Đức Phật thọ ký trong kinh Pháp hoa

Có ba trường hợp Đức Phật thọ ký. Trước hết, Đức Phật thọ ký cho các Bồ-tát, vì Bồ-tát mới thành Phật được. Còn hàng Thanh văn trở xuống hướng về Niết-bàn, đi vào thế giới tịch diệt, không cứu nhân độ thế, không thành Phật được.

Ở trong thế giới Phật có chúng Bồ-tát, nhưng hàng Thanh văn không cứu nhân độ thế thì đâu có chúng. Có một mình thôi thì không thành Phật được. Vì muốn làm được việc lớn phải có nhiều người tốt và giỏi mới làm Phật được.

Vì vậy, đầu tiên, Phật chỉ thọ ký cho Bồ-tát Di Lặc làm Phật. Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều ghi nhận sau Đức Phật Thích Ca, Bồ-tát Di Lặc sẽ hiện thân trên cuộc đời này làm Phật. Nam truyền Phật giáo đã công nhận Bồ-tát Di Lặc, tức công nhận có Bồ-tát và Đức Phật Thích Ca cũng là Bồ-tát sanh lại thế gian để làm Phật. Như vậy, Di Lặc được Phật thọ ký làm Phật, không có ai thắc mắc. Cả Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo đều thống nhất điều này.

Nhưng điều thứ hai, kinh Pháp hoa nói Nhị thừa tác Phật là hàng Nhị thừa thành Phật làm nhiều người thắc mắc. Nhị thừa là hàng Thanh văn và Duyên giác, phần nhiều tu hạnh viễn ly, hướng về Niết-bàn, không muốn dính líu đến cuộc đời này nữa, thì không hành Bồ-tát đạo, cho nên không thành Phật được.

Nhưng trong kinh Nguyên thủy, Phật có dạy những người tu hạnh Thanh văn chưa đắc quả La-hán, nên hạn chế quan hệ với cuộc đời, vì họ còn nhiễm ô, đi vào cuộc đời sẽ bị cuộc đời làm ô nhiễm. Và mang thân tứ đại, Phật ví như mình có hạt ngọc rớt xuống bùn, tức thân tứ đại ngũ uẩn là bùn rồi, chung quanh mình toàn là ác nghiệp, nên khi va chạm với cuộc đời, dễ bị cuộc đời làm ô nhiễm. Vì vậy, mới phát tâm Bồ-đề là cây sen mọc lên, nhưng không biết nuôi nó thì nó sẽ tàn lụi. Cây sen vốn là bùn, nên chết rồi, cũng trở về với bùn, nói cách khác là đi vào sanh tử luân hồi. Chính vì thế, Phật nói chưa đắc quả La-hán không nên hành Bồ-tát đạo.

Nhưng đắc La-hán, ra khỏi sanh tử luân hồi thì nên cứu nhân độ thế. Điều này kinh Nguyên thủy cũng có dạy. Tuy nhiên, qua kinh Pháp hoa, Phật nói rõ hơn cho chúng ta thấy ở giai đoạn hai, các vị đã đắc La-hán, nên phát Bồ-đề tâm, nên độ chúng sanh, mới thành Phật trong tương lai. Và đặc biệt hơn nữa, qua kinh Pháp hoa, Phật nói tất cả các vị La-hán này được Đức Phật bảo chứng là Phật thọ ký rằng những vị La-hán sau này tu hành Bồ-tát đạo đều thành Phật.

Từ ý này, ngài Trí Giả đại sư chia ra bốn hạng Thanh văn. Hạng thứ nhất là Đa văn Thanh văn, hay Tăng thượng mạn Thanh văn chỉ học rộng nghe nhiều, bằng cấp dán đầy người, nhưng chỉ nói thôi, không thực tập tu chứng. Căn bản nhất là thiền Tứ niệm xứ, họ phân tích giỏi, nhưng họ có an trụ pháp Không chưa, có giải thoát không? Các Phật tử phát tâm tu cầu giải thoát nên tránh xa hạng tăng thượng mạn này.

