Từ Con đường tơ lụa đến các hiệp ước an ninh: Cuộc cạnh tranh vì tương lai châu Á

Việc Bắc Kinh khai thác sức mạnh của chính sách ngoại giao kinh tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã tạo ra những tâm điểm mới, thách thức các trụ cột kinh tế, chuẩn mực và quyền lực phương Tây.

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Đó là nhận định của bà Lisdey Espinoza Pedraza (*) trong bài viết "From Silk Roads to Security Pacts: The Contest for Asia’s Future" đăng tải trên Modern Diplomacy ngày 13/5.

Hậu Chiến tranh Lạnh, thế giới bước vào một trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn dắt, với Mỹ giữ vị thế đầu tàu. Sự ổn định của giai đoạn đơn cực này được duy trì nhờ các liên minh quân sự vững chắc và những thể chế kinh tế theo chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã phơi bày những điểm yếu của hệ thống đó. Theo bà Pedraza, thông qua BRI cùng chính sách ngoại giao kinh tế, Bắc Kinh đang định hình nên những trung tâm quyền lực mới, đặt ra thách thức đối với các nền tảng kinh tế, chuẩn mực và cấu trúc thể chế của phương Tây.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc rút lui khỏi một số vai trò toàn cầu và tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã khiến khoảng trống quyền lực ngày càng rõ nét. Bà Pedraza chỉ rõ, Trung Quốc nhanh chóng tận dụng cơ hội này nhằm gia tăng ảnh hưởng. Kết quả là một trật tự thế giới ngày càng đa cực, nơi không một cường quốc nào có thể áp đảo tuyệt đối. Ảnh hưởng quyền lực phương Tây không còn được coi là điều hiển nhiên, mà đang bị "chất vấn" và tái định hình theo một cách chủ động hơn.

Một bức tranh lịch sử phong phú

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã để lại Mỹ với vị thế độc tôn, không có đối thủ. Trong bối cảnh đó, NATO đã mở rộng sang phía Đông, kết nạp nhiều quốc gia từng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw, đồng thời Washington thiết lập các hiệp ước an ninh song phương trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nổi bật là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Những liên minh này giúp Mỹ củng cố khả năng răn đe, phô diễn sức mạnh từ vùng Baltic cho đến Biển Đông. Về kinh tế, các thể chế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc đẩy một hệ thống mở, dựa trên luật lệ, nhằm định hình thị trường toàn cầu theo các chuẩn mực pháp lý và quản trị của phương Tây.

Cùng lúc đó, Trung Quốc theo đuổi con đường trỗi dậy đầy thận trọng. Bà Pedraza cho biết, dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình, các cải cách chủ yếu tập trung vào tăng trưởng kinh tế và ổn định nội bộ, tránh phô trương quyền lực. Đến đầu những năm 2000, Trung Quốc gia nhập WTO và áp dụng mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu và tích lũy dự trữ ngoại hối. Dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, BRI nổi lên như một bước nhảy chiến lược: Một mạng lưới cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm tạo dựng sự phụ thuộc kinh tế và kéo các quốc gia đối tác vào quỹ đạo của Trung Quốc. Khác với các thể chế của Mỹ trong thời hậu chiến, BRI vận hành thông qua những khoản vay giữa nhà nước với nhà nước, không đặt ra các điều kiện về quản trị hay nhân quyền như phương Tây.

Theo bà Pedraza, sự khác biệt này phản ánh một cuộc cạnh tranh sâu sắc hơn. Quyền lực của phương Tây dựa trên cả sức mạnh cứng và mềm: Các liên minh quân sự đảm bảo an ninh, trong khi những chuẩn mực tự do lan tỏa qua thương mại và ảnh hưởng văn hóa. Tuy nhiên, mô hình của Trung Quốc lại đưa ra một sự lựa chọn khác: Cung cấp các ưu đãi kinh tế không ràng buộc chính trị, thiết lập cấu trúc thể chế song song với hệ thống Bretton Woods và một tầm nhìn chuẩn mực dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, thay vì trách nhiệm dân chủ.

Dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, BRI nổi lên như một bước nhảy chiến lược: Một mạng lưới cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm tạo dựng sự phụ thuộc kinh tế và kéo các quốc gia đối tác vào quỹ đạo của Trung Quốc. (Nguồn: ALEC)

Dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, BRI nổi lên như một bước nhảy chiến lược: Một mạng lưới cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm tạo dựng sự phụ thuộc kinh tế và kéo các quốc gia đối tác vào quỹ đạo của Trung Quốc. (Nguồn: ALEC)

Tái hiện "di sản" đơn cực dưới thời Tổng thống Trump

Việc NATO không ngừng mở rộng được coi là minh chứng rõ ràng cho quyền lực của phương Tây. Năm 1999, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech - những nước từng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw - lần đầu tiên gia nhập liên minh này. Tiếp theo đó là năm 2004 với bảy quốc gia, trong đó có ba nước vùng Baltic và sau này là Montenegro vào năm 2017. Sự mở rộng này không chỉ giúp Mỹ củng cố chiều sâu chiến lược tại sườn phía Đông châu Âu, mà còn thể hiện tính chất không giới hạn của trật tự đơn cực. Tuy nhiên, bà Pedraza khẳng định, chính quá trình này cũng cũng "gieo mầm" cho sự phản kháng từ phía Nga, đồng thời khiến NATO phải mở rộng các nghĩa vụ liên minh sang các khu vực mới. Điều này làm dấy lên tranh cãi về việc chia sẻ gánh nắng giữa các đồng minh và khả năng vượt quá tầm chiến lược ban đầu của liên minh.

Khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, nhiều nền tảng truyền thống của Hiệp ước này bắt đầu bị đặt nghi vấn. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trumpcông khai nghi ngờ giá trị của NATO, yêu cầu các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng theo cam kết, cũng như nhiều lần đe dọa rút quân khỏi Đức. Phát ngôn gay gắt của nhà lãnh đạo Mỹ cùng những xung đột với các đối tác truyền thống đã làm lung lay sự đoàn kết nội khối và phủ bóng lên tương lai của quá trình mở rộng NATO. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Trump cũng yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ, đồng thời rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay thế phương thức hợp tác đa phương bằng một nền ngoại giao "mang tính đổi chác".

Bên cạnh lĩnh vực quốc phòng, việc rút khỏi Thỏa thuận Paris và UNESCO cũng đã thể hiện sự thu hẹp vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong các vấn đề khí hậu và văn hóa. Trong bối cảnh đó, nhiều đồng minh của Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn thay thế nhằm ứng phó với sự thiếu nhất quán từ phía Washington. Lời kêu gọi của Pháp về một chính sách quốc phòng độc lập hơn của EU, hay cách tiếp cận thận trọng nhưng cởi mở của ASEAN với các dự án hạ tầng trong BRI của Trung Quốc, đều phản ánh sự xói mòn vai trò trung tâm của NATO trong trật tự toàn cầu.

Bà Pedraza nhấn mạnh, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 càng làm sâu sắc thêm những xu hướng này. Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã ký Sắc lệnh Hành pháp 14162, chính thức khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai. Động thái này vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạt động môi trường và nhiều lãnh đạo thế giới, những người lo ngại điều đó sẽ làm suy yếu nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm uy tín của Washington trên trường quốc tế.

Trong vấn đề NATO, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định lập trường rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các đồng minh sẽ dựa trên cam kết chi tiêu quốc phòng, cụ thể là yêu cầu đạt ngưỡng 2% GDP. Lo ngại về độ tin cậy của các bảo đảm an ninh từ Washington, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã thúc đẩy những cuộc thảo luận mới về việc tăng cường khả năng tự chủ quốc phòng của EU. Những động thái trên phản ánh sự dịch chuyển trong các cấu trúc quyền lực truyền thống của phương Tây, với nhiều hệ quả tiềm tàng đối với cục diện ổn định địa chính trị toàn cầu.

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai, bất chấp làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ thế giới. (Nguồn: Times of India)

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã khởi động tiến trình rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai, bất chấp làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ thế giới. (Nguồn: Times of India)

"Nước Mỹ trên hết" và sức hấp dẫn của BRI

Bà Pedraza nhận định, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, vốn nhằm củng cố sức mạnh của Washington, trên thực tế lại thường dẫn đến hiệu ứng ngược. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc giai đoạn 2018-2020 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các nhà sản xuất châu Á chuyển hướng sang hạ tầng do Bắc Kinh tài trợ để đảm bảo tính ổn định. Hay việc Washington rút khỏi các thể chế đa phương cũng khiến ảnh hưởng mềm của Mỹ suy giảm, trong khi chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 lại giành được nhiều thiện cảm từ quốc tế.

Năm 2025, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, chính sách "Nước Mỹ trên hết" tiếp tục định hình lại cục diện toàn cầu. Chính quyền Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại bằng cách áp thuế mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh và gây ra những gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các ngành như công nghệ và nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, chi phí gia tăng cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đồng thời, Mỹ cũng rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trung Quốc nhanh chóng tận dụng khoảng trống lãnh đạo toàn cầu này thông qua các sáng kiến như Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI) và Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI), nhằm mở rộng ảnh hưởng trong quản trị quốc tế. Vị chuyên gia khẳng định, vai trò truyền thống của Mỹ trong việc định hình các chuẩn mực và chính sách toàn cầu từ đó suy giảm, tạo điều kiện để những mô hình hợp tác quốc tế thay thế dần và chiếm lĩnh vị trí trung tâm.

