Dùng biện pháp thuế để giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng gây nhiều thiệt hại về kinh tế, an ninh trật tự, môi trường. Do đó theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng các chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá.

Chia sẻ với báo chí sáng 21/11 tại Hội nghị về phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông được tổ chức ở Hà Nội, bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP năm 2022).

Theo bà Phan Thị Hải, từ năm 2008-2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần khá thấp, khoảng 5% và thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Theo đánh giá của các chuyên gia thì các lần tăng thuế kể trên là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Trước tình hình trên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với thuốc lá được cho là cần thiết. Biện pháp gia tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng nếu được triển khai càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.

Đồng quan điểm, nhấn mạnh về trò của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong phát triển kinh tế bền vững, Th.S Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tin rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá giúp định hướng giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp cải thiện sức khỏe (thể lực, trí lực) của người lao động.

Biện pháp này góp phần nâng cao năng suất lao động; giảm chi tiêu cho chi phí y tế của hộ gia đình, qua đó tạo điều kiện tăng chi tiêu cho giáo dục - đào tạo, tăng tiết kiệm để phục vụ hoạt động đầu tư - kinh doanh (của chính hộ gia đình hoặc đối với nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng - tài chính). Đồng thời, bổ sung nguồn lực để Chính phủ có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững (trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập)...

Th.S Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ tại Hội nghị

Th.S Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ tại Hội nghị

Theo ông Dương, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Bên cạnh các biện pháp thuế, Nhà nước cần rà soát, nâng cao hiệu quả truyền thông về yêu cầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Song với đó, cần tăng cường tham vấn các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong, ngoài nước về triển khai chính sách thuế đối với thuốc lá nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nói riêng gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Mới đây, Bộ Tài chính trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã hai phương án giữ thuế suất với thuốc lá 75% như hiện nay nhưng bổ sung thuế tuyệt đối tăng dần qua các năm lên 10.000 đồng một bao vào năm 2030. Cụ thể:

Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức thuế 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 đến 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: Năm 2026 khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hội nghị đề xuất mức thuế tuyệt đối cao hơn. Đó là, bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO được cho là sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam, nữ xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030. Các chuyên gia tin rằng, cách đánh thuế này cũng đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Như vậy, sử dụng mức thuế như trên sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ kinh tế được thiết kế để đánh vào các mặt hàng xa xỉ, các sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường, hoặc có tính chất cần hạn chế tiêu dùng. Thuốc lá gây hại cho sức khỏe của người dân nên hầu hết nước trên thế giới đều áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 178 nước được khảo sát, có 13 nước (chiếm 7%) không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia trên thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38.8% theo báo cáo của WHO năm 2023.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dung-bien-phap-thue-de-giam-ty-le-nguoi-su-dung-thuoc-la-158013.html
Zalo