Đừng để các nhà đầu tư 'dao động' với khung pháp lý thiếu rõ ràng

Một trong những thách thức hiện nay khiến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước 'dao động' là chính sách mới và khung pháp lý liên quan vẫn còn thiếu rõ ràng, thậm chí phát sinh rủi ro tranh chấp. Cho nên, việc tiếp tục rà soát tháo gỡ khúc mắc về mặt pháp lý nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa là rất quan trọng trong lúc này.

Trong một báo cáo về triển vọng kinh doanh 2025 được đưa ra hôm 24/4, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cho biết một trong ba thách thức được các doanh nghiệp (DN) Đức nhắc đến nhiều nhất là môi trường kinh tế và chính sách. Theo đó, những thay đổi chính sách đột ngột và hệ thống pháp lý chưa rõ ràng khiến các quyết định dài hạn trở nên khó khăn hơn đối với DN nước ngoài.

Lo nảy sinh các tranh chấp

Như kết quả khảo sát mới nhất được AHK Việt Nam tiết lộ có đến 45% DN cho rằng thử thách đối với họ chính là chính sách kinh tế và khung pháp lý liên quan. Không những vậy, 39% DN phản ánh về rào cản thương mại và ưu đãi địa phương. Ngoài ra, 16% DN cũng cho biết tính chắc chắn về pháp lý cũng là một trong những thử thách đối với họ.

Các chính sách mới và khung pháp lý cần rõ ràng, minh bạch hơn nữa, cũng như tránh rủi ro tranh chấp để nhà đầu tư trong và ngoài nước không phải “dao động”.

Các chính sách mới và khung pháp lý cần rõ ràng, minh bạch hơn nữa, cũng như tránh rủi ro tranh chấp để nhà đầu tư trong và ngoài nước không phải “dao động”.

Còn tại một hội thảo được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 24/4 để bàn về những chính sách mới trong hoạt động đầu tư và Luật số 57/2024/QH15 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu), bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Luật số 57/2024/QH15 khi tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả

Tuy vậy, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã lưu ý trong giai đoạn hiện nay tranh chấp đầu tư liên quan đến phân cấp quản lý địa phương và dự án PPP đang có xu hướng gia tăng.

Bàn riêng về Luật số 57/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ 15/1/2025), ông Bắc cho biết luật này bổ sung một số quy định mới, tuy nhiên, nhiều khả năng, sẽ có DN đang hoạt động hợp pháp trước đây, nay có thể rơi vào tình trạng “không còn đủ điều kiện pháp lý”, dẫn đến rủi ro bị thu hồi giấy phép, buộc điều chỉnh vốn góp, hoặc hạn chế mở rộng hoạt động; đồng thời làm gia tăng khả năng phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước, hoặc giữa các nhà đầu tư với nhau

Trước những thay đổi pháp lý này, theo ông Bắc, việc cập nhật thông tin, hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định mới là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng DN. Các thay đổi của Luật số 57 tuy mang lại nhiều cải cách tích cực, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi DN – đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài – cần chủ động nắm bắt thông tin và rà soát hoạt động kinh doanh.

“Với việc Luật số 57/2024/QH15 được ban hành và chính thức có hiệu lực, dự kiến sẽ xuất hiện những thay đổi đáng kể trong xu hướng tranh chấp thời gian tới. Chẳng hạn, quy định tại Luật mới thúc đẩy việc phân cấp phân quyền cho địa phương liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Điều này có thể tạo ra sự thiếu đồng bộ trong quy trình xử lý của các địa phương, dẫn đến việc cấp phép có thể bị kéo dài”, vị Phó Tổng thư ký của VIAC nêu rõ.

Hơn thế nữa, ông Châu Việt Bắc cảnh báo hệ quả là, các bên phát sinh tranh chấp do chậm trễ hoàn tất thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án.

Ngoài ra, đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, Luật số 57 mở rộng phạm vi áp dụng hình thức PPP, điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong một số dự án trọng điểm và cũng làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tuy đây là tín hiệu tích cực nhằm thu hút đầu tư tư nhân, song nếu không có cơ chế thực thi rõ ràng, thống nhất và minh bạch, những quy định này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, đặc biệt là với đặc thù của phương thức PPP là thường kéo dài, giá trị lớn và liên quan đến nhiều bên.

“Các tranh chấp có thể nảy sinh giữa DN với cơ quan nhà nước trong việc xác định lý do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; hoặc do cơ chế phân chia rủi ro không hợp lý hoặc không được dự liệu đầy đủ ngay từ đầu trong hợp đồng”, ông Bắc chia sẻ thêm.

Cần rà soát tháo gỡ các khúc mắc

Bên cạnh những băn khoăn nêu trên chỉ với riêng một bộ luật chỉ mới có hiệu lực thi hành cách đây hơn 3 tháng, điều mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang lo lắng, “dao động” là khi một số quy định trong dự thảo luật được đưa ra thiếu rõ ràng, khó được hưởng ưu đãi khi rót vốn đầu tư.

Chẳng hạn, trong thượng tuần tháng 4/2025, khi góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ một số điểm còn khiếm khuyết.

Cụ thể như Dự thảo sử dụng nhiều khái niệm quan trọng làm căn cứ để áp dụng các cơ chế ưu đãi như “đổi mới sáng tạo”, “sản phẩm đổi mới sáng tạo”, “công nghệ chiến lược”, “công nghệ số”. Tuy nhiên, theo VCCI, các khái niệm chưa có định nghĩa rõ ràng, còn mang tính định tính mà thiếu tiêu chí cụ thể để áp dụng. Đồng thời, còn thiếu cơ chế xác nhận hoặc chứng nhận cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho DN khi xác định mình có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi hay không.

Không chỉ thế, phía VCCI cũng lưu ý Dự thảo cần tránh xung đột, chồng chéo với các luật chuyên ngành. Bởi lẽ, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số. Nhiều nội dung trong các luật này có liên quan đến các khái niệm, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tương tự như trong Dự thảo.

Do vậy, việc Bộ Tài chính soạn ra Dự thảo kể trên thì cũng cần rà soát, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để đảm bảo thống nhất giữa các quy định pháp luật. Nhất là rà soát tính tương thích của Dự thảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là ưu đãi đầu tư, đấu thầu.

Có thể nói, từ mối lo của các DN Đức trước thách thức về mặt chính sách, khung pháp lý cho đến những băn khoăn về tính chất bất cập, thiếu rõ ràng trong Luật số 57 hay dự thảo luật sửa đổi có liên quan đến đầu tư, là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần suy ngẫm và sớm điều chỉnh cho phù hợp. Nhất là cần rà soát, tháo gỡ các khúc mắc, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa để các nhà đầu tư trong và ngoài nước không phải “dao động”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-cac-nha-dau-tu-dao-dong-voi-khung-phap-ly-thieu-ro-rang-1106383.html
Zalo