Đặc biệt, các khoản vay của Trung Quốc cho những dự án đường sá, cảng biển và hạ tầng kỹ thuật số đã "đánh trúng" nguyện vọng phát triển của nhiều quốc gia. Bà Pedraza cho rằng trong khi cam kết của Mỹ thường đi kèm yêu cầu cải cách thể chế, Trung Quốc lại cung cấp các dự án trọn gói với điều kiện chính trị tối thiểu. Với mong muốn nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về hạ tầng, nhiều quốc gia đang phát triển thấy mô hình này hấp dẫn hơn dù lo ngại về tính bền vững của nợ.

Đặc biệt, dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, BRI đã chuyển mình từ một ý tưởng trở thành công cụ trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tính đến năm 2021, hơn 150 quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ với BRI. Những dự án như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), kết nối Kashgar với cảng Gwadar, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại mà còn mở ra các điểm tiếp cận chiến lược tại biển Arab. Con đường tơ lụa kỹ thuật số (Digital Silk Road) cũng đưa các công ty viễn thông Trung Quốc thâm nhập vào nhiều thị trường nước ngoài, mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong không gian mạng.

BRI đã trở thành công cụ trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. (Nguồn: Viện Brookings)

BRI đã trở thành công cụ trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. (Nguồn: Viện Brookings)

Trước sự mở rộng mạnh mẽ của BRI, phương Tây đang dần định hình phản ứng thông qua một loạt liên minh và sáng kiến mới. Nhóm Bộ tứ (Quad) tăng cường đối thoại an ninh và khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) nhằm thiết lập những tiêu chuẩn đầu tư chất lượng cao. Song song, Mạng lưới Blue Dot do Mỹ, Nhật Bản và Australia hậu thuẫn cung cấp hệ thống chứng nhận cho các dự án hạ tầng đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng triển khai chương trình Kết nối toàn cầu (Connectivity Agenda), với kỳ vọng huy động nguồn vốn công - tư cho các dự án tuân thủ nguyên tắc dân chủ và phát triển bền vững.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Trump tiếp tục tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các đối tác chiến lược và sáng kiến hạ tầng thay thế. Đáng chú ý, Mỹ đã hợp tác với Ấn Độ triển khai Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC), nhằm thúc đẩy kết nối vận tải liên khu vực. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, BRI vẫn hấp dẫn nhiều quốc gia đang phát triển nhờ vào lời hứa về tăng trưởng nhanh và cơ sở hạ tầng hiện đại. Bà Pedraza khẳng định, điều này cho thấy Washington vẫn gặp khó trong việc đưa ra một mô hình thay thế đủ sức cạnh tranh với quy mô và tốc độ triển khai của Trung Quốc.

Dù vậy, các biện pháp đối trọng này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc tập hợp các đối tác đa dạng quanh một tầm nhìn kinh tế thống nhất không dễ. Ngoài ra, các cam kết tài chính từ phương Tây thường không thể sánh với quy mô đầu tư của Trung Quốc. Hơn nữa, với nhiều nước tiếp nhận viện trợ, các sáng kiến phương Tây không thay thế mà chỉ đóng vai trò bổ sung cho nguồn tài chính mà BRI mang lại.

Mở đường cho tương lai

Một kỷ nguyên mới của trật tự quốc tế đang dần định hình - nơi các quốc gia không còn ràng buộc vào một hệ thống duy nhất, mà linh hoạt xây dựng các mối quan hệ an ninh và kinh tế dựa trên lợi ích riêng. Trong bối cảnh này, họ vừa duy trì hợp tác với các liên minh phương Tây, vừa tận dụng những cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ. Cuộc tranh luận toàn cầu về những chuẩn mực chung, từ quản trị, bảo vệ môi trường đến quy định kỹ thuật số, sẽ ngày càng gay gắt tại các diễn đàn như G20 hay ASEAN, phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận giữa các bên.

Trong quá trình chuyển tiếp đó, những cường quốc đang lên như Ấn Độ hay EU sẽ giữ vai trò trung gian quan trọng. Họ theo đuổi cách tiếp cận “con đường thứ ba” nhằm vừa duy trì thế mạnh của phương Tây, vừa tận dụng động lực kinh tế từ Trung Quốc. Theo bà Pedraza, nếu như trước đây ảnh hưởng địa chính trị được đo bằng đường cao tốc hay cảng biển, thì nay, công nghệ - từ mạng 5G đến trí tuệ nhân tạo - đang trở thành thước đo mới trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm lung lay nền tảng của quyền lực phương Tây. Những hành lang kinh tế do Bắc Kinh khởi xướng mang lại lộ trình phát triển và ảnh hưởng thay thế, trong khi chính sách thu hẹp ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump lại phơi bày sự "mong manh" của quyền lực dựa trên liên minh. Tương lai sẽ không còn do một siêu cường chi phối, mà là sự đan xen phức tạp giữa các cấu trúc an ninh và mạng lưới hạ tầng.

