Đức trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 nóng nhất ở châu Âu

Với hơn 50.000 ca mắc COVID-19 ngày 11/11 cùng với tỷ lệ lây nhiễm trong tuần là 249,1 ca trên 100.000 dân, Đức đã trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 nóng nhất ở châu Âu.

Trang mạng worldometer.info cập nhật đến 6 giờ sáng 12/11 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 252,5 triệu ca, trong đó trên 5,09 triệu ca tử vong.

Điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP

Ba quốc gia có số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (50.133 ca), Anh (42.408 ca) và Nga (40.759 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.237 ca), Ukraine (652 ca) và Mỹ (511 ca).

Như vậy, trừ Mỹ, các quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trong 24 giờ qua đều nằm ở châu Âu - tâm dịch COVID-19 của thế giới hiện nay. Tới nay, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng trên 67,3 triệu ca mắc, trong đó trên 1,34 triệu ca tử vong.

Tại Đức, theo số liệu do Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 11/11, trong 24 giờ qua Đức ghi nhận 50.196 ca mắc mới và 235 ca tử vong, chênh lệch chút ít so với thống kê của worldometer.info. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại Đức vượt 50.000 ca. Với những số liệu cập nhật này, Đức đã vượt Nga và trở thành điểm lây nhiễm COVID-19 nóng nhất ở châu Âu. Số ca tử vong cũng tăng thêm 221 ca. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Đức đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là 249,1 ca nhiễm mới trên 100.000 dân.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Đức có tổng cộng hơn 4,9 triệu dân đã tiêm phòng COVID-19. Tính đến 6h ngày 12/11 (giờ Việt Nam), Đức có tổng cộng 4,9 triệu ca nhiễm và trên 97.800 ca tử vong do COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 tại Đức tăng mạnh trong vài ngày gần đây khiến một số khu vực bị ảnh hưởng nặng như Saxony, Bavaria và gần đây là thủ đô Berlin đã bắt đầu áp đặt một số biện pháp hạn chế mới đối với người chưa tiêm vaccine. Từ ngày 8/11, Berlin không cho phép người chưa tiêm vaccine COVID-19 được lui tới nhà hàng, quán bar, phòng gym, hiệu cắt tóc.

Ngày 11/11, trong bài phát biểu trước Hạ viện về các đề xuất biện pháp mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết Đức cần siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và vượt qua dịch bệnh vào mùa Đông này.

Các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 10 vừa qua. Nguyên nhân được cho là do tỷ lệ tiêm phòng ở Đức còn thấp, chỉ hơn 67%. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Bộ trưởng Scholz nhận định cần phải mở lại các trung tâm vaccine trên cả nước và khuyến khích người dân đi tiêm phòng. Trong số các biện pháp được đề xuất còn có siết chặt các quy định xét nghiệm đối với các chủ lao động và áp dụng trở lại các biện pháp xét nghiệm kháng thể.

Tại một số khu vực của Đức, đặc biệt là miền Đông nước này, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải, bắt đầu chuyển bớt bệnh nhân sang những vùng ít ảnh hưởng hơn. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định quốc gia này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới từ những người chưa tiêm phòng, đồng thời hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường, kể cả khi họ đã tiêm đủ liều.

Tại Hà Lan, nhằm kêu gọi chính phủ có biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, các chuyên gia đã khuyến nghị áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại quốc gia Tây Âu này.

Dự kiến chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp mới vào ngày 12/11 sau khi nhận được khuyến nghị của các chuyên gia trong Nhóm Quản lý dịch bệnh. Trong số các biện pháp được cân nhắc lần này có việc hủy các sự kiện, đóng cửa nhà hát và rạp chiếu phim, điều chỉnh thời gian đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê. Các trường học vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Sau khi triển khai tiêm phòng rộng rãi, nhiều quốc gia phát triển đã không xem xét phương án phong tỏa dù số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trở lại. Một số quốc gia như Anh quyết định tiêm mũi tăng cường cho người dân, tránh để hệ thống y tế bị quá tải trong mùa Đông này. Cho đến nay, Hà Lan mới chỉ tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch yếu. Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng đối với người trưởng thành ở Hà Lan là 85%, song nhiều bệnh viện nước này đã buộc phải thu hẹp quy mô khám chữa bệnh thông thường để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuần trước, Hà Lan đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và mở rộng danh sách các địa điểm cần phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính mới được tiếp cận. Tính đến ngày 11/11, Hà Lan có tổng cộng 2,25 triệu ca nhiễm và trên 18.600 ca tử vong do COVID-19.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duc-tro-thanh-diem-lay-nhiem-covid-19-nong-nhat-o-chau-au-post166377.html
Zalo