Đưa thư viện trở thành 'đòn bẩy' phát triển văn hóa đọc

Để văn hóa đọc phát triển sâu rộng tới cộng đồng, hệ thống thư viện có vai trò hết sức quan trọng. Thành phố Hà Nội đã đầu tư hệ thống thư viện ở các cấp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thư viện cộng đồng. Hiện nay, thành phố có 1 thư viện cấp thành phố, 29 thư viện cấp quận, huyện và hơn 1.000 thư viện cộng đồng. Hệ thống thư viện đang góp phần phát triển văn hóa đọc, lan tỏa tri thức đến cộng đồng.

Thư viện Hà Nội luôn đổi mới hoạt động nhằm thu hút giới trẻ.

Thư viện Hà Nội luôn đổi mới hoạt động nhằm thu hút giới trẻ.

Phát triển văn hóa đọc, xây dựng Thủ đô tri thức là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội. Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc đồng bộ, trong đó, có đầu tư, xây dựng hệ thống thư viện công, khuyến khích phát triển thư viện cộng đồng.

Trong quá trình đó, ngày 21/11/2019, Quốc hội thông qua Luật Thư viện tạo dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển.

Hà Nội đã nhanh chóng triển khai trên thực tế, bám sát nội dung Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của thư viện công cộng tới toàn hệ thống.

Chia sẻ về sự phát triển của hệ thống thư viện những năm qua, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Lê Thị Hồng Hạnh cho biết, hiện nay thành phố có một thư viện cấp tỉnh, 29 thư viện cấp huyện, 53 thư viện cấp xã. Ngoài ra, có 1.096 thư viện cộng đồng, thư viện, phòng đọc cơ sở và 13 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

Thư viện các cấp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lưu trữ, bảo tồn vốn tài liệu có giá trị, xây dựng phong trào đọc sách, duy trì và phát triển nhu cầu đọc sách trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

“Đầu tàu” của hệ thống thư viện thành phố chính là Thư viện Hà Nội. Những năm qua, Thư viện Hà Nội đã phát triển tài nguyên thông tin, xây dựng và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Số lượng tài nguyên thông tin bổ sung từ năm 2019 đến nay là 13.152 tên sách, bình quân tăng khoảng 20 nghìn bản/năm; 395 loại báo, tạp chí; 59.274 trang sách chữ nổi Braille; 558 đĩa CD…

Thư viện Hà Nội thường xuyên nắm bắt nhu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin của bạn đọc để xây dựng chính sách bổ sung vốn tài liệu bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng phục vụ bạn đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang hiện đại; mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng đông bạn đọc yêu thích và đến sử dụng thư viện.

Ngoài phục vụ bạn đọc, Thư viện thành phố còn có nhiều hoạt động phong phú như: Tổ chức Tuần lễ sách và Văn hóa đọc hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức Hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách hàng năm; tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố...

Cùng với sự phát triển của thư viện cấp thành phố, Hà Nội cũng đầu tư phát triển thư viện cấp huyện, cấp xã. Thư viện cấp huyện hầu hết đều tổ chức kho sách và phục vụ theo hình thức kho mở. Một số thư viện đã tổ chức các phòng phục vụ riêng biệt, theo đối tượng bạn đọc, hoặc theo loại hình tài liệu.

Các thư viện phục vụ kết hợp đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, đây cũng là hình thức phục vụ phù hợp với điều kiện trụ sở, cán bộ thư viện và số lượng vốn tài liệu còn hạn chế như hiện nay. Với chính sách miễn phí sử dụng thư viện và việc nâng cấp tổ hợp không gian văn hóa mở, hiện đại, sáng tạo; nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc của thủ thư từ kỹ năng cứng về chuyên môn nghiệp vụ, đến kỹ năng mềm về ứng xử…, hệ thống thư viện ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số huyện ngoại thành ở xa trung tâm như Mỹ Đức, Ba Vì… còn gặp khó khăn trong hoạt động do địa bàn rộng, sức lan tỏa của thư viện còn yếu. Thư viện Hà Nội chưa đủ các trang, thiết bị hiện đại để phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện; chưa có phương tiện chuyên dụng cho công tác phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin xuống các quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, hoạt động của mạng lưới thư viện cấp huyện, cấp xã, thư viện cộng đồng còn gặp những vấn đề khó khăn, cần được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, trong suốt quá trình phát triển, Hà Nội luôn dành những nguồn lực ưu tiên cho phát triển văn hóa, nâng cao dân trí. Trong đó, có việc thực hiện nghiêm túc Luật Thư viện; tăng cường đầu tư cho các thư viện nhằm nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí. Mặc dù vậy, một số quận, huyện cơ sở vật chất của thư viện còn yếu.

Bà Trần Thị Vân Anh đề nghị các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm hơn cho lĩnh vực thư viện cũng như mong muốn thành phố, các địa phương cũng mong muốn sẽ sớm có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống thư viện và phong trào đọc sách trên địa bàn thành phố.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-thu-vien-tro-thanh-don-bay-phat-trien-van-hoa-doc-post846544.html
Zalo