Đức 'tiến thoái lưỡng nan' trước áp lực ngừng nhập khẩu năng lượng Nga
Đức đang rơi vào tình thế khó xử khi vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các đồng minh châu Âu vì do dự cắt đứt quan hệ kinh doanh với Nga, trong khi nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Moscow.
Thế khó xử của Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chính phủ của ông sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên và dầu trị giá hàng tỷ USD từ Nga mỗi tuần trong tương lai gần để giữ cho các công ty và nhà máy sản xuất ô tô hoạt động hết công suất.
“Chúng tôi đang theo đuổi một chiến lược giúp Đức độc lập với khí đốt, than và dầu của Nga, nhưng không phải là ngay bây giờ”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng Liên minh châu Âu (EU) chưa thể dừng nhập khẩu khí đốt Nga vì động thái này sẽ gây tổn hại không chỉ cho riêng Moscow.
“Rõ ràng là chúng ta phải dừng mọi quan hệ kinh tế với Nga càng nhanh càng tốt. Chúng ta phải lên kế hoạch trừng phạt cứng rắn, nhưng nguồn cung khí đốt không thể thay thế trong thời gian ngắn. Chúng ta sẽ tự gây tổn hại cho mình nhiều hơn là cho họ”, ông Lindner nói hôm 4/4.
Quan chức Đức khẳng định việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga “phải cần thời gian”. Ông Lindner cho rằng thay vì lệnh cấm với tất cả nguồn năng lượng từ Nga, EU có thể xem xét áp lệnh cấm với từng mặt hàng như dầu, than và khí đốt.
“Lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên của Nga ngay lập tức sẽ là một bước đi sai lầm”, Lars Klingbeil, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, nói.
Theo LA Times, Đức phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga cho 50% nhu cầu năng lượng của nước này.
Ngoài những lời chỉ trích từ Mỹ và Ukraine, một số nước trong những ngày gần đây, bao gồm Ba Lan, đã chỉ trích Đức vì không chia sẻ gánh nặng kinh tế.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Welt Sunday của Đức, Jaroslaw Kaczynski, người đứng đầu đảng Luật pháp và Công lý của Ba Lan, đã yêu cầu Đức ngừng mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
“Bạn không thể liên tục hỗ trợ một cường quốc như Nga với hàng tỷ USD từ việc mua năng lượng. Điều này là không thể chấp nhận được trên quan điểm chính trị và đạo đức. Điều này cần phải chấm dứt. Đức nên có lập trường rõ ràng về vấn đề này”, ông Kaczynski nói.
Hôm 4/4, Đức cho biết phương Tây đang thảo luận và thống nhất áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong những ngày tới, sau khi Ukraine cáo buộc Nga thảm sát dân thường ở thành phố Bucha, bất chấp việc Moscow bác bỏ, cho rằng Kiev dàn dựng sự việc.
Ngày 3/4, Litva thông báo đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Ba Lan và Slovakia, cùng với một số nước khác, kêu gọi có những hành động nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp của Đức giải thích rằng họ không thể ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga cho đến cuối năm 2022, do lệnh cấm vận có nguy cơ đẩy nền kinh tế của nước này vào suy thoái.
Đức không thể ngay lập tức cấm vận năng lượng Nga
Vào đầu tháng 3, Mỹ đã ngừng tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong khi chính phủ Thủ tướng Scholz nói rằng họ không thể ngay lập tức cắt giảm dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, các đảng khác ở Đức lại có những phản ứng trái ngược.
“Chúng ta phải ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Chúng ta phải xem xét lại mức độ có thể tự giải quyết được về thiệt hại kinh tế”, chính trị gia Marieluise Beck phát biểu trước các nhà lãnh đạo đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội.
Những thành viên khác trong đảng Xanh cũng kêu gọi một lệnh cấm vận ngay lập tức đối với năng lượng Nga.
Trước đây, chính phủ Đức đã thông qua một thỏa thuận kinh doanh với Nga vào năm 2015, một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu của Nga thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào năm 2021.
Tuy nhiên, vào tháng 2, Đức cho biết quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị tạm dừng. Thủ tướng Olaf Scholz chia sẻ rằng chính phủ nước này có động thái như vậy với Dòng chảy Phương Bắc 2 nhằm phản ứng trước các diễn biến liên quan đến Nga và Ukraine.
“Đối với toàn thế giới và đặc biệt là Đức, cần có một thông điệp rõ ràng. Chúng tôi cần một lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga”, Vitali Klitschko, thị trưởng thủ đô Kiev, nói hôm 4/4.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Đức tuần trước, Thủ tướng Scholz nói lệnh cấm vận ngay lập tức đối với khí đốt Nga sẽ chỉ làm chậm lại chứ không làm tê liệt nền kinh tế Đức.
Ông Scholz lưu ý rằng số lượng lớn việc làm tại Đức đang bị đe dọa. “Nếu chúng tôi đột ngột ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, điều đó có nghĩa là toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp sẽ phải đóng cửa”, ông Scholz nói.
Thay vì cấm khí đốt của Nga, các nhà lãnh đạo chính phủ Đức đang cân nhắc các kế hoạch để tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như đưa ra giới hạn tốc độ tối đa trên đường cao tốc, kéo dài thời gian sử dụng 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng dự kiến ngừng hoạt động trong năm nay, và tăng cường sử dụng các nhà máy nhiệt điện đốt than./.