Hạng thứ hai là Thú tịch Thanh văn tu hành chỉ hướng tâm về Niết-bàn, không nghĩ gì khác. Hàng Thanh văn này cũng đáng kính trọng. Họ thực tập thiền Tứ niệm xứ, trước tiên họ chứng được Tu-đà-hoàn là quả ly sanh không bị cuộc đời này chi phối nữa, nên họ ăn gì cũng được, ăn một bữa, mặc đồ thô xấu, ở dưới gốc cây, hay ở chỗ nào cũng được. Hạng này ta có thể tin và theo, vì họ đang thực tập thiền Tứ niệm xứ để ra khỏi sanh tử, họ không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc thiên nhiên đói khát, nóng lạnh. Tu như vậy, mình biết họ tu thực.

Tôi có gặp người tu thực, đi khất thực không có gì ăn, họ uống nước, ngồi thiền, chủ yếu họ sống với thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Họ chỉ làm hai việc là ngồi thiền và trì kinh. Họ có thế giới riêng để sống, không quan tâm đến cuộc đời này, ai khen chê gì họ không bận tâm. Họ không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc ăn, mặc, ở, chỉ lo tìm con người thực của họ và sau khi chết về đâu, cho nên họ nỗ lực tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc. Và thực hiện được Tứ như ý túc thì tu hành an ổn.

Bây giờ mình chưa đạt được quả này, muốn vào định nhưng không định được, muốn tập trung nhưng tâm mình tán loạn. Người đạt được Tứ như ý túc, muốn vào định là định liền, muốn tập trung là tập trung ngay. Chánh niệm và chánh định đối với họ rất dễ dàng. Muốn thấy Phật, họ thấy, muốn về Phật, họ về được. Đạt đến viên mãn pháp Tứ như ý túc là an toàn, bảo đảm chỉ còn một kiếp cuối cùng nữa, họ sẽ đắc quả La-hán, đó là sở tu sở chứng của hàng Thú tịch Thanh văn.

Đắc quả La-hán là có đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, họ hiện thân trên cuộc đời này sống không giống những người thế gian. Thứ nhất, họ có chánh kiến, biết mọi việc trên cuộc đời, nhưng không nói. Ta cần tìm những bậc thầy, hay những người bạn như vậy để gần gũi, tu hành.

Thuở nhỏ, tôi làm thị giả Hòa thượng Thiện Hoa. Ở Phật học đường Nam Việt, tôi được phân công dọn dẹp nhà vệ sinh là chỗ mà ai cũng sợ, cũng ngại, nhưng tôi vui vẻ làm và cũng ngộ được việc làm của mình rằng đây là công đức lớn mà đại chúng nhường cho mình. Nếu là người hơn thua phải trái thì nghĩ rằng họ đùn đẩy cho mình việc không tốt nên phiền não nổi dậy. Nhưng ngược lại, tôi coi đây là việc tốt nhất.

Từ đó, tôi ngộ được ý nghĩa cùng tử trong phẩm Tín giải là quét dọn phân nhơ bên ngoài cũng là quét dọn phân nhơ trong lòng của mình, khi bên ngoài sạch thì bên trong mình cũng sạch theo. Thực tế khi quý vị vào nhà vệ sinh dơ bẩn quá khiến tâm bực bội, khó chịu. Nhưng bước vào nhà vệ sinh sạch sẽ làm mình cảm thấy dễ chịu. Nói cách khác, tôi dọn phiền não của mình hết và làm cho phiền não của người xung quanh cũng hết, tức ai vô nhà vệ sinh cũng thấy sạch sẽ, mát mẻ. Hòa thượng Đốc giáo nhận thấy tôi vui vẻ siêng năng làm việc mà người khác ngán sợ, ngài nói con không cần làm việc này nữa, con lên làm thị giả cho thầy!

Tu hành điều này quan trọng, thầy hiểu được mình và mình cũng hiểu thầy, thì thầy trò mới gặp được nhau. Nếu thầy nghĩ một đường, mình nghĩ một nẻo là hỏng thì không thể theo được, không thể học được, không thể dạy được. Thầy trò không hiểu nhau, khi thầy cần, thầy đi kiếm mình hết hơi không thấy, nhưng lúc mình ra trước cửa phòng thầy để chờ, thì thầy không sai. Tôi thấy ông thị giả thật tội nghiệp, ngồi chờ trước phòng thầy đến ngủ gật, tôi mới bảo ông đi ngủ, nhưng mới đi ngủ là ông thầy đi kiếm! Đó là thầy trò không gặp nhau.

