữ hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại khu 8 xã Đồng Trung.

Lòng se điếu, một phần ruột non của lợn, được coi là đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Tuy nhiên, khi mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh chủ một quán ăn tại Hà Nội khoe cỗ lòng se điếu dài tới 40 mét, nặng 5,8kg được cho là từ con heo cái nặng hơn 100kg đã thu hút sự chú ý và gây tranh cãi về tính xác thực của thực phẩm này. Trước làn sóng tranh cãi quanh món ăn vốn là khoái khẩu của nhiều thực khách, lực lượng chức năng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính thức vào cuộc kiểm tra nhằm làm rõ nguồn gốc và chất lượng mặt hàng này.

Nhiều ý kiến cho rằng về mặt sinh học, một con lợn không thể có ruột dài đến vậy, càng không thể có số lượng lớn như đã rao bán. Ngay sau đó, khi làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở này đã thừa nhận mình “phóng đại” hình ảnh được đăng tải từ năm 2024 và thừa nhận “thực ra bộ lòng chỉ dài hơn 20m” đồng thời gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng vì thông tin chưa chính xác.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng lòng se điếu. Trước đó, hàng loạt vụ sữa giả, thuốc giả đã bị phát hiện thời gian qua. Hàng trăm sản phẩm được dán nhãn “chính hãng”, “tốt cho sức khỏe” nhưng thực chất là hàng trôi nổi, pha tạp, thậm chí là nhái nhãn hiệu. Thực phẩm thì giả, nhưng chỉ có bệnh ung thư là thật.

Khi những gì trực tiếp dùng để ăn, để uống lại trở thành mối hiểm họa tiềm tàng, thì lòng tin của người tiêu dùng vào thị trường dần trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Sống trong ma trận thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng dần có thói quen tự bảo vệ mình từ đọc kỹ bao bì, truy xuất nguồn gốc, đến chọn mua tại nơi uy tín. Nhưng ngay cả những biện pháp đó cũng chưa đủ bảo đảm có nguồn thực phẩm an toàn.

Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ và tiêu hủy nội tạng động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ và tiêu hủy nội tạng động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Sự tinh vi của hàng giả hiện nay đã vượt qua những giá trị đạo đức. Thực phẩm bẩn được “phù phép” bằng hóa chất để tạo độ tươi. Thuốc giả được làm giống hệt thuốc thật, len lỏi vào cả kênh bán chính thức. Sữa giả thậm chí còn được một số người nổi tiếng quảng cáo, vô tình tiếp tay cho hành vi gian dối.

Khi sản phẩm giả có mặt ở khắp nơi, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng dần rơi vào trạng thái không biết tin ai, mua gì. Mỗi quyết định tiêu dùng giờ đây được đem đánh cược bằng chính sức khỏe của bản thân và gia đình. Thực phẩm giả không đơn thuần là vấn đề kinh tế hay thương mại. Nó là vấn đề đạo đức, là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm mất đi niềm tin của người dân.

Thu giữ và tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Thu giữ và tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người tiêu dùng do thiếu hiểu biết hay ham rẻ trong khi những sản phẩm giả được làm tinh vi, tràn lan trên khắp các kênh phân phối khó có thể phân biệt. Bởi trách nhiệm trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm cần phải quyết liệt, liên tục hơn. Cần rà soát nghiêm ngặt chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối, ứng dụng công nghệ số để truy vết và minh bạch thông tin sản phẩm. Các nền tảng thương mại điện tử và người nổi tiếng càng không thể tiếp tay cho quảng cáo sai lệch, vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả.

Quay trở lại câu chuyện “lòng se điếu”, câu hỏi đặt ra là: Tại sao trước đây các hàng quán bày bán lòng se điếu tràn lan, không ai quản lý, chỉ đến khi video lòng se điếu gây bão mạng thì lực lượng chức năng mới vào cuộc. Và sau khi thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất thì món khoái khẩu này lại thành hàng hiếm, “vắng bóng” tại các hàng quán với lý do “hết hàng”?

Sau thuốc giả, sữa giả, giờ là “lòng se điếu” cũng có thể sử dụng hóa chất để làm giả. Khi vấn nạn hàng giả ngày càng phức tạp, cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa các cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng giả để đủ sức răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đừng để người tiêu dùng mất niềm tin!

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Phú Thọ, trong quý I/2025, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 170 vụ vi phạm. Trong đó, có 18 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 149 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 3 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Các lực lượng chức năng khởi tố 17 vụ với 27 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 10,8 tỷ đồng.

Tất Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dung-de-nguoi-tieu-dung-mat-niem-tin-232871.htm
Zalo