Nữ nhà giáo tiêu biểu với sáng kiến ứng dụng CNTT vào tính khẩu phần ăn cho trẻ

Cô Hoàng Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều là 1 trong 251 nhà giáo tiêu biểu năm 2024 đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước.

Sinh ra tại Thái Nguyên, cô Hoàng Thị Huyền Trang (sinh năm 1987) đã sớm nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt dành cho trẻ nhỏ và mơ ước trở thành một cô giáo mầm non.

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi luôn khao khát được dạy dỗ các em nhỏ bằng sự tận tâm và tình yêu thương. Ước mơ ấy dần lớn, trở thành động lực mạnh mẽ để tôi quyết tâm theo đuổi con đường giáo dục. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, lựa chọn duy nhất của tôi là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Khoa Giáo dục mầm non”, cô Trang chia sẻ.

 Cô Hoàng Thị Huyền Trang, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều (thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Ảnh NVCC

Cô Hoàng Thị Huyền Trang, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều (thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Ảnh NVCC

Dành cả tuổi trẻ vận động học sinh mầm non đến trường

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2009, cô Trang nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Bình Dương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (đào tạo 3 khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sau đó được tách ra thành 2 trường là Trường Mầm non Bình Dương và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bình Dương).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, cô Trang cho biết: “Khi mới bắt đầu công việc, khối mầm non của trường chỉ có duy nhất một lớp học và cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Tại thời điểm đó, ở xã Bình Dương, phần lớn trẻ em 5 tuổi mới được phụ huynh đưa đến trường mầm non để lấy giấy chứng nhận vào lớp 1. Trẻ em ở các lứa tuổi khác đi học rất ít, thậm chí nhiều trường hợp trẻ 4 tuổi mới bắt đầu đến trường, dẫn đến việc các em thiếu hụt kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Nhận thấy tình trạng này, tôi đã phối hợp chặt chẽ với các trưởng xóm và chính quyền địa phương để vận động phụ huynh đưa trẻ đi học mầm non từ sớm. Tôi tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như các hội thi, chương trình ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

Sau những nỗ lực đó, tỷ lệ trẻ đến lớp tăng mạnh qua các năm học, luôn duy trì trên 95%, thậm chí có năm học nhóm học sinh nhà trẻ đạt tỷ lệ đến lớp 100%. Đến năm 2013, số lớp học đã tăng lên thành 4 lớp, đáp ứng đủ các độ tuổi từ nhà trẻ đến 5 tuổi”.

 Người dân địa phương hỗ trợ thầy và trò Trường Mầm non Bình Dương xây dựng trường học. Ảnh NVCC

Người dân địa phương hỗ trợ thầy và trò Trường Mầm non Bình Dương xây dựng trường học. Ảnh NVCC

Cũng trong năm 2013, Trường Mầm non Bình Dương được tách ra từ Trường Phổ thông cơ sở Bình Dương, cô Trang được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Thời điểm đó, trường chưa có hiệu trưởng, cô vừa thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, vừa đảm nhiệm vai trò của phó hiệu trưởng. Đến tháng 8/2015, cô được bổ nhiệm chính thức làm hiệu trưởng nhà trường.

Trong suốt 12 năm công tác tại Trường Mầm non Bình Dương (2009-2021), nữ giáo viên đã kiên trì thực hiện công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Cô Trang vui vẻ kể lại: “Lãnh đạo địa phương mỗi lần gặp tôi lại đùa rằng: ‘Nhìn thấy cô Trang là biết cô lại đi xin hỗ trợ cho trường’.

Từ một lớp học ban đầu vào năm 2009, đến năm 2021, Trường Mầm non Bình Dương đã trở thành một ngôi trường khang trang. Nhìn thấy sự thay đổi này, tôi cảm thấy tự hào về những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân cũng như tập thể nhà trường, biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng”.

