Đưa tiếng Nhật vào giảng dạy trong nhà trường: Đa dạng lựa chọn

Dự kiến, kể từ năm 2025 - 2034, Việt Nam sẽ triển khai giảng dạy tiếng Nhật tại các cấp học phổ thông, bắt đầu từ lớp 3 - lớp 12, trên phạm vi toàn quốc.

Tiết học tiếng Nhật của học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Dịu.

Tiết học tiếng Nhật của học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Dịu.

Thêm sự lựa chọn cho học sinh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki vừa ký kết Thỏa thuận khung về dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam. Cụ thể, triển khai giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học phổ thông (từ lớp 3 - 12) trên toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến 2034.

Tại Việt Nam, tiếng Nhật được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ 2 từ năm học 2003 - 2004, và như ngoại ngữ 1 tại một số trường phổ thông từ năm học 2016 - 2017. Tới năm 2021, Bộ GDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nhật - ngoại ngữ 1 cho phép học sinh cả nước lựa chọn học tiếng Nhật từ lớp 3.

Theo số liệu của Bộ GDĐT năm 2023, Việt Nam có hơn 20.000 học sinh phổ thông học tiếng Nhật (chỉ xếp sau số người học tiếng Anh và tiếng Pháp). Tuy nhiên, ngoại ngữ này hiện vẫn chủ yếu được dạy tại một số thành phố lớn. Ở bậc đại học, theo khảo sát của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, có khoảng 73 cơ sở giáo dục đại học có giảng dạy tiếng Nhật, với tổng số 47.670 người học. Trong đó, 51 trường đào tạo chính quy chuyên ngành tiếng Nhật và Nhật Bản học với khoảng 13.413 người học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sắp tới, có 500 thí sinh đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ là tiếng Nhật, trong đó, có 8 em thi theo Chương trình GDPT 2006 và 492 em thi Chương trình GDPT 2018.

Quan tâm đồng bộ để đạt hiệu quả

Trước đó, Việt Nam là nước thí điểm đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc tiểu học đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á nên chương trình và sách giáo khoa tiếng Nhật các lớp tiểu học bước đầu được hoàn thiện. Để triển khai thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, phía Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ trong phạm vi ngân sách cho phép đối với các trường đang giảng dạy tiếng Nhật; cung cấp các tài liệu học tập và tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật. Nhật Bản cũng sẽ cử chuyên gia tiếng Nhật đến các trường phổ thông….

Từ kinh nghiệm triển khai dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông, bên cạnh việc quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên vừa đảm bảo về số lượng và chất lượng, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh cần nhân rộng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ cấp tiểu học với mục tiêu tổ chức phong trào học ngoại ngữ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nhu cầu học tập, trao đổi thông tin và công việc.

Hiện một số địa phương đã triển khai việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học ngoại ngữ, xây dựng phòng học ngoại ngữ hiện đại với các thiết bị hỗ trợ như bảng tương tác, phần mềm học ngoại ngữ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông. Đồng thời khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng các ứng dụng học ngoại ngữ, video học tập, hoặc kết nối với giáo viên quốc tế qua các nền tảng trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học tiếng Nhật, ông Trịnh Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, trường đã có 10 năm giảng dạy cho 462 em học sinh học tiếng Nhật. Đến nay, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 2 phòng học tiếng Nhật với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Trên tinh thần đổi mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh, nhà trường và giáo viên đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong việc truyền tải kiến thức, nhằm giúp học sinh không chỉ giỏi tiếng Nhật mà còn phát triển các kỹ năng cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-tieng-nhat-vao-giang-day-trong-nha-truong-da-dang-lua-chon-10305323.html
Zalo