Tôi học với Hòa thượng Thiện Hoa không nhiều như người khác, nhưng tôi học được những tánh tốt của ngài, nên sau này tôi kế nghiệp ngài được. Tôi học được Hòa thượng là nên giấu cái tài của mình, kỵ nhất là khoe khoang. Những người không giỏi mà thích cho người biết mình giỏi là chết sớm vì thực chất không có.

Tu hành điều này quan trọng, thầy hiểu được mình và mình cũng hiểu thầy, thì thầy trò mới gặp được nhau. Nếu thầy nghĩ một đường, mình nghĩ một nẻo là hỏng thì không thể theo được, không thể học được, không thể dạy được. Thầy trò không hiểu nhau, khi thầy cần, thầy đi kiếm mình hết hơi không thấy, nhưng lúc mình ra trước cửa phòng thầy để chờ, thì thầy không sai. Tôi thấy ông thị giả thật tội nghiệp, ngồi chờ trước phòng thầy đến ngủ gật, tôi mới bảo ông đi ngủ, nhưng mới đi ngủ là ông thầy đi kiếm! Đó là thầy trò không gặp nhau.

Các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa lạy Phật, lấy ngón cái của tay trái đậy lên ngón cái của tay phải là giấu hiểu biết của mình, giấu cái tài của mình, cho tới lúc sử dụng được thì mình sử dụng. Đừng cho người ta biết để họ không chặn phá mình được.

Hòa thượng tâm sự với tôi rằng hồi nhỏ, ngài học ở Phật học Lưỡng Xuyên, rồi ra Huế học, các thầy là bạn của Hòa thượng cứ chê Hòa thượng là người chậm hiểu. Thầy giảng xong, Hòa thượng tìm các thầy lớn hơn hỏi để xem họ hiểu bài giảng như thế nào. Đây là cách Hòa thượng tìm bạn tri thức, học ở bạn để tích lũy thêm hiểu biết. Nhưng mọi người nghĩ Hòa thượng không biết gì, ngài dở quá, cái gì cũng hỏi, nên họ không quan tâm đến Hòa thượng.

Thực sự Hòa thượng giấu cái tài của mình, ngài học rất nhiều, biết rất nhiều, nhưng không cho người ta biết cái biết của ngài, nên sau này Hòa thượng lãnh đạo thành công. Thật vậy, từ làm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, lên Trưởng ban Hoằng pháp, rồi lên Trưởng ban Giáo dục, sau này ngài đảm trách Phật sự cao nhất là Viện trưởng Viện Hóa đạo. Nhiều người nghĩ Hòa thượng hiền lành, nhưng sao ngài cứ lãnh đạo và lãnh đạo!

Tôi học được với Hòa thượng rằng đừng để người ta biết cái biết của mình, vì họ biết, sau này mình làm việc, họ chặn hết, thì sao làm. Mình chưa làm mà họ biết rồi, coi như hỏng. Còn bây giờ mình sắp làm, sẽ làm, họ cứ theo dõi, chờ coi mình làm cái gì, nhưng mình làm xong, họ mới biết thì việc của mình cũng làm xong rồi.

Tu hành cố gắng luyện tập cho chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, thậm chí chứng quả La-hán. Đắc La-hán là biết hết, làm được hết, nhưng không nói, chờ tới việc rồi làm. Điều này, Phật dạy A-la-hán là biết rồi nhưng có nên nói hay không và nói ra có lợi hay có hại. Nói đúng nhưng có hại cũng không nên nói. Và Phật dạy thêm rằng nói với ai mà có lợi thì chờ tìm gặp người đó mới nói, nhưng cũng phải chờ đúng lúc mới nói. Đức Phật giáo hóa độ sanh luôn thành công là vậy.

