Cuộc sống người dân đảo lộn khi Hà Nội nhiều ngày ô nhiễm không khí

Nhiều ngày qua, Hà Nội luôn được xếp nhóm đầu trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí… xấu nhất thế giới. Theo một báo cáo hồi năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, hơn 40% dân số Thủ đô đang 'phơi nhiễm' với nồng độ bụi PM 2.5 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so tiêu chuẩn quốc tế do WHO quy định.

Nhiều ngày qua, Hà Nội luôn được xếp nhóm đầu trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí… xấu nhất thế giới.

Nhiều ngày qua, Hà Nội luôn được xếp nhóm đầu trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí… xấu nhất thế giới.

Khốn khổ vì khói bụi

Từ hơn một tuần qua, đều đặn mỗi ngày, bà Đỗ Thị Chính (Tây Hồ, Hà Nội) lại dành cả tiếng đồng hồ lau dọn nhà cửa. Mặc dù nằm trong ngõ sâu trên phường Phú Thượng, nhưng căn hộ của bà Chính vẫn luôn trong tình trạng lấm đầy bụi. Bụi phủ lớp mỏng lên cửa phía trước, hoặc hằn thành nếp trên sàn nhà nếu lỡ… mở cửa quá lâu.

Cháu gái bà, chị Đỗ Thị Thùy Mỵ thì lại bị “ám ảnh” mỗi khi đi làm, đặc biệt vào những ngày đầu tuần. Cảnh tắc đường, không khí mù mịt như có sương, mùi xăng xe… khiến chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Ô nhiễm không khí những ngày qua khiến cuộc sống của nhiều người tại Hà Nội bị xáo trộn.

Ô nhiễm không khí những ngày qua khiến cuộc sống của nhiều người tại Hà Nội bị xáo trộn.

“Tôi vốn mắc bệnh viêm xoang nặng nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Từ nhà đến nơi làm việc khoảng hơn 10 cây số, nhưng lần nào tới công sở cũng thấy đầu choáng váng, nặng trịch và khó thở”, chị Mỵ than thở.

Trong khi đó, nhiều trẻ nhỏ và người lớn tuổi cũng khốn khổ vì tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi), từ Thanh Hóa ra quận Hoàng Mai trông cháu cho gia đình con trai. Nhưng từ khoảng 10 ngày nay, bà liên tục bị ngứa họng, ho, ngạt mũi không rõ nguyên nhân. Khi đi khám, bà được chẩn đoán viêm mũi dị ứng do thời tiết thay đổi.

“Tôi đành phải đóng kín cửa nhà, bật máy lọc không khí và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện”, bà Hà kể lại.

Mặc dù đã bịt kín khẩu trang, nhưng người dân Hà Nội vẫn cảm nhận rõ chất lượng không khí ở mức xấu.

Mặc dù đã bịt kín khẩu trang, nhưng người dân Hà Nội vẫn cảm nhận rõ chất lượng không khí ở mức xấu.

Đáng nói hơn, cháu trai mới 2 tuổi của bà Hà vài ngày qua cũng đã xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở. Mặc dù rất thương cháu, nhưng người phụ nữ 62 tuổi cũng chỉ biết “đóng kín cửa và hạn chế ra ngoài nhiều nhất có thể”.

Tương tự là trường hợp của ông Lương Văn Sử ở Tây Hồ, Hà Nội. Hơn 1 tuần qua, ông Sử đã buộc phải bỏ thói quen đi chạy bộ buổi sáng.

“5 giờ thức dậy, nhìn ra ngoài trời thấy mù mịt như có sương. Tôi đọc tin tức thấy nồng độ bụi trong không khí đang ở ngưỡng nguy hiểm nên đành phải bỏ thói quen vài năm qua”, ông Sử cho hay.

Cảnh giác bụi mịn – sát thủ vô hình trong không khí

Trước đó, như Báo Nhân Dân đã thông tin, từ đầu tháng tới nay, Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tục ô nhiễm không khí ở mức độ rất cao. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ghi nhận ở mức 200-300, thuộc ngưỡng tím – rất có hại cho sức khỏe.

Điển hình như các ngày 3/1 và 7/1, các trạm quan trắc của IQ Air đều ghi nhận Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Riêng ngày 7/1, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện) tiếp tục ghi nhận chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình đều ở mức rất xấu.

Chất lượng không khí đáng báo động tại Hà Nội đầu năm 2025.

Chất lượng không khí đáng báo động tại Hà Nội đầu năm 2025.

Đặc biệt, mức độ ô nhiễm không khí ở Thái Nguyên vượt xa cả Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Bốn điểm đo tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều ở ngưỡng tím.

Nhận định về tình trạng trên, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây không phải là hiện tượng bất thường. Thực tế, ngay từ tháng 10/2024, Hà Nội đã chính thức bước vào “mùa ô nhiễm không khí” và sẽ còn kéo dài tới ít nhất hết tháng 3/2025.

Về nguyên nhân, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân chia ra 2 yếu tố chính; bao gồm: Các nguồn thải của Hà Nội và một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát và sự tác động bất lợi từ thời tiết.

“Trong 2 yếu tố này, thời tiết chúng ta không thể điều khiển được. Cách kiểm soát chính là phải làm sao hạn chế các nguồn ô nhiễm. Ở đây, chúng ta cần xác định các nguồn này bao gồm khói thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hay nạn đốt rơm rạ”, TS Hoàng Dương Tùng phân tích.

Khi chất lượng không khí suy giảm, trong không khí sẽ xuất hiện rất nhiều bụi siêu mịn PM 2.5 - loại bụi được ví như "sát thủ vô hình" với sức khỏe con người.

Khi chất lượng không khí suy giảm, trong không khí sẽ xuất hiện rất nhiều bụi siêu mịn PM 2.5 - loại bụi được ví như "sát thủ vô hình" với sức khỏe con người.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng lưu ý, khi chất lượng không khí bị suy giảm như những ngày qua, người dân cần hết sức cảnh giác với bụi siêu mịn PM 2.5. Theo ông Tùng, trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet.

“Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta. Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư,… Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn”, TS Hoàng Dương Tùng cảnh báo.

Qua quan trắc, có nhiều ngày trong mùa đông, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng rất cao, biểu hiện qua chỉ số AQI đỏ, thậm chí nâu trong khoảng sáng sớm từ 2-6 giờ. Đây là kiểu hình không khí rất có hại cho sức khỏe.

Trong khi đó, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình hằng năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí cả ở ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; trong đó, Việt Nam ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm.

Cũng theo WHO, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Sáng 7/1, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kế hoạch và đề cương của Đoàn giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Lo ngại về ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tổng thể nguyên nhân và nguồn ô nhiễm. Trong đó ông đề nghị rà soát nguồn phát thải công nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn quanh Hà Nội gây ô nhiễm và việc đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp.

Sơn Bách

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuoc-song-nguoi-dan-dao-lon-khi-ha-noi-nhieu-ngay-o-nhiem-khong-khi-post855011.html
Zalo