Dùng AI kiểm soát giao thông?
Việc Quốc hội thông qua 6 dự án luật đã tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn để phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, việc ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông sẽ được Bộ Công an đẩy mạnh triển khai.
Nhiều quy định mới
Năm qua, có 6 dự án luật do Bộ Công an chủ trì tham mưu, soạn thảo và hoàn thiện được Quốc hội thông qua. Việc này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Việc Quốc hội thông qua các luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn để phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong đó, có một số luật khó, nhiều nội dung mới, thể hiện bước đột phá tư duy trong công tác lập pháp như: Luật Dữ liệu; Luật Trật tự ATGT đường bộ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Những nội dung mới góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Luật Trật tự ATGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 được người dân rất quan tâm, ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới của luật?
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy. Sau hơn 15 năm thực hiện, nhiều quy định bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Luật Trật tự ATGT đường bộ năm 2024 đã quy định nhiều nội dung mới, với mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.
Luật có một số quy định mới đáng chú ý như: Bổ sung các quy định đấu giá biển số xe, điểm và trừ điểm giấy phép lái xe; sửa đổi, bổ sung quy định về các hạng giấy phép lái xe; bổ sung quy định Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ; phân định rõ Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường bộ.
Luật cũng quy định cụ thể về hoạt động tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm; kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành…
Nâng cao ý thức, giảm thiểu tai nạn
Có thể thấy những quy định mới đề cập khá nhiều đến việc ứng dụng công nghệ vào quản lý con người và phương tiện. Việc này sẽ được triển khai ra sao, gồm những nội dung cụ thể nào?
Thời gian qua, Bộ Công an đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT như: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; kiểm tra, kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện thông qua căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử…
Bên cạnh đó, tạm giữ, tước quyền sử dụng các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng định danh quốc gia VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý; thực hiện đăng ký xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc trên VNeID…
Luật còn có nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Điển hình như cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT đường bộ; đấu giá biển số xe; điểm của giấy phép lái xe, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự ATGT; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; trung tâm chỉ huy giao thông…
Theo ông, sử dụng công nghệ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, xử phạt vi phạm giao thông… mang lại ý nghĩa ra sao?
Thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, cơ quan chức năng sẽ thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu, thông tin về tình hình trật tự ATGT trên các tuyến giao thông; cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người tham gia giao thông, phục vụ chỉ huy, điều khiển, điều hành hoạt động giao thông an toàn, thông suốt.
Khi người tham gia giao thông biết được quá trình tham gia giao thông của mình luôn được giám sát, họ sẽ tự giác nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Các thủ tục hành chính cũng sẽ được thực hiện và giải quyết trên môi trường điện tử, việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó, giảm bớt các giấy tờ, giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp.
Ưu tiên bảo mật thông tin cá nhân
Có ý kiến cho rằng, giao dịch trên môi trường điện tử có thể mang đến những rủi ro, nhất là bảo mật dữ liệu cá nhân. Vậy, vấn đề sẽ được giải quyết thế nào?
Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân.
Tại dự thảo có 1 chương quy định về biện pháp bảo đảm, bảo vệ dữ liệu cá nhân; 1 chương quy định về sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh dịch vụ và một số điều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện hơn các quy định.
Luật Trật tự ATGT đường bộ chưa đề cập đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện các hành vi vi phạm giao thông. Trong những văn bản hướng dẫn sắp tới, Ban soạn thảo có kế hoạch đưa nội dung này vào không?
Mặc dù luật chưa đề cập trực tiếp đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phát hiện vi phạm nhưng đã có quy định về thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.
Thời gian tới, căn cứ yêu cầu của thực tiễn, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các quy định về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách cụ thể.
Cảm ơn ông!
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 6 luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng gồm: Luật Trật tự ATGT đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu.
Ngoài ra, Quốc hội cũng thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đồng chủ trì xây dựng.
Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Điều 25, 29 Luật Công an nhân dân).