Đức: Cuộc bầu cử mang tính quyết định
Ngày 23-2, cử tri Đức đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được coi là mang tính quyết định nhất trong lịch sử gần đây. Sự tan rã của liên minh cầm quyền hồi tháng 11-2024 sau nhiều tháng tranh cãi về ngân sách và việc giải tán Quốc hội ngày 27-12-2024 đã đưa nước Đức đến cuộc bầu cử liên bang sớm trước thời hạn lần thứ tư trong lịch sử để bầu ra 630 thành viên Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Berlin. Ảnh: AP
Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa lúc 8h ngày 23-2 (giờ địa phương, tức 14h theo giờ Việt Nam) và dự kiến đóng cửa lúc 18h cùng ngày. Người dân Đức cũng có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng để được tính là hợp lệ, lá phiếu của họ phải đến trước thời điểm các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào ngày bầu cử.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), 59,2 triệu người Đức đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Bundestag lần thứ 21 này, thấp hơn so với 61,2 triệu cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021, chủ yếu do những thay đổi về nhân khẩu học và thống kê dân số được điều chỉnh sau cuộc tổng điều tra dân số năm 2022. Số cử tri lần đầu đến tuổi đi bầu cử khoảng 2,3 triệu người, chiếm 3,9% tổng số cử tri đủ điều kiện, trong khi nhóm cử tri trên 70 tuổi chiếm tới 23,2%, tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi.
Cơ quan lập pháp gồm 630 thành viên sẽ bầu ra Thủ tướng tiếp theo cho nước Đức. Có 29 đảng có tên trong lá phiếu, nhưng dự đoán chỉ có từ 5 - 8 đảng giành đủ ít nhất 5% số phiếu cần thiết để có ghế trong quốc hội.
Kịch bản khó đoán
Hiện có 4 ứng cử viên đang chạy đua để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức gồm đương kim Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, ông Friedrich Merz, ứng cử viên của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ, đương kim Phó Thủ tướng Robert Habeck thuộc đảng Xanh bảo vệ môi trường và bà Alice Weidel thuộc đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) phản đối nhập cư.
Kết quả thăm dò cử tri mới nhất cho thấy đảng Xanh có thể giành được số phiếu bầu tương đương với năm 2021, nhưng SPD và FDP đều có thể xuống hạng nghiêm trọng. FDP thậm chí có thể không vượt qua được "rào cản 5%" số phiếu cần thiết để có được đại diện trong Bundestag. SPD có vẻ sẽ phải chịu một thất bại cay đắng khi thăm dò cử tri cho thấy đảng này chỉ được 14% tín nhiệm, cùng đứng vị trí thứ 3 với đảng Xanh, và nếu kết quả chung cuộc đạt dưới 20% số phiếu thì sẽ là kết quả tồi tệ nhất của đảng này trong bầu cử liên bang lịch sử hậu Thế chiến thứ hai của Đức. Với kịch bản này, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ trở thành nhà lãnh đạo chính phủ có nhiệm kỳ ngắn nhất trong 50 năm qua, và là thủ tướng SPD duy nhất không được tái đắc cử.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, ông Merz có cơ hội lớn nhất để trở thành thủ tướng Đức. Liên minh trung hữu của ông là lực lượng đối lập lớn nhất trong quốc hội năm 2021, sau 16 năm cầm quyền dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.
Đứng ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), nhận được 20% tín nhiệm của cử tri, cao gấp đôi so với cuộc bầu cử năm 2021.
Việc thành lập chính phủ mới dễ hay khó có thể phụ thuộc một phần vào số lượng đảng trong quốc hội khóa mới. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có 3 đảng dao động quanh mức 5% số phiếu cần thiết để giành được ghế trong quốc hội. Hiện tất cả các đảng chính thống đều khẳng định sẽ không hợp tác với AfD cực hữu.
Kỳ vọng của châu Âu
Cuộc bầu cử Bundestag lần thứ 21 diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang bộn bề khó khăn và tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động lớn. Với việc nền kinh tế Đức trải qua 2 năm tăng trưởng âm liên tiếp, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang mong manh hơn bao giờ hết, xung đột Nga - Ukraine đang làm đảo lộn trật tự an ninh châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào chính phủ tiếp theo ở Berlin.
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, trước thềm cuộc bầu cử diễn ra ở Đức vào ngày 23/2, các nhà ngoại giao từ khắp lục địa đang âm thầm theo dõi từng diễn biến tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Họ xuất hiện tại các sự kiện vận động, từ hội nghị của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đến các cuộc gặp gỡ của đảng Xanh, với hy vọng nắm bắt được hướng đi tương lai của Berlin.
"Thế giới không ngừng quay vì mọi thứ đang diễn ra ở Mỹ, 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump, và thậm chí cả châu Âu. Châu Âu cần có một người để hợp tác ở Đức", một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ với Euractiv.
Đối với các nước láng giềng, điểm đáng mừng là tất cả bốn đảng lớn của Đức đều đang vận động với những tầm nhìn riêng về vai trò của nước này trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy các chính trị gia Đức nhận thức rõ trách nhiệm của họ đối với châu lục.
Ba năm qua đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong vị thế của Đức. Từ vai trò được cho là "dẫn đầu thế giới tự do" dưới thời Angela Merkel, nước này đã dần suy giảm vai trò của Berlin tại Brussels. Kết quả cuộc bầu cử ngày 23/2 có nhiều khả năng xảy ra nhất là chứng kiến Berlin đóng vai trò mạnh mẽ hơn trên trường châu Âu.