Tháng 10/2021 cô Hoàng Thị Huyền Trang chuyển công tác đến Trường Mầm non Bế Triều (thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) với vai trò hiệu trưởng nhà trường. “Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là thời điểm chuyển công tác ra thị trấn. Một học sinh cũ từng học tại Trường Mầm non Bình Dương, khi đó đã lên tiểu học nhờ mẹ gửi lời nhắn đến tôi: “Cô ơi, em nhớ cô lắm”. Tôi thấy hạnh phúc khi biết rằng dù các em đã trưởng thành nhưng vẫn luôn nhớ đến cô giáo của mình. Đối với người làm nghề giáo, đây chính là niềm vui lớn nhất”, cô Trang tâm sự.

 Trường Mầm non Bình Dương được xây dựng khang trang. Ảnh NVCC

Trường Mầm non Bình Dương được xây dựng khang trang. Ảnh NVCC

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý trường học, cô Trang tham gia tích cực vào các hoạt động đoàn thể, xã hội của huyện, tỉnh. Nữ giáo viên tham gia vào ban ra đề thi tuyển viên chức ngành giáo dục cấp tỉnh, tham gia chấm thi viên chức cấp tỉnh, tham gia đoàn đánh giá ngoài của tỉnh tư vấn, hỗ trợ, đánh giá các trường mầm non đề nghị công nhận đạt chuẩn. Ngoài ra, cô Trang tham gia đoàn kiểm tra chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, thực hiện kiểm tra, tư vấn, và thúc đẩy chuyên môn tại các đơn vị huyện và thành phố.

"Tôi luôn mong muốn hoàn thiện bản thân mỗi ngày, được làm việc và cống hiến một phần sức lực, trí tuệ nhỏ bé của mình cho sự nghiệp giáo dục. Mục tiêu lớn nhất của tôi là mang lại chất lượng giáo dục tốt nhất cho các em nhỏ, đặc biệt là ở những nơi còn nhiều thiệt thòi về điều kiện cơ sở vật chất.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn góp sức vào các hoạt động văn hóa của địa phương, giúp địa phương ngày càng phát triển. Đây cũng là cách để tôi học hỏi, trau dồi và hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày", nữ giáo viên tâm sự.

Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào tính khẩu phần ăn cho trẻ được nhân rộng trong tỉnh

Trong quá trình công tác, nữ giáo viên còn có nhiều sáng kiến hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện chế độ dinh dưỡng cho học sinh mầm non. Cô Trang đã thực hiện 2 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh. Trong đó, sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin vào tính khẩu phần ăn cho trẻ tại Trường Mầm non Bình Dương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán trú” là sáng kiến cô Trang tâm đắc nhất.

Cô Trang cho hay: “Năm 2012, khi tôi được giao phụ trách khối mầm non Trường Phổ thông cơ sở Bình Dương, tôi đã xin phép lãnh đạo nhà trường tổ chức bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn nảy sinh đó là công tác tính khẩu phần ăn cho trẻ không được hướng dẫn cụ thể.

Thời điểm đó, công nghệ thông tin chưa phát triển, việc tính khẩu phần ăn cho trẻ tại các trường mầm non chủ yếu được thực hiện thủ công nên độ chính xác không cao. Mặc dù phần mềm tính khẩu phần ăn có thể giúp cải thiện vấn đề này, nhưng nhiều trường lại gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí phần mềm hoặc không có internet khiến việc sử dụng phần mềm trở nên bất khả thi.

Là một trường thuộc vùng III với nhiều khó khăn, Trường Phổ thông cơ sở Bình Dương cũng không nằm ngoài những thách thức trên. Hơn nữa, công tác này thường do cán bộ và giáo viên kiêm nhiệm, thiếu nhân viên chuyên trách, khiến công việc trở nên vất vả, áp lực, tốn nhiều thời gian và công sức.

Hơn hết, công tác bán trú luôn là nhiệm vụ trọng tâm tại các trường mầm non. Nhà trường không chỉ có trách nhiệm giáo dục mà còn phải đảm bảo việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Vì thế, việc tính khẩu phần ăn chính xác là yếu tố then chốt để trẻ phát triển, tác động tích cực đến việc giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Thực tế đó đã thôi thúc tôi tìm kiếm giải pháp để cải thiện quy trình tính khẩu phần ăn cho học sinh. Tôi đã nghiên cứu phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào tính khẩu phần ăn cho trẻ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán trú và thử nghiệm ngay tại trường mình.

