Đừng đánh cắp lòng tử tế
Ngỡ ngàng. Đó là điều ập đến với tôi khi xem phóng sự điều tra 'Lật tẩy chiêu trò trục lợi tình thương' của Báo Người Lao Động. Những cá nhân lợi dụng sự tử tế của người làm thiện nguyện này gây bức xúc, thậm chí gây phẫn nộ.
Trước đây tôi vẫn thường biếu tiền người ăn xin ngồi dưới những đèn giao thông. Sau khi truyền hình, báo chí, mạng xã hội phản ánh về hiện tượng "việc nhẹ lương cao" hoặc bị "chăn dắt", nhiều năm nay tôi đã "nói không" với việc cho họ tiền. Tôi cũng khuyên bạn bè nếu cho thì bằng thức ăn, nước uống chứ không nên trao tiền. Tiền thường vào túi kẻ không trực tiếp ra đường ngửa tay...
Ngay sau khi xem video đầu tiên trong loạt bài, tôi đã lồng câu chuyện đánh cắp lòng tử tế này tới học sinh vào tiết học đầu tiên, ngày đầu tiên của tuần mới. Thầy trò cùng "bàn luận" về hình ảnh xấu xí của những người "trục lợi tình thương".
Các em Nguyễn Như Quỳnh, Lã Thùy Trâm cùng nói rằng dẫu biết con người nương tựa nhau là điều rất tốt, thế nhưng tình thương đặt sai chỗ sẽ có những người ỷ lại, ngoài ra còn khinh thường những món quà nhỏ nhặt. Tệ nạn "trục lợi tình thương" rất đáng lên án. Thực sự em cảm thấy vô cùng bức xúc khi lòng thương người bị lợi dụng như vậy… Thật đáng tiếc khi tình thương đặt sai chỗ và thật bức xúc khi sự giúp đỡ bị lợi dụng. Mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm, đừng để "ăn xin" trở thành một nghề nghiệp.
Một học sinh khác, Đào Ngọc Nhi, thì nhận xét những ai không thực sự khó khăn mà làm thế rất khó chấp nhận. Bản thân tay chân lành lặn, có của ăn của để sao không tự lực cánh sinh, tự bước đi trên chính đôi chân của mình, sao phải sống dựa vào người khác? Đã thế còn chê bai, còn nói này nọ với người làm tự thiện…
"Con người vốn sinh ra để học cách yêu và trao đi yêu thương nhưng chỉ có thế thôi là chưa đủ. Ta còn phải học gửi tình yêu thương của mình đến đúng nơi và đến với người thật sự cần và biết trân trọng nó. Nếu không thì bao nhiêu tình thương trao đi cũng là vô nghĩa. Đoạn phóng sự là minh chứng rõ nhất cho việc tình thương trao nhầm người" - học sinh Huỳnh An Thoại nhận xét.
Hy vọng tiếng nói của thầy trò tôi nói riêng, của những ai yêu sự tử tế nói chung sẽ góp phần, dù nhỏ bé, để cơ quan chức năng quyết liệt hơn với sự giả dối của những kẻ trục lợi. Từ đó, khiến xã hội trở nên nhân văn, đầy ắp tình thương và niềm tin lẫn nhau.