Đức kỷ niệm ngày giải phóng trại Đức Quốc xã Ravensbrueck
Ngày 4/5, trong một buổi lễ kỷ niệm 80 năm kể từ khi trại tập trung Ravensbrueck được giải phóng, những người sống sót sau thảm họa diệt chủng kêu gọi thế giới không quên những hành động tàn bạo do Đức Quốc xã gây ra.
Khoảng 1.200 người bao gồm 9 người sống sót của trại tập trung Ravensbruek, hiện đã ở độ tuổi 80 và 90, thân nhân của các cựu tù nhân và các quan chức cấp cao đã tham dự sự kiện kỷ niệm được tổ chức ở miền Bắc nước Đức.

Ravensbrueck là trại lớn nhất của Đức Quốc xã dành cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: AFP)
Lili Keller Rosenberg, một phụ nữ Pháp gốc Do Thái bị đưa vào trại năm 11 tuổi, nói rằng cô tin rằng sự sống sót của mình là "đặc biệt", và là một "sự trả thù lớn đối với Đức Quốc xã".
"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể sống lâu như vậy. Tôi đã nhìn thấy cái chết cận kề với mình vào năm 1943 khi tôi bị đưa tới đây", người đàn ông 93 tuổi, người đã trải qua hơn 1 năm tại Ravensbrueck trước khi được chuyển đến trại tập trung Bergen-Belsen, nói.
Những người sống sót sau thảm họa diệt chủng này quyết tâm tiếp tục kể lại những trải nghiệm của mình cho những người trẻ tuổi nhằm không để quá khứ lặp lại. Họ cho rằng, những người trẻ tuổi này phải chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chiến đấu chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Khoảng 130.000 người từ khắp châu Âu đã được gửi đến Ravensbrueck, trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã dành cho phụ nữ và trẻ em, ở phía Bắc Berlin. Một trại nhỏ ngay cạnh đó cũng được xây dựng cho các tù nhân nam.
Ngoài người Do Thái, những người bị giam giữ trong trại bao gồm các đối thủ chính trị, người Roma và những tên tội phạm bị kết án.
Khoảng 20.000 đến 30.000 người đã chết ở đó. Nhiều người chết do lao động cưỡng bức - các tù nhân phải làm việc từ 12 đến 14 giờ một ngày - cũng như trong phòng hơi ngạt và cuộc hành quân tử thần cuối cùng.
Ngày 30/4/1945, Hồng quân Liên Xô giải phóng Ravensbrueck, lúc đó chỉ còn lại khoảng 3.000 tù nhân bị bệnh.

Đức đã tổ chức một số buổi lễ trong năm nay để kỷ niệm 80 năm giải phóng các trại của Đức Quốc xã. (Ảnh: AFP)
Ingelore Prochnow, một người sinh ra ở Ravensbrueck, nói trong buổi lễ kỷ niệm hôm 4/5 rằng cô "không có ký ức về nỗi sợ hãi, đói khát hay cái lạnh" tại trại. "Tuy nhiên, tôi tin rằng tất cả những điều này đã để lại dấu ấn trên cơ thể và tâm hồn tôi", cô nói, trong tiếng vỗ tay của các vị khách.
Tại một buổi lễ hôm 3/5 để kỷ niệm ngày giải phóng trại tập trung Neuengamme ở Hamburg, Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo rằng "các nhà độc tài, cực đoan và dân túy trên khắp thế giới, bao gồm cả ở các nước của chúng ta, muốn tấn công và phá hủy châu Âu hòa bình và thống nhất này. Chúng ta không được cho phép điều này xảy ra".
Đức đã tổ chức một số buổi lễ trong năm nay để đánh dấu kỷ niệm 80 năm giải phóng các trại tập trung của Đức Quốc xã và các sự kiện lớn khác trước khi kết thúc Thế chiến II.