Đức hé lộ khả năng gửi tên lửa tầm xa trong gói viện trợ mới cho Ukraine

Chính phủ Đức đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong bối cảnh tranh cãi gia tăng về khả năng Berlin lần đầu chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa.

Thông cáo được công bố hôm 17/4 xác nhận, tổng giá trị hỗ trợ quân sự của Đức cho Ukraine tính đến nay đã đạt khoảng 28 tỷ euro, trong đó 5,2 tỷ euro đến từ kho dự trữ trực tiếp của quân đội Đức (Bundeswehr). Ngoài ra, hơn 10.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện tại Đức kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022.

Một chiếc xe tăng Leopard 2 trong một cuộc tập trận ở Munster, Đức, ngày 7/2/2022. (Nguồn: Getty Images)

Một chiếc xe tăng Leopard 2 trong một cuộc tập trận ở Munster, Đức, ngày 7/2/2022. (Nguồn: Getty Images)

Lô viện trợ mới bao gồm nhiều thiết bị quân sự đa dạng: xe bọc thép chống mìn (MRAP), đạn dược cho xe tăng Leopard 2, súng phòng không tự hành Gepard, tên lửa dành cho hệ thống phòng không IRIS-T SLM, pháo tự hành Zuzana 2, đạn pháo 155mm và 122mm, máy bay không người lái (UAV) trinh sát và tấn công, vũ khí chống tăng xách tay và súng trường tấn công.

Tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) diễn ra ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo kế hoạch viện trợ tiếp theo trong năm 2025.

Gói này sẽ bao gồm 4 hệ thống phòng không IRIS-T, 300 tên lửa dẫn đường, 100 radar giám sát mặt đất, 100.000 quả đạn pháo, 300 UAV trinh sát, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder, 15 xe tăng Leopard 1A5 và 120 hệ thống tên lửa phòng không di động.

Đáng chú ý, Thủ tướng sắp nhậm chức Friedrich Merz đã khơi lại tranh cãi về khả năng Đức chuyển giao tên lửa hành trình Taurus, với tầm bắn lên đến 500 km, cho Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ARD cuối tuần trước, ông Merz cho rằng Berlin có thể sẽ xem xét lại lập trường về vấn đề này.

Ngược lại, Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz trong thời gian qua vẫn kiên quyết bác bỏ các yêu cầu từ phía Ukraine về tên lửa tầm xa, viện dẫn nguy cơ leo thang nghiêm trọng trong xung đột nếu vũ khí Đức được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Matthias Miersch, đảng đang đàm phán thành lập liên minh cầm quyền với đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của ông Merz, kêu gọi tân Thủ tướng đánh giá lại vấn đề sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin từ các cơ quan tình báo.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cảnh báo rằng bất kỳ vụ tấn công nào bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu tại Nga với sự hậu thuẫn từ Bundeswehr sẽ bị coi là hành động tham chiến trực tiếp của Đức.

Giữa lúc tranh luận nội bộ tại Berlin tiếp diễn, phía Ukraine tiếp tục thúc ép các cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Andrey Melnik, công bố một bức thư ngỏ gửi tới ông Merz trên tờ Welt am Sonntag, trong đó kêu gọi Đức viện trợ tới 30% kho thiết bị quân sự hiện có cho Ukraine.

Theo ông Melnik, danh sách viện trợ lý tưởng bao gồm 45 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, 30 máy bay Tornado, 100 xe tăng Leopard 2, 115 xe chiến đấu bộ binh Puma và 130 xe chiến đấu Marder, cùng 150 tên lửa hành trình Taurus. Ông cũng kêu gọi Berlin phớt lờ sự phản đối của SPD để thực hiện kế hoạch này.

Ngoài ra, nhà ngoại giao này còn đề xuất Đức nên dành 0,5% GDP, tương đương 21,5 tỷ euro mỗi năm, cho viện trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2029, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng mức đóng góp tương tự trong toàn EU như một tín hiệu răn đe đối với Nga.

Trước viễn cảnh Berlin có thể thay đổi chính sách cung cấp vũ khí, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev, đưa ra cảnh báo rằng bất kỳ sự mở rộng nào trong hỗ trợ quân sự từ phía Đức sẽ chỉ khiến Berlin ngày càng bị cuốn sâu hơn vào cuộc xung đột mà "không đem lại sự thay đổi đáng kể nào trong chiến sự".

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duc-he-lo-kha-nang-gui-ten-lua-tam-xa-trong-goi-vien-tro-moi-cho-ukraine-16925042111323987.htm
Zalo