Một trong những thách thức lớn khi thực hiện sáng kiến này là cần phải nghiên cứu tính toán đúng nhu cầu và lượng của từng chất dinh dưỡng, từng bữa ăn của trẻ. Để làm được điều đó, tôi đã tìm rất nhiều tài liệu và học hỏi thêm về công nghệ thông tin để hoàn thiện công thức và áp dụng một cách chính xác nhất.

Những năm đầu, tôi chỉ sử dụng phần mềm Excel đơn giản để tính toán khẩu phần ăn và nhận thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp đó chưa tối ưu nên tôi tiếp tục cải tiến và thiết lập một công thức tính toán khẩu phần ăn sao cho dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Điều đặc biệt là sáng kiến này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn không yêu cầu sử dụng mạng internet, điều đó rất phù hợp với các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có internet. Trường Mầm non Bình Dương là đơn vị đầu tiên thử nghiệm áp dụng phương pháp tính khẩu phần ăn bằng bảng tính.

Sau khi áp dụng, cách làm này nhanh chóng chứng minh hiệu quả. Đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm có thể thực hiện tính toán một cách nhanh chóng, tiện lợi, với độ chính xác cao. Đặc biệt, phương pháp này không đòi hỏi kinh phí đầu tư phần mềm, chỉ cần sử dụng máy tính mà không cần kết nối internet. Các sổ sách cũng được đảm bảo sạch sẽ, không bị tẩy xóa do sửa sai.

Quan trọng hơn, các bữa ăn hàng ngày của trẻ được đảm bảo đủ dinh dưỡng và chất lượng, phù hợp với nhu cầu khuyến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu quả rõ rệt nhất là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại trường giảm đáng kể, góp phần nâng cao sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ”.

 Học sinh mầm non ăn cơm bán trú tại nhà trường. Ảnh: NVCC

Học sinh mầm non ăn cơm bán trú tại nhà trường. Ảnh: NVCC

Sau khi áp dụng thành công sáng kiến, cô Trang đã chuyển giao sáng kiến này cho các trường mầm non trong huyện Hòa An và một số trường ở các huyện khác trong tỉnh Cao Bằng. Sáng kiến của cô được các trường đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực và giải quyết được nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bán trú.

“Điều ý nghĩa nhất trong sáng kiến này là học sinh được đảm bảo những bữa ăn đủ chất, đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, từ đó phát triển toàn diện hơn. Phụ huynh cũng yên tâm hơn khi gửi gắm con em cho nhà trường.Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp một phần nhỏ trong việc nâng cao chất lượng quản lý nhà trường, đặc biệt là công tác quản lý bán trú. Sáng kiến này cũng giúp tôi tích lũy thêm kiến thức về chăm sóc trẻ và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc”, cô Trang chia sẻ thêm.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều bày tỏ mong muốn xã hội dành nhiều sự quan tâm hơn cho học sinh bậc mầm non. Cô nhắn nhủ: “Với các nhà trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, hãy luôn đặt trái tim mình nơi học sinh. Khi tâm huyết hướng về học sinh, bản thân mỗi người sẽ tự biết phải làm gì để đem lại những điều tốt nhất. Tôi cũng hy vọng các nhà giáo sẽ không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày, trở thành những người đủ tâm, đủ tầm để đồng hành cùng các thế hệ trẻ”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô Hoàng Thị Huyền Trang đã được Liên đoàn Lao động huyện Hòa An tặng giấy khen “Đã có thành tích trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động Công đoàn năm 2019”. Ngoài ra, cô đạt giải Nhì trong Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp huyện năm 2021; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2020 và bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2019-2020 và 2020-2021.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nu-nha-giao-tieu-bieu-voi-sang-kien-ung-dung-cntt-vao-tinh-khau-phan-an-cho-tre-post247197.gd
Zalo