Sữa giả, thực phẩm bẩn gióng hồi chuông cảnh báo về đạo đức kinh doanh và hiệu quả quản lý

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường là dấu hiệu cảnh báo về đạo đức kinh doanh xuống cấp và lỗ hổng trong hiệu quả quản lý nhà nước.

Cơ quan Công an thu giữ số lượng lớn hộp sữa bột giả các loại trong một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả. (Ảnh: cand.com.vn)

Cơ quan Công an thu giữ số lượng lớn hộp sữa bột giả các loại trong một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả. (Ảnh: cand.com.vn)

Tăng cường hậu kiểm để kiểm soát chất lượng sản phẩm

Những ngày qua, dư luận cả nước rúng động trước thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng trong các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sữa giả, thuốc giả… Trong số các bị can có cả một nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng đây không chỉ là vụ việc nghiêm trọng riêng lẻ, mà còn là chỉ dấu cho thấy một “mảng tối” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và đạo đức doanh nghiệp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế) bày tỏ lo ngại khi hàng giả, thực phẩm kém chất lượng “len lỏi” vào từng gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và gây tổn hại tới xã hội.

Theo bà, vụ việc bị phanh phui lần này cho thấy những lỗ hổng trong công tác hậu kiểm - một trong những trụ cột quản lý an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế).

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế).

“Chúng ta chưa làm tốt hậu kiểm. Đây là điều rất đáng tiếc, nhưng cũng là một sự cảnh tỉnh trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý chuyên ngành nói riêng”, bà Sửu nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt, phải kết hợp hài hòa giữa tiền kiểm và hậu kiểm, thay vì thiên lệch vào một khâu.

“Không có giải pháp nào tốt hơn việc cải tiến công cụ pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm”, bà Sửu kiến nghị.

Bà cũng đề xuất thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chéo giữa các khâu và tăng cường phối hợp liên ngành. Theo bà, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhìn nhận, việc sản xuất, buôn bán sữa giả và thực phẩm chức năng giả xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: BÙI GIANG)

“Có phải đạo đức doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chưa được chú trọng đúng mức?”, bà Nga đặt câu hỏi. “Không ít người biết rõ việc sử dụng hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe cộng đồng, nhưng vẫn làm vì lợi nhuận”.

Một nguyên nhân khác, theo bà Nga, đến từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Người dân - đặc biệt là người cao tuổi và đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn khó phân biệt hàng thật, hàng giả, trong khi lại dễ bị tác động bởi quảng cáo thổi phồng.

Nêu thực trạng các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng mà không có sự kiểm định trước, việc kiểm soát được thực hiện thông qua công tác hậu kiểm, bà Nga cho rằng chính điều này đã dẫn đến việc công bố sai lệch, lách luật, công bố sai các hàm lượng khiến hàng kém chất lượng tràn lan thị trường.

Vì vậy, nữ đại biểu đề xuất cần tăng cường hậu kiểm, nhất là với sản phẩm mới, quảng cáo rầm rộ trên thị trường, mạng xã hội.

Bà cũng đề xuất phải kiện toàn lực lượng hậu kiểm vốn đang còn “mỏng”, đồng thời sửa đổi chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.

Một điểm then chốt nữa, theo bà Nga, là cần nâng cao đạo đức doanh nghiệp, thậm chí đưa nội dung này thành môn học bắt buộc trong các trường đại học chuyên ngành.

“Chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) thẳng thắn cho rằng: “Các vụ sữa giả, lòng se điếu chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng”.

Theo ông An, điểm yếu lớn nhất là công tác quản lý còn rời rạc, thiếu chủ động. “Chúng ta có đội ngũ quản lý thị trường đông đảo, các sở chuyên môn, nhưng chỉ đến khi báo chí phản ánh, mạng xã hội lên tiếng mới vào cuộc thì rõ ràng quản lý đang có vấn đề”.

Ông cũng cảnh báo về sự suy thoái đạo đức trong chính đội ngũ làm công tác quản lý. “Pháp luật có đủ, nhưng vẫn để xảy ra nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm. Đây là vấn đề cần tập trung đánh giá”, ông An cho hay.

Đại biểu đoàn Đồng Nai đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phải rõ ràng trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm. Ông yêu cầu phải xác định rõ: Sai phạm ở lĩnh vực nào thì cơ quan quản lý lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế giám sát thực chất, hiệu quả với đội ngũ quản lý, đặc biệt là quản lý trực tiếp.

Về phía các doanh nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong khi Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh hiện thực hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân thì các doanh nghiệp càng phải ý thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội của mình.

“Chúng ta chỉ ủng hộ doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh, có trách nhiệm với dân tộc, với người dân, với xã hội”, ông An nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong hàng loạt vụ việc liên quan thực phẩm chức năng, thuốc và sữa giả thời gian qua.

Ông cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vai trò của Bộ Y tế, Bộ Công thương và lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Theo đại biểu Hòa, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, cần sẵn sàng áp dụng biện pháp mạnh như rút giấy phép, xử lý hình sự nếu phát hiện sai phạm.

Quan trọng hơn, cơ quan thực thi pháp luật phải giữ được sự công tâm, khách quan, không để tình trạng “nhắm mắt làm ngơ” hay buông lỏng quản lý tiếp diễn.

“Chỉ cần kiểm tra một cách nghiêm túc và công tâm thì các cơ sở làm ăn gian dối sẽ không thể tồn tại”, ông Hòa khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân hoàn toàn có lý do để nghi ngờ khi những cán bộ bị khởi tố gần đây chính là người từng tiếp tay cho các sai phạm.

Ông cũng không ngần ngại đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Những người này không khác gì gián tiếp đầu độc người dân. Tội đó không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là tội với sức khỏe cộng đồng”.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sua-gia-thuc-pham-ban-giong-hoi-chuong-canh-bao-ve-dao-duc-kinh-doanh-va-hieu-qua-quan-ly-post880519.html
Zalo