Tất cả mọi việc trên cuộc đời, Đức Phật biết rồi, vấn đề trị nước an dân, Đức Phật biết rất rõ. Nhiều người nghĩ tu là không biết gì, nghĩ vậy hoàn toàn sai lầm. Biết rõ rồi, nhưng biết có nên nói không, nói lúc nào và nói với ai. Vì vậy, khi Đức Phật thành đạo, Ngài không hề nói việc này cho thiên hạ nghe. Khi Đức Phật về thành Vương xá, gặp vua Tần Bà Sa La, bấy giờ, Ngài mới nói việc trị nước an bang cho vua nghe. Đây là ông vua mới làm được việc này, ông vua mới nên làm việc này. Nói cho vua việc này mới có lợi, nói cho người khác không có lợi đâu. Cho nên nói đúng người, đúng chỗ, đúng lúc để họ làm được việc lợi lạc cho nhiều người thì họ thành công. Không phải biết rồi nói liền. Một số Phật tử biết rồi, nhưng giữ trong lòng không được, phải đi tìm người nói, để cuối cùng trở thành nhiều chuyện.

Phật nói khi trở thành một vị La-hán trọn lành, không còn lỗi lầm gì, một con người biết được tất cả, làm được tất cả thì tại sao không làm. Cho nên đắc La-hán rồi, không nên thú tịch nữa. Hồi nãy anh chưa đắc quả, chưa giải thoát thì không thể độ sanh. Nhưng bây giờ anh được giải thoát rồi, không còn lệ thuộc cuộc đời, không ai gây trở ngại, khó khăn cho anh được, tại sao anh không làm việc công đức để anh được làm Phật. Vì vậy, đối với hàng Thú tịch Thanh văn thiệt, Đức Phật khuyên nên hành Bồ-tát đạo. Còn người đắc quả giả thì bỏ, nên trong bốn hạng Thanh văn, loại bỏ hạng thứ nhất là tăng thượng mạn, hàng Thanh văn thứ hai đắc Thánh quả, hoàn toàn trong sạch, chỉ cần khuyến khích họ làm.

Hàng thứ ba là Thoái chuyển Thanh văn, họ từng tu Bồ-tát đạo, nhưng ra làm việc, gặp nhiều khó khăn quá, nhiều thử thách lớn nên họ thối tâm, họ thụt lùi thì Phật mới khuyến khích họ. Lúc trước, anh làm việc này việc nọ mà bị phá hại, nhưng chính thất bại đó là bài học để lần sau anh làm tốt hơn. Thật vậy, có đụng chạm, có thất bại, có đắng cay mới hiểu rõ cuộc đời, để cuối cùng cuộc đời không làm gì được mình, nhưng mình cứu được cuộc đời. Từ đó, Phật khuyên người thoái chuyển tiếp tục làm việc độ sanh.

Trong phẩm Hóa thành, Phật ví rằng khi làm đạo mà cực khổ quá, chịu không nổi, nên tạm nghỉ trong Niết-bàn được yên ổn, không làm gì nữa và sau khi nghỉ ngơi khỏe rồi, tiếp tục đi tới, vì chỉ còn hai trăm do tuần đường hiểm nữa, nên tiếp tục tu để thành Phật. Vì vậy, quả Niết-bàn của Thanh văn chứng là mới qua được nửa đường sanh tử. Chỗ này chỉ ở tạm thôi, nên Phật khuyến khích đi lên.

Hàng Thanh văn thứ tư quan trọng nhất gọi là Thị hiện Thanh văn. Các ngài là Bồ-tát lớn, hay là Phật hiện lại, nên gọi là thị hiện, các ngài không phải là Thanh văn. Điển hình như Đức Phật Thích Ca đã là Phật, nhưng Ngài vì thương nhân gian mà hiện thân lại trên cuộc đời này, sau đó Ngài cũng đi xuất gia, cũng ôm bình bát đi xin ăn như các thầy khác. Tuy hình thức bên ngoài, Phật khoác áo thầy tu, nhưng thực sự Đức Phật đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Ngài mang thân người để cứu đời, nên Ngài hoàn toàn khác các Thanh văn khác. Kinh Pháp hoa, phẩm Pháp sư mới nói ý này.

