Đưa xứ Quảng trở thành điểm đến du lịch xanh đẳng cấp quốc tế
Du lịch Quảng Nam sẽ gắn chặt với định hướng 'du lịch xanh', chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm - Hội An.

Du khách đến tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam - Ảnh VGP/Nhật Anh
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, đậm bản sắc văn hóa và thân thiện với môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho biết, theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng và toàn diện, lấy con người và bản sắc văn hóa xứ Quảng làm nền tảng. Du lịch Quảng Nam sẽ gắn chặt với định hướng "du lịch xanh", chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An.
Mục tiêu cụ thể, Quảng Nam phấn đấu năm 2025 thu hút 8,9 triệu lượt khách (6,12 triệu lượt khách quốc tế; 2,78 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ du lịch đạt 11.300 tỷ đồng; đến năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách (6,6 triệu lượt khách quốc tế; 5,4 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ du lịch 17.500 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát quy hoạch, thu hút đầu tư đồng bộ vào hạ tầng du lịch; ưu tiên các khu vực trọng điểm, phát triển hệ sinh thái du lịch chất lượng cao, các dự án quy mô lớn có khả năng lan tỏa kinh tế, đặc biệt tại Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm.
UBND tỉnh yêu cầu: Sở Tài chính chủ trì bố trí vốn, huy động nguồn lực công tư để xây dựng các thiết chế du lịch như trung tâm hội nghị, bảo tàng, sân golf, khách sạn cao cấp, nhà hàng chuẩn Michelin…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao. Nổi bật là thương hiệu "Một điểm đến xanh - 3 trải nghiệm đẳng cấp quốc tế" gồm: Đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư vào du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch MICE. Các địa phương tổ chức các lễ hội gắn với văn hóa bản địa và sản phẩm OCOP để tăng sức hút cho du lịch cộng đồng.
Tỉnh kiến nghị nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai lên chuẩn quốc tế (cấp 4F), mở rộng mạng lưới bay trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cấp cảng biển, phát triển hệ thống giao thông đồng bộ để kết nối các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Quảng Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để cá nhân hóa trải nghiệm du khách, triển khai app du lịch, bản đồ số, vé điện tử, thanh toán không tiền mặt…
Tỉnh xây dựng chiến lược quảng bá du lịch trong và ngoài nước trong 5 năm tới, ứng dụng mạnh mạng xã hội, kết hợp truyền thông truyền thống và hiện đại để nâng cao nhận diện thương hiệu "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh".
Các hoạt động liên kết vùng, xúc tiến du lịch với các tỉnh miền Trung và trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM tiếp tục được duy trì và mở rộng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật… bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch.
Với kế hoạch phát triển toàn diện, Quảng Nam kỳ vọng không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số theo chỉ đạo của Chính phủ, mà còn khẳng định vị thế là điểm đến du lịch xanh đẳng cấp quốc tế.