Đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Ngày 4/12, tại thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề 'Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp'.
Diễn đàn có sự tham dự của Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Viện Môi trường nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và nông dân tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.
Theo Cục Trồng trọt, hằng năm cả nước có hơn 100 triệu tấn phế phụ phẩm gồm các sản phẩm đầu vào như vỏ bao bì phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật…; phụ phẩm sau quá trình canh tác và các sản phẩm còn lại là thân, lá, cành; phụ phẩm sau quá trình chế biến như vỏ trấu, lõi, hạt không đủ tiêu chuẩn.
Trong đó, ước tính có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu tấn phế thải thực vật từ lạc, ngô, đậu tương, sắn, cà-phê… Các phụ phẩm này có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được; đồng thời, đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.
Còn theo Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 7/2022, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho hay có 95% số trang trại chăn nuôi thực hiện xử lý chất thải.
Các giải pháp chính để xử lý môi trường chăn nuôi là công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân compost, công nghệ vi sinh, phương pháp đốt, nuôi giun và côn trùng để tự tiêu hủy.
Ở tỉnh Thái Bình, việc xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp được tích cực đẩy mạnh. Toàn tỉnh có khoảng 200ha đất canh tác theo hướng thuận thiên tạo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học tại huyện Thái Thụy, Kiến Xương; khoảng 18 nghìn công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi; 9 mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học..
Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, hiện nay kinh tế tuần hoàn là mô hình sản xuất tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu rác thải và tái sử dụng phụ phẩm để tạo ra giá trị mới.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất trong chu trình khép kín. Chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học và công nghệ hóa lý.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.