Còn các Phật tử mới tụng vài bộ kinh Pháp hoa mà nói mình là hành giả Pháp hoa, đó là sai lầm. Tôi gặp một người nói rằng ông ta đã tụng một trăm bộ kinh Pháp hoa, ai dám đụng tới ông là chết!

Người trì kinh Pháp hoa, hay hành giả Pháp hoa thì thân của họ trong sạch như hoa sen. Hoa sen mọc từ bùn, nhưng hoa sen không dính bùn, không hôi tanh mùi bùn, đổ nước lên hoa sen, nước rớt xuống, không dính trên hoa sen được. Cho nên ví người trì kinh Pháp hoa thân phải như hoa sen, tức mọi việc trên cuộc đời này không dính vô mình được, không ai đem cái xấu đổ lên cho mình được. Phật nói người xấu hại người tốt giống như ngược gió tung bụi, bụi sẽ bay ngược về người tung ra, làm sao tới được người tốt.

Vì thế, người thành Vô thượng Chánh đẳng giác rồi, họ sanh trên cuộc đời để cứu nhân độ thế, họ không vướng bận gì hết, họ là hoa sen. Thứ hai là tâm họ trong sáng như viên ngọc quý, tức họ biết rõ tất cả mọi việc trên cuộc đời, không có gì mà họ không biết. Họ nhìn mình, biết từ gốc tới ngọn, biết đời trước mình làm gì, những kiếp nào mình làm trời, những kiếp nào mình làm quỷ, những kiếp nào mình làm thú, họ biết rõ, nên không ai gạt được họ thì đó mới là người trì kinh Pháp hoa. Còn mình nhìn người chưa biết rõ những điều này, nên mình còn mắc sai lầm thì chưa phải là người trì kinh Pháp hoa.

Phật có hiểu biết chính xác, trọn vẹn tất cả mọi việc trên cuộc đời, Ngài đã thành Phật, vì thương nhân gian mà sanh lại, nên Phật mới thọ ký được.

Đức Phật gọi Dược Vương Bồ-tát bảo rằng tất cả đại chúng ở đây là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ-tát, hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ta đều thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Cho nên mình được hưởng câu này.

Hồi nãy, Phật thọ ký cho Bồ-tát, cao quá, mình không tới được. Phật thọ ký cho các vị A-la-hán, mình cũng không tới được. Bây giờ, tới điều cuối cùng, mình có niềm tin ở Đức Phật, hết lòng với Đức Phật thì Đức Phật bảo hộ mình.

Hành Bồ-tát đạo rất khó khăn, rất nguy hiểm. Có nhiều lúc, tôi nghĩ mình làm việc này, hết lòng với Phật, thì mình chết, mình về Phật. Vì tâm mình nghĩ tới Phật, có nghĩ đến thế giới này đâu, với tôi chết sớm chết muộn gì cũng chết và tất cả mọi thứ đều phải bỏ. Vì thế, mình phải làm cái gì đó để lợi ích cho người, trước khi mình từ giã cuộc đời ra đi.

Trên bước đường tu, điều quan trọng nhất tôi nói là tâm giao, thầy trò hiểu được nhau, Phật hiểu mình và mình cũng hiểu được Phật, Nhờ vậy, mình được Phật bảo hộ. Tu hành, tôi rất tâm đắc pháp này. Phật hiểu tôi, tôi hiểu Phật là đủ rồi. Phật hiểu tôi muốn làm gì, tôi sẽ làm gì để Ngài gia bị cho tôi làm. Điều này vô cùng cần thiết với người tu Pháp hoa.

Phật hiểu cho nên Phật thọ ký, nhờ vậy mình có thể làm được những việc khó làm, những việc tưởng như không làm được mà làm được. Khi tôi xin Việt Nam Quốc Tự, các thầy nói làm gì mà xin được. Các thầy này không hiểu, nhưng Phật hiểu tôi. Xin Việt Nam Quốc Tự và xây Việt Nam Quốc Tự không phải xây cho tôi, nhưng cho Phật giáo. Với tâm nguyện đó, nên Phật hộ niệm khiến cho việc này thành tựu nhẹ nhàng.