Việc định hướng trong thế giới đa cực này đòi hỏi nhận thức tinh tế về cách thức kinh tế và quốc phòng tương tác, cũng như sẵn sàng xây dựng các đối tác linh hoạt để cùng giải quyết những thách thức toàn cầu thay vì rơi vào tư duy cạnh tranh được - mất. Chỉ khi chấp nhận một thực tế đa cực, thừa nhận cả điểm mạnh và điểm yếu của mô hình phương Tây lẫn Trung Quốc, cộng đồng quốc tế mới có thể kiến tạo một trật tự bền vững cho thế kỷ XXI.

Một kỷ nguyên mới của trật tự quốc tế đang dần định hình - nơi các quốc gia không còn ràng buộc vào một hệ thống duy nhất, mà linh hoạt xây dựng các mối quan hệ an ninh và kinh tế dựa trên lợi ích riêng. (Nguồn: Linkedln)

Một kỷ nguyên mới của trật tự quốc tế đang dần định hình - nơi các quốc gia không còn ràng buộc vào một hệ thống duy nhất, mà linh hoạt xây dựng các mối quan hệ an ninh và kinh tế dựa trên lợi ích riêng. (Nguồn: Linkedln)

Có thể nói, cục diện đang nổi lên này buộc các bên liên quan phải điều chỉnh chiến lược. Bà Pedraza chỉ rõ, thay vì tiếp tục theo đuổi tư duy được - mất, thắng - thua, các nước cần hướng tới xây dựng những mô hình đối tác linh hoạt, kết hợp giữa bảo đảm an ninh và thúc đẩy hợp tác kinh tế một cách hài hòa. Các nền dân chủ phương Tây cần làm mới những liên minh truyền thống, theo hướng năng động và thích ứng hơn, đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác mới nổi. Khả năng tương tác không chỉ dừng ở quân sự mà cần bao trùm các lĩnh vực then chốt như an ninh mạng, ứng phó với đại dịch và biến đổi khí hậu.

Về phần mình, mô hình tài trợ do nhà nước Trung Quốc dẫn dắt cũng cần cải thiện tính minh bạch, bảo vệ môi trường và tôn trọng các chuẩn mực quản trị bản địa, nếu muốn trở thành đối tác lâu dài chứ không chỉ là nhà tài trợ ngắn hạn.

Về mặt thể chế, các diễn đàn toàn cầu như G20, WTO hay Liên hợp quốc có thể đóng vai trò cầu nối, giúp dung hòa lợi ích. Việc điều chỉnh và cập nhật các quy tắc quản trị toàn cầu để phản ánh thực tế mới của nền kinh tế, đồng thời củng cố cam kết về tiểu chuẩn lao động, môi trường và tài khóa, sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ phân mảnh do các sáng kiến mang tính đơn phương. Song song với đó, các thể chế khu vực như ASEAN, EU hay Liên minh châu Phi cũng có thể xây dựng các khuôn khổ hợp tác dung hòa giữa quan hệ đối ngoại và gắn kết nội khối.

Tựu trung, sự chuyển dịch trật tự thế giới từ đơn cực sang đa cực không chỉ phản ánh thay đổi trong cán cân quyền lực, mà còn là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa những mô hình phát triển và quản trị khác biệt. Trong khi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, từng giữ vai trò kiến tạo và duy trì trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh, thì nay vị trí đó đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy có chiến lược của Trung Quốc.

Một trật tự thế giới mới đang hình thành, nơi các trung tâm quyền lực đa dạng cùng tồn tại, và không còn quốc gia nào đủ khả năng áp đặt các chuẩn mực toàn cầu một cách đơn phương. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc chính là phép thử đối với khả năng thích nghi của hệ thống quốc tế trước những thách thức mới, từ phát triển bền vững đến quản trị toàn cầu và an ninh tập thể. Câu hỏi đặt ra không còn là ai thắng - ai thua, mà là liệu thế giới có thể tìm ra một điểm cân bằng mới, nơi sự cạnh tranh không dẫn đến đối đầu, và phát triển không loại trừ những mô hình khác biệt.

(*) Bà Lisdey Espinoza Pedraza là giảng viên môn Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Aberdeen, Scotland. Bà Pedraza cũng có bằng Tiến sĩ Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Aberdeen (Scotland).

(theo Modern Diplomacy)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-con-duong-to-lua-den-cac-hiep-uoc-an-ninh-cuoc-canh-tranh-vi-tuong-lai-chau-a-314319.html
Zalo