Đưa sản phẩm OCOP 'made in Lai Châu' vươn xa, bay cao

Xác định việc phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, những năm qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại "Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024" - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Tính đến nay, Lai Châu có 215 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, đa số là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định.

Các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm thể hiện là đặc sản vùng miền, giá sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên của địa phương…

Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng; nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh. Theo thống kê, mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng doanh thu trên 20%...

Chính những điều này đã khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.

Tại huyện Tam Đường, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo dấu ấn, sức bật đối với nông nghiệp, nông thôn của huyện. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, để phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, công tác tuyên truyền, quảng bá đến các tập thể, cá nhân có những sản phẩm được xây dựng đạt OCOP là điều rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là tuyên truyền để những chủ thể có sản phẩm đó hiểu được khi có những mặt hàng được công nhận là sản phẩm OCOP thì lợi thế thị trường, sức mua cao hơn.

Tương tự, với sự trợ lực từ chương trình OCOP, huyện Than Uyên đã có nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới dần khẳng định được thương hiệu. Nhiều sản phẩm OCOP trở thành đòn bẩy giúp nông sản tăng sức cạnh tranh và ngày càng vươn xa.

Bà con Hà Nhì chế biến sản phẩm ớt trung đoàn - sản phẩm OCOP nổi tiếng của Lai Châu - Ảnh: VGP/Trần Huỳnh

Bà con Hà Nhì chế biến sản phẩm ớt trung đoàn - sản phẩm OCOP nổi tiếng của Lai Châu - Ảnh: VGP/Trần Huỳnh

Để các sản phẩm OCOP được duy trì và nâng cao chất lượng, giá trị, quy mô theo yêu cầu, huyện Than Uyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện xây dựng các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương và kêu gọi sự liên kết của doanh nghiệp, HTX để mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và lồng ghép các nguồn vốn giúp chủ thể đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm; đồng hành cùng chủ thể quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm…

Còn TP. Lai Châu luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ cơ sở, doanh nghiệp, HTX lập trang thương mại điện tử trên Facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng… nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP, từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu đã từng bước tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của tỉnh, qua đó, vừa kích thích nhu cầu mua sắm, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tới tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Năm 2020, HTX Trái Tim (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm du lịch (cung cấp nhà nghỉ dịch vụ lưu trú ngắn ngày, ăn uống) đạt OCOP 3 sao. Đó cũng là tiền đề để HTX đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Lãnh đạo HTX Trái Tim cho biết, để thu hút du khách, HTX đã phối hợp với Ban Quản lý bản Sin Suối Hồ vận động nhân dân góp sức, hiến đất cùng với chính quyền địa phương cải tạo xây dựng những con đường và cảnh quan thành điểm du lịch cộng đồng. HTX cũng chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu, sản phẩm du lịch thông qua YouTube, Facebook. Vì vậy, du khách tìm đến HTX ngày một nhiều hơn.

Khi đến đây, du khách nghỉ tại homestay, cùng sinh hoạt, ăn uống, vui chơi, lao động với người địa phương, trải nghiệm thực tế phong cảnh, văn hóa và nhất là phong tục tập quán của người bản xứ. Đời sống của thành viên HTX và bà con được nâng lên rõ rệt, với thu nhập chủ yếu từ bán các sản phẩm dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…

Hiện nay, một số chủ thể có sản phẩm đạt OCOP ở Than Uyên cũng đang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với hoạt động du lịch.

Chị Lò Thị Dung, Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé (xã Mường Kim) cho biết, trước đây nuôi cá lòng hồ chỉ bán cho các thương lái, thì từ khi xây dựng các sản phẩm cá đạt OCOP, nhất là những loại cá đặc sản như lăng, bỗng… đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức. Vì vậy, trung bình mỗi ngày HTX đón khoảng 20 khách du lịch, dịp lễ, tết đón khoảng 160-200 khách/ngày.

Du khách tìm hiểu về các sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại "Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024" - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Du khách tìm hiểu về các sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại "Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024" - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chủ động tìm kiếm thị trường, mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vươn cao, bay xa

Thời gian qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, qua đó, kết nối các chủ thể đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị, cũng như phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.

Song song với đó, các địa phương cũng tích cực kết nối để mở "cánh cửa" cho sản phẩm OCOP của địa phương mình vươn cao, bay xa.

Chẳng hạn, TP. Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững; phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Còn huyện Than Uyên, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên vận động chủ thể tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm do các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức. Tại các sự kiện lớn của huyện đều trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng đặc trưng của địa phương - đây là một trong những giải pháp đưa sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Với cách làm này, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ khẳng định được tên tuổi trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Cơ sở thịt sấy Ninh Sớp (TP. Lai Châu) ứng dụng công nghệ 4.0 đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Cơ sở thịt sấy Ninh Sớp (TP. Lai Châu) ứng dụng công nghệ 4.0 đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Để các sản phẩm OCOP của Lai Châu có sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị lớn, hiện nay, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Tỉnh cũng tiếp tục làm việc với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn để có cơ chế ưu đãi thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP phải hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: Tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.

Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024 đặt ra yêu cầu: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; ưu tiên đưa nội dung triển khai chương trình OCOP thành nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của đơn vị để chủ động thực hiện có hiệu quả; bám sát mục tiêu chương trình OCOP quốc gia và tình hình thực tế của địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

Việc lựa chọn sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP phải đáp ứng các tiêu chí: Ưu tiên các sản phẩm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như sản phẩm đặc sản, đặc hữu có quy mô sản phẩm, nguồn nguyên liệu ổn định, các sản phẩm dịch vụ gắn với bản sắc văn hóa, cảnh quan, sinh thái du lịch đặc trưng của địa phương; sản phẩm được sản xuất tại vùng nông thôn, nhất là sản phẩm được hình thành từ các bản, xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dua-san-pham-ocop-made-in-lai-chau-vuon-xa-bay-cao-5029975.html
Zalo