Mình tin Phật, hiểu Phật và Phật cũng hiểu mình, nên Phật hộ niệm mình, che chở mình, giúp mình thoát được tất cả hiểm nạn, kinh bảo là Phật lấy y trùm cho mình sống còn trên đường đạo. Thật vậy, hành Bồ-tát đạo rất khó khăn, rất nguy hiểm. Có nhiều lúc, tôi nghĩ mình làm việc này, hết lòng với Phật, thì mình chết, mình về Phật. Vì tâm mình nghĩ tới Phật, có nghĩ đến thế giới này đâu, với tôi chết sớm chết muộn gì cũng chết và tất cả mọi thứ đều phải bỏ. Vì thế, mình phải làm cái gì đó để lợi ích cho người, trước khi mình từ giã cuộc đời ra đi.

Một niệm tùy hỷ với kinh Pháp hoa là gì? Nhiều khi tu cả đời, nhưng chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình mình, đến quyền lợi mình thì coi như không có gì, một niệm cũng chưa có. Một niệm này là hết lòng nghĩ tới Phật ở thế giới Thật báo trang nghiêm Tịnh độ. Đức Phật trải qua vô số kiếp hành Bồ-tát đạo mới tích lũy được vô lượng phước đức và trí tuệ viên mãn, Ngài mới tạo thành thế giới thanh tịnh tuyệt đối, bất tử này.

Thực tế như tôi là Hòa thượng đang ngồi đây thuyết pháp, nhưng bảy mươi năm trước, tôi tu hành gian nan lắm là cao nguyên đào giếng, tôi đi hết chùa này đến chỗ kia, hết nước này đến nước nọ, làm hết việc này đến việc khác, cực lắm, nhưng có cái cực này mới có hôm nay. Nếu không chịu cực khổ thì mấy chục năm trước, các bạn tu với tôi nửa đường đã bỏ cuộc, không đi tới cuối được. Điều này rất cần, người có chí lớn càng khó, càng khổ, càng nỗ lực tu. Người thấp hèn, khó thì bỏ cuộc. Tôi thấy điều này rất rõ.

Phải nhớ mình ở tạm trên cuộc đời này thôi, có một đêm dài sanh tử này thôi. Chấm dứt nó là mình sẽ trở về cái của mình. Chỗ này Phật thọ ký. Nhớ là mình có một niệm tâm với Đức Phật, mình hết lòng với Đức Phật thì chết, mình được Phật tiếp độ về thế giới Phật. Hãy yên tâm điều này.

Tuy nhiên, mình có một niệm tâm đó rồi, ở trên cuộc đời này tu rất vất vả, gian nan lắm, nên Phật mới nói thêm rằng, ví như đào giếng ở trên cao nguyên để lấy nước uống. Tu hành phải khó khăn giống như vậy. Ở trên cao nguyên đào giếng rất khổ công, mới đào chỉ thấy đất khô, không thấy nước. Và qua được lớp đất khô là qua lớp trần ai nghiệp chướng, không đơn giản.

Thực tế như tôi là Hòa thượng đang ngồi đây thuyết pháp, nhưng bảy mươi năm trước, tôi tu hành gian nan lắm là cao nguyên đào giếng, tôi đi hết chùa này đến chỗ kia, hết nước này đến nước nọ, làm hết việc này đến việc khác, cực lắm, nhưng có cái cực này mới có hôm nay. Nếu không chịu cực khổ thì mấy chục năm trước, các bạn tu với tôi nửa đường đã bỏ cuộc, không đi tới cuối được. Điều này rất cần, người có chí lớn càng khó, càng khổ, càng nỗ lực tu. Người thấp hèn, khó thì bỏ cuộc. Tôi thấy điều này rất rõ.

