Ấn Độ bắt đầu chuyển hướng dòng chảy sông Ấn khỏi Pakistan

Trong một động thái quyết liệt nhằm trả đũa nước láng giềng, Ấn Độ đã bắt đầu chặn dòng nước sông Ấn ở thượng nguồn, ngăn nước chảy sang Pakistan. Việc chuyển hướng dòng nước được thực hiện tại đập Baglihar trên sông Chenab thuộc vùng Jammu và Kashmir.

Việc chuyển dòng sông Ấn được thực hiện chỉ chưa đầy hai tuần sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 22/4 tại thị trấn Pahalgam, vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng, đa phần là khách du lịch. Ấn Độ cáo buộc các nhóm cực đoan có liên hệ với Pakistan đứng sau vụ việc, và đã phản ứng bằng một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm tàu Pakistan vào cảng Ấn Độ, tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ nước láng giềng và giờ là kiểm soát dòng chảy sông ngòi.

Bên cạnh việc ngăn nước trên sông Chenab tại đập Baglihar, giới chức Ấn Độ cũng đang xem xét áp dụng biện pháp tương tự với đập Kishanganga trên sông Jhelum. Đây là một trong hai nhánh chính của hệ thống sông Ấn vốn đóng vai trò sống còn đối với an ninh nguồn nước của Pakistan.

Đập Baglihar trên dòng sông Chenap nhìn từ trên cao. (Ảnh ANI)

Đập Baglihar trên dòng sông Chenap nhìn từ trên cao. (Ảnh ANI)

Hiệp ước Nước sông Ấn, được ký kết năm 1960 với vai trò trung gian của Ngân hàng Thế giới, từng được coi là một trong số ít điểm sáng trong quan hệ đầy biến động giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Hiệp ước, Ấn Độ được quyền kiểm soát ba nhánh phía Đông, còn Pakistan kiểm soát ba nhánh phía Tây, bao gồm sông Chenab và sông Jhelum, nơi hiện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động mới của Ấn Độ.

Đập Baglihar và Kishanganga từ lâu đã là tâm điểm tranh cãi. Pakistan nhiều lần cáo buộc Ấn Độ vi phạm các điều khoản kỹ thuật, gây tác động tiêu cực đến nguồn nước ở hạ lưu. Trong bối cảnh hiện nay, Islamabad đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, gọi việc đình chỉ hiệp ước là “hành động chiến tranh” và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Các chuyên gia cảnh báo, động thái của Ấn Độ có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu Pakistan không kịp thời điều tiết nguồn nước thay thế cho các vùng phụ thuộc vào nông nghiệp. Sự gián đoạn trong dòng chảy sông Chenab có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng mới không chỉ về quân sự mà còn về sinh thái và nhân đạo.

Trong khi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức, giới quan sát cho rằng các kênh ngoại giao cần sớm được kích hoạt nhằm tránh leo thang thành xung đột toàn diện.

Lê Dũng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-do-bat-dau-chuyen-huong-dong-chay-song-an-khoi-pakistan-post1196936.vov
Zalo