Dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn pháo phòng không 57mm

Một trong những dụng cụ không thể thiếu, luôn được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 214 (Quân khu 3) mang theo khi huấn luyện thực hành ngoài trận địa là 'dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn pháo phòng không (PPK) 57mm'.

Giải thích về việc này, Thượng úy Nguyễn Hữu Đức, Đại đội trưởng Đại đội 2 cho biết: “Pháo sử dụng lâu năm đã xuống cấp, cộng thêm đạn giáo luyện dùng thường xuyên bị trầy xước, bẹp méo nên trong quá trình huấn luyện, quả đạn thường bị kẹt lại trong buồng đạn. Do đó, việc sử dụng “dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn PPK 57mm” sẽ bảo đảm việc tháo đạn bị kẹt được thuận tiện, nhanh chóng, không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tập luyện của đơn vị”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, khi sử dụng PPK 57mm để huấn luyện hoặc tham gia diễn tập bắn đạn nước, đạn thật, nếu xảy ra tình trạng đạn bị kẹt trong buồng đạn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường dùng thông nòng kết hợp sử dụng bộ phận mở khóa nòng bằng tay để đẩy đạn kẹt ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm gãy thông nòng, thậm chí gãy thanh răng hoặc gãy bánh xe răng của khóa nòng. Ngoài ra, trong trường hợp đạn bị kẹt chặt thì việc sử dụng thông nòng rất khó có thể đẩy được đạn ra ngoài. Trước thực trạng này, Đại úy Nguyễn Văn Linh, Trợ lý Huấn luyện, Phòng Tham mưu Lữ đoàn Phòng không 214 đã nghiên cứu, chế tạo "dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn PPK 57mm".

 Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 214 (Quân khu 3) sử dụng “Dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn pháo phòng không 57mm”.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 214 (Quân khu 3) sử dụng “Dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn pháo phòng không 57mm”.

Giới thiệu về sáng kiến, Đại úy Nguyễn Văn Linh cho biết: Dụng cụ có 3 bộ phận chính: Thân trụ gồm hai đoạn sắt thẳng liên kết với nhau bằng gen xoáy; vòng sắt và hai chốt cố định; bộ phận ngàm tống. Khi đạn bị kẹt, cán bộ, chiến sĩ sẽ nối hai thân trụ với nhau rồi đưa vào trong nòng pháo. Sau đó lồng vòng sắt ra bên ngoài loa hãm lùi ở đầu nòng pháo rồi lấy hai chốt cố định xuyên qua lỗ thoát hơi ở loa hãm lùi để cố định vòng sắt. Lấy bộ phận ngàm tống liên kết với vòng sắt và thân trụ, sử dụng mỏ lết vặn ngàm tống theo chiều kim đồng hồ để đẩy thân trụ vào trong nòng pháo, thân trụ sẽ tống đạn ra ngoài.

“Dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn PPK 57mm” đưa vào sử dụng đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp dùng thông nòng tháo đạn bị kẹt trước đây. Đặc biệt, dụng cụ có thể tháo đạn bị kẹt chặt một cách dễ dàng mà không gây xước nòng pháo hay làm hư hỏng các bộ phận của khóa nòng. Dụng cụ này có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, chi phí sản xuất thấp nên được Lữ đoàn Phòng không 214 triển khai, phổ biến ở các đơn vị biên chế PPK 57mm. Sáng kiến đã đoạt giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dung-cu-ho-tro-thao-ket-dan-phao-phong-khong-57mm-802362
Zalo