Càng gian nan mình càng quyết tâm, mới thấy Đức Phật hộ niệm cho mình. Thật vậy, khi gian nan mà không được Phật hộ niệm, mình tu không được, nhưng gian nan mà mình nỗ lực, Phật mới hộ niệm. Chính tôi nhiều lúc gặp khó khăn, nguy hiểm vô cùng liền có người cứu. Ai cứu? Phật khiến các vị Bồ-tát hiện ra cứu mình. Đó là cao nguyên đào giếng, quý vị nhớ đào xuống lần lần, hễ thấy đất khô thì biết cách nước còn xa, ráng đào nữa cho đến đất ướt, đất bùn, thì biết sắp gần tới nước. Mình ra công tu cho đến lúc được Phật hộ niệm cho mình, được Bồ-tát trợ lực thì bấy giờ thấy dễ. Còn mới tu thì cực lắm, nhưng sau này mình làm chơi chơi, mà kết quả lại tốt. Trong khi trước kia làm chết xác mà không được gì. Hai việc này hoàn toàn khác nhau, vì mình đã tới đất ướt, đất bùn là đã tới bờ mé của các Đức Phật, của các vị Bồ-tát, mình mới được hưởng những cái mát mẻ này. Có thể nói việc tu hành, ban đầu cực khổ, nhưng càng tu, mình thấy càng dễ lần, cho đến cuối cuộc đời, mình thấy nhẹ nhàng, không khổ nữa, không bận tâm gì hết, thì tốt.

Ngược lại, quý vị mới tu thấy dễ, nhưng càng tu, khi tuổi càng lớn, sức khỏe càng kém, công việc càng khó thì như vậy đọa, sai rồi. Riêng tôi thấy tu hành thuở nhỏ khó, nhưng lần lớn lên dễ, bây giờ không còn gì bận tâm coi như xong chuyện rồi. Chỉ cần chờ khi nào Phật bảo thôi, về con, xong rồi đó, thì nhắm mắt về Phật.

Khi tôi ra thăm Đức Đệ tam Pháp chủ, ngài 103 tuổi. Tôi hỏi bao giờ Hòa thượng về Phật. Hòa thượng cười nói khi nào Phật gọi thì ta về, Phật chưa gọi sao về được. Cho nên đang ở giai đoạn chờ thì nhiếp tâm niệm Phật, trong lòng chỉ nghĩ tới Phật, tới kinh, chờ Phật gọi thì về, là đến đất ướt, đất bùn. Tu đạo Bồ-tát cũng lại như thế, càng tu càng vượt qua khó khăn đến cuối đời mình được thanh thản, tự tại.

Phật nói thêm rằng hàng Bồ-tát nghe kinh Pháp hoa còn kinh nghi, sợ sệt là Bồ-tát sơ tâm, Bồ-tát quyền thừa, Bồ-tát mới phát tâm. Còn Thanh văn nghe kinh này mà kinh nghi là tăng thượng mạn, học nhiều nhưng không tu, không chứng, chỉ là người mù trước chân lý không thể thấy Đức Phật bên trong Sa-môn Cù Đàm. Thấy Đức Phật bên trong Sa-môn Cù Đàm, nên mình theo học là theo Đức Phật này thì khi Sa-môn Cù Đàm tịch thì Đức Phật trở về thế giới của Ngài. Đây là thấy bằng trí tuệ mới gọi là sáng mắt. Sáng mắt rồi thấy tất cả mọi người, thấy trong lòng họ biết gì, muốn gì, làm được gì, thì tùy theo đó mình dạy là tu đúng, cho nên mình được Phật thọ ký.

Vì Phật nói sau khi Như Lai diệt độ, có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh Pháp hoa, Phật cũng thọ ký cho họ thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Mình sanh ở thời này là sau khi Phật vào Niết-bàn, nhưng mình còn tin kinh Pháp hoa, trì kinh Pháp hoa, lập hạnh theo kinh Pháp hoa mình tu, đương nhiên mình được Phật thọ ký. Tôi tin chắc như vậy. Các Phật tử ai tin như vậy cũng sẽ được Đức Phật thọ ký, thì sau kiếp này, mình có thể sanh vào thế giới của Đức Phật, Còn không, mình tái sanh lại cũng được Đức Phật hộ niệm, mình tiếp tục tu.

Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/duc-phat-tho-ky-trong-kinh-phap-hoa-post